TPHCM cần thêm giao lộ "mì Ý" để giảm kẹt xe

Dân trí 25/11/2022 19:31:52

Dài 3 km với 8 làn xe chạy, đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) có đến 2 cầu vượt tại giao lộ với đường Hoàng Hoa Thám và với vòng xoay Lăng Cha Cả. Tuy nhiên, đây lại là một trong những điểm nóng kẹt xe của thành phố.

"Cầu vượt là một giải pháp tăng diện tích mặt đường giúp giảm kẹt xe, tuy nhiên, các đoạn cầu còn ngắn, kẹt khúc nào thì chỉ giải quyết được khúc đó thôi", PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TPHCM, đánh giá.

Ông Hòa cho rằng TPHCM có thể dùng đến phương án tăng quỹ đất giao thông bằng cách làm đường trên cao. Đây là giải pháp trước mắt giải quyết cho gần 9 triệu phương tiện lưu thông.

Cầu Nguyễn Hữu Cảnh cấm xe để sửa chữa khiến giao thông bên dưới ùn tắc trong nhiều ngày (Video: Cao Bách).

Chưa thể trông chờ vào giao thông công cộng

Hệ thống giao thông công cộng ở TPHCM hiện có xe buýt. Theo Trung tâm quản lý Giao thông công cộng (Sở GTVT), thành phố có 128 tuyến xe buýt đang hoạt động.

Theo ghi nhận của Dân trí , có chuyến xe buýt chở chưa đầy hành khách lưu thông trong dòng xe kẹt giờ cao điểm. Lượng phương tiện cá nhân ở TPHCM vẫn chiếm ưu thế, dù xe buýt đã cố gắng cải thiện chất lượng dịch vụ nhằm thu hút người dân sử dụng.

Trong các phương án cải thiện tốc độ của xe buýt, nhiều người nói về việc làm làn đường riêng như BRT ở Hà Nội. "Đa số mặt đường nội đô ở TPHCM quá nhỏ, không nên phân làn riêng cho các loại phương tiện nữa, phải chấp nhận trộn làn", ông Hòa nêu ý kiến.

Ngoài ra, hệ thống metro là giải pháp về giao thông công cộng nhưng sắp tới TPHCM mới chỉ có một tuyến. Chuyên gia Nguyễn Minh Hòa đánh giá loại phương tiện này chưa đủ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

"Chỉ khi hệ thống giao thông công cộng phát triển, giảm phương tiện cá nhân thì mới bớt kẹt xe. Lượng phương tiện đường bộ ở TPHCM còn quá nhiều nên trước mắt cần đường để giải quyết lượng phương tiện ấy đã", chuyên gia Hòa đánh giá.

Thành phố có thể làm đường trên cao theo tuyến kênh, sông

"Trên đường Cộng Hòa, nếu 2 cầu vượt hiện tại được kết nối xuyên suốt toàn tuyến (từ Lăng Cha Cả đến đường Trường Chinh), thì dòng xe đi trên cao sẽ lưu thông nhanh hơn", ông Hòa nêu ví dụ về hiệu quả của đường trên cao.

TPHCM cần thêm giao lộ "mì Ý" để giảm kẹt xe-1

Hàng nghìn phương tiện tham gia giao thông phải "chôn chân" kéo dài gần 4km đoạn từ vòng xoay Điện Biên Phủ đến chân cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh) tối 15/8 (Ảnh: Châu Châu).

Trong tổng diện tích mặt đường 50,7 triệu m2 và tổng chiều dài 4.734 km ở TPHCM, có 1.160 cầu đường bộ nhưng cao nhất là một tầng. Thực tế, ở các khu vực hiện hữu của thành phố nhất là khu vực trung tâm, khả năng có thể mở thêm đường là rất thấp (giai đoạn 2011-2017 chỉ tăng 0,3%/năm).

Bên cạnh đó, các giao lộ ở nội đô hiện nay chủ yếu theo dạng vòng xuyến trên cùng mặt đường, còn lại đa số giao lộ có đèn giao thông thì phương tiện phải mất thời gian dừng lại khi lưu thông.

Chuyên gia đề cập đến mô hình giao lộ "mì Ý", giao lộ hình hoa thị phổ biến ở những đô thị có mật độ giao thông dày đặc như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây. Đó là các tuyến đường và giao lộ đan xen chồng lên nhau cả 4-5 tầng, không có đèn giao thông hay vòng xuyến, dòng xe có thể chạy thẳng không cần dừng.

