Vì sao tiền hưởng lợi ở đường dây đánh bạc nghìn tỉ toà tuyên sung công?

Lao Động 04/12/2022 11:24:04
Vì sao tiền hưởng lợi ở đường dây đánh bạc nghìn tỉ toà tuyên sung công?-1

Các bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỉ qua game Nổ hũ. Ảnh: Việt Dũng

Ngày 2.12, TAND Hà Nội đã tuyên phạt với 37 bị cáo trong đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc nghìn tỉ qua game Nổ hũ. Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Hương Ly - cầm đầu đại lý 1 của đường dây bị tuyên mức án cao nhất - 8 năm tù vì "Tổ chức đánh bạc".

Theo cáo trạng, trước khi bị đưa ra xét xử, quá trình điều tra, các bị cáo Hương Ly, Nguyễn Đức Mạnh... đã nộp một phần tiền hưởng lợi từ hành vi tổ chức đánh bạc, khắc phục hậu quả.

Cụ thể, bị cáo Hương Ly hưởng lợi gần 14 tỉ đồng, nộp 1 tỉ cùng số tiền hơn 220 triệu công an thu giữ được tính là phần khắc phục hậu quả.

Bị cáo Nguyễn Đức Mạnh hưởng lợi gần 12 tỉ, khắc phục 200 triệu đồng; Bị cáo Ngô Duy Quang - người đứng đầu nhóm lập trình, phát triển game Nổ hũ, hưởng lợi 1,7 tỉ, nộp 700 triệu đồng khắc phục hậu quả.

Cùng nhiều bị cáo khác, tổng số tiền theo cáo trạng họ nộp khắc phục là gần 7,3 tỉ đồng.

Theo đó, ngoài mức án với 37 bị cáo, toà sơ thẩm cũng tuyên sung công quỹ số tiền một số người đã nộp khắc phục hậu quả trước đó.

Trong đường dây tổ chức đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club, Phan Sào Nam - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online phải khắc phục 1.475 tỉ đồng.

Cùng với mức án tuyên phạt với ông trùm đường dây tổ chức đánh bạc Phan Sào Nam và các bị cáo khác, toà sơ thẩm, phúc thẩm đều quyết định sung công quỹ số tiền họ hưởng lợi từ hành vi vi phạm pháp luật.

Trong vụ án Phan Sào Nam, đại diện VKS cho rằng, việc bị cáo "tự nguyện khắc phục hậu quả" nhằm đảm bảo sự phân hoá tội phạm.

Việc bị cáo này tự nguyện nộp tiền hưởng lợi bất chính cao hơn bị cáo khác thì được xem xét khi toà lượng hình.

Tại phiên tòa phúc thẩm, dù được Viện Kiểm sát kháng nghị theo hướng có lợi, nhưng Phan Sào Nam vẫn bị tuyên y án.

HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận nội dung kháng nghị vì cho rằng: Tiền các bị cáo nộp, bị phong tỏa đều là tiền có nguồn gốc do phạm tội mà có.

Số tiền này các bị cáo đều phải nộp sung quỹ Nhà nước nên không thể coi đó là bị cáo khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, việc các bị cáo tình nguyện giao nộp số tiền này thể hiện thái độ ăn năn hối cải, có thể coi là tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như tòa án cấp sơ thẩm áp dụng là có căn cứ.

Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội cùng quan điểm cho rằng, việc người phạm tội nộp lại một số tiền cụ thể (có thể bằng với số tiền thu lợi bất chính trong quá trình bị cáo thực hiện tội phạm hoặc nhiều hơn) thì số tiền này phải được xem là tiền thu lợi bất chính buộc bị cáo phải nộp để sung quỹ nhà nước.

Theo luật sư Nguyễn Minh Long, tại Nghị quyết số 01/2000/NQ- HĐTP ngày4.8.2000 của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao có hướng dẫn về việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hiện được quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.

Hiện nay, một số tòa án hiện nay vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự đối với tội “Đánh bạc”.

Về vấn đề này, theo luật sư, đối với tội đánh bạc, hành vi phạm tội này không gây thiệt hại về mặt vật chất hay thiệt hại về tinh thần.

Đồng thời, khách thể của loại tội này xâm phạm đến trật tự quản lý xã hội của Nhà Nước chứ không phải xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người khác như một số loại tội phạm thông thường.

Tội này không có hậu quả cụ thể như các loại tội phạm khác, và trong trường hợp này bị cáo không thể nào là người “Sửa chữa, bồi thường thiệt hại, hay khắc phục một phần hậu quả” do hành vi phạm tội của chính mình gây ra.

Như vậy, việc áp dụng tình tiết "Sửa chữa, bồi thường thiệt hại, hay khắc phục một phần hậu quả trong vụ án đánh bạc là không hợp lý.

Nối

Khác

Xem tiếp đi