TPHCM: Đảm bảo chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách

Phụ Nữ Online 26/11/2022 15:18:14
TPHCM: Đảm bảo chi cho giáo dục tối thiểu 20% tổng chi ngân sách-1

TPHCM phấn đấu đảm bảo chi đầu tư cho giáo dục để thực hiện các chỉ tiêu trong giai đoạn 2030-2045

Theo dự thảo, các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030 như: Tiếp tục duy trì chỉ tiêu 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học/từng quận, huyện, thành phố. Đạt 100% trường tiểu học được học 2 buổi/ngày, 70% trường THCS học 2 buổi/ngày và 80% trường THPT học 2 buổi/ngày trên mỗi quận, huyện, thành phố. Có 90% trẻ từ 3 tuổi học mẫu giáo; 99% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non không suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi; giảm tỷ lệ trẻ em béo phì còn dưới 10%.

Mỗi quận, huyện, thành phố có ít nhất 2 trường ở mỗi bậc học mầm non, tiểu học, THCS, THPT thực hiện chương trình trường chất lượng cao “Truờng tiên tiến, hội nhập quốc tế"; 100% trường học trên địa bàn thành phố phấn đấu xây dựng mô hình trường học thông minh.

100% giáo viên mầm non tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; 100% giáo viên tiểu học, THCS và THPT trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên (hoặc tương đương) trở lên.

Bên cạnh đó, 50% học sinh thành phố sau khi tốt nghiệp THPT đạt được trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, 30% học sinh phổ thông có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn bậc 4. Với tin học, 90% học sinh tốt nghiệp THPT có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, 50% học sinh có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế.

Hàng năm, kết quả khảo sát sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện thủ tục hành chính và tỷ lệ hài lòng chung của người dân đối với dịch vụ giáo dục công đạt 90% trở lên.

Phấn đấu năm 2030, 30% trường tiểu học đảm bảo đủ điều kiện tự chủ. Đến năm 2025, 80% người học và nhà giáo của thành phố có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tiếp cận có hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và các hoạt động dạy - học trực tuyến. Đến năm 2030, 100% người học và nhà giáo của thành phố có đủ điều kiện tiếp cận có hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và các hoạt động dạy - học trực tuyến.

TPHCM triển khai thí điểm mô hình thành phố học tập và được công nhận là thành phố học tập của Việt Nam và tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2030...

Để đạt được các chỉ tiêu này, một trong những giải pháp trọng tâm là phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Trong đó, chú trọng đổi mới cơ chế, chính sách tuyển dụng, quản lý sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình, yên tâm công tác và cống hiến, thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phát triển.

Thành phố cũng bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục, với tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo bảo đảm tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Sở đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận – huyện và TP. Thủ Đức, Hiệu trưởng các trường THPT, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên nghiên cứu, góp ý dự thảo nêu trên trước ngày 3/12/2022 để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố.

Minh Linh

Nối

Khác

Xem tiếp đi