"Việc xây dựng nút giao thông có nhiều tầng không phải là điều phức tạp. Địa chất TPHCM phù hợp để làm đường trên cao", ông Hòa nói.

Theo chuyên gia giải thích, các tầng phía trên đường mặt đất được nâng lên bằng một hàng cột trụ. Như vậy trên cùng một tuyến đường, lượng phương tiện được giải tỏa, không phải chen chúc nhau trên tuyến đường hiện nay.

Tính đến trường hợp không còn quỹ đất, thành phố có thể làm đường trên cao theo tuyến kênh, sông thì sẽ không bị lấp mặt đường hiện hữu, giảm áp lực trong công đoạn giải tỏa đền bù mặt bằng trong khu dân cư.

TPHCM cần thêm giao lộ "mì Ý" để giảm kẹt xe-2

TPHCM đang quy hoạch đường trên cao 3 tầng tại nút giao An Phú (TP Thủ Đức), gồm hầm chui và 2 cầu vượt trên cao, giúp giảm ùn tắc cho khu vực cửa ngõ phía Đông. Công trình dự kiến khởi công trong năm 2022 và hoàn thành vào năm 2025 (Ảnh: Sở Giao thông Vận tải TPHCM).

Triển khai đề án tổ chức lại giao thông công cộng

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, nhận định, vấn đề kẹt xe đang có những tác động lớn tới sự phát triển của địa phương. Để giải quyết được hạn chế này, thành phố đã triển khai đề án tổ chức lại giao thông công cộng, trong đó có nghiên cứu cả hành vi, thói quen, văn hóa giao thông.

Đường Phạm Văn Đồng là đại lộ dài 12 km lớn với 12 làn xe thường xuyên bị ùn ứ tại các nút giao. Theo Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM), ngoài việc lượng xe tăng cao vào giờ cao điểm thì nhiều trường hợp không tuân thủ luật giao thông như chạy lấn làn ôtô, vượt đèn đỏ... dẫn đến tình trạng ùn tắc ở tuyến đường này.

"Nếu người dân biết nhường nhịn nhau tại ngã ba, ngã tư thì sẽ giảm được ùn tắc giao thông. Trong đó, cơ quan chức năng cũng cần có trách nhiệm nâng cao ý thức khi tham gia giao thông cho người dân", Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an, cho biết.

TPHCM cần thêm giao lộ "mì Ý" để giảm kẹt xe-3

"Xe máy, ôtô tải, ôtô con di chuyển khá lộn xộn khi qua nút giao. Nơi đây cần có hệ thống phân làn di chuyển khoa học hơn", một CSGT trực điều tiết giao thông tại nút giao An Phú (TP Thủ Đức) cho biết (Ảnh: H.G).

Đồng thời, từ năm 2019, TPHCM đã thành lập trung tâm điều hành giao thông thông minh, với 775 camera giám sát hình ảnh tình hình giao thông khu vực trung tâm thành phố.

Khi phát sinh các điểm ùn tắc, sự cố giao thông, trung tâm sẽ lập tức báo về phòng CSGT TPHCM cùng các đơn vị để có biện pháp xử lý. Dữ liệu về tình hình giao thông cũng được chia sẻ trực tiếp với người sử dụng phần mềm cảnh báo giao thông, cổng thông tin giao thông để có phương án tìm đường đi phù hợp, tránh khu vực ùn tắc.

"Tôi theo dõi mật độ giao thông trên ứng dụng trực tuyến, biết được tình trạng kẹt xe. Nhưng Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) là cung đường chính dẫn vào thành phố, ô tô khó mà rẽ vào đường khác để tránh kẹt xe. Đến xa lộ còn kẹt huống chi các đường nhỏ xung quanh", một tài xế taxi công nghệ than thở.

"Mỗi năm TPHCM thiệt hại khoảng 6 tỷ USD (hơn 132.000 tỷ đồng) do tình trạng ùn tắc giao thông gây ra", ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, công bố số liệu theo nghiên cứu của đơn vị và Viện Nghiên cứu phát triển thành phố.

Trong một buổi làm việc với UBND TPHCM hồi tháng 7, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng thành phố đã mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc nhưng vẫn chưa giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông.

"Có vẻ cách tiếp cận của chúng ta trong giải quyết ùn tắc giao thông còn chưa trúng. Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc về vấn đề này nhưng đến nay, sự chuyển biến còn chậm", ông Dũng nhận định.

Nối

Khác

Xem tiếp đi