Tìm vận hội mới cho hương liệu và thổ sản xứ Quảng

Sở Hữu Trí Tuệ 22/01/2023 14:39:41

Tìm vận hội mới cho hương liệu và thổ sản xứ Quảng

14:02, 21/01/2023 $arr[date('w',strtotime($oneNews['push_date']))]

Xứ Quảng có những miền danh hương: Đất Trà My "cao sơn ngọc quế", "quốc bảo" sâm Ngọc Linh, Tiên Phước xứ trầm hương, Cù Lao Chàm – Hội An với "vàng trắng" yến sào… Nay trong vận hội mới, các thương hiệu hương liệu, thổ sản này qua thời gian càng thấy rõ giá trị cần bảo tồn, nâng lên tầm cao mới.

Trong sách sử so sánh: "Thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một thứ củ nâu. Thuyền từ Thuận Hóa về có mua một thứ là hồ tiêu. Còn từ Quảng Nam về không có món gì là không có".

Các loại hàng hóa xuất khẩu qua Trung Quốc, Nhật, Bồ Đào Nha… đều xuất phát từ cảng thị Hội An phồn thịnh một thời. Qua sự gạn lọc thời gian, những giá trị thương hiệu hương liệu, thổ sản ngày càng được khẳng định.

Vận hội mới, tầm cao mới

Ngang về đảo xanh Cẩm Nam, chợ Hội An nép bình yên bên dòng sông Hoài yên ả. Ban mai, các tiểu thương bắt đầu trao đổi, bán mua nhiều mặt hàng hương liệu, thổ sản.

Bà Ba (60 tuổi) - tiểu thương chợ - đang ngồi cân lại những bó quế thơm hương núi rừng, cho biết: "Tôi bán quế và hương từ khi còn là con gái, đến nay đã hơn 30 năm. Du khách đến chợ rất thích hương liệu ở đây".

Tìm vận hội mới cho hương liệu và thổ sản xứ Quảng-1

Chợ Hội An biểu tượng tiêu biểu tái hiện nhộn nhịp thương cảng lừng danh một thời.

Theo bà Ba, quế không nơi đâu thơm bằng Trà My, hương ít nơi nào sánh bằng Tiên Phước, cau Đại Lộc… mỗi thức mỗi vùng. Bà Ba một tay xòe bó quế màu nâu đất và sản phẩm mỹ nghệ từ quế, nói thêm: "Tôi thường mua lại quế từ đồng bào Cor (Co), Xơ Đăng, Cadong ở vùng núi Trà My. Quế Trà My có đặc tính vượt trội như tính ấm mạnh, đậm đà và ngọt hơn bất kỳ loại quế nào".

>>> Hương liệu, thổ sản trù phú làm nên thị cảng Hội An phồn vinh một thời

"Từ rất lâu rồi, quế Trà My không chỉ là hàng hóa mà đi vào tâm thức nhân dân như biểu tượng giá trị quê hương Trà My. Đó cũng là mạch sống ngầm lưu giữ và thổi hương ngào ngạt đến bây giờ", thạc sĩ Phan Thị Á Kim - Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam - nói.

Vùng quế Trà My tập trung nhiều tại huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Tháng 10/2022, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ Trà My. Đây được xem là quyết sách lớn tạo ra cơ hội mới cho việc phát triển cây quế địa phương.

"Với bề dày lịch sử nổi tiếng về chất lượng cùng yếu tố văn hóa, con người vùng đất Trà My hòa quyện làm nên danh tiếng sản phẩm. Trải qua bao thăng trầm tự nhiên và lịch sử, quế Trà My ngày càng khẳng định vị thế chất lượng cao trên thị trường từ xưa đến nay", thạc sĩ Á Kim khẳng định.

Tìm vận hội mới cho hương liệu và thổ sản xứ Quảng-2

Quế Trà My không chỉ được các nước có truyền thống sử dụng quế ở Châu Á ưa chuộng mà có mặt hầu khắp các nước trên thế giới.

Ngày nay, dù Hội An không còn là nơi duy nhất bán quế, Trà My vẫn là đầu mối để trưng bày, giới thiệu, mua bán các sản phẩm về quế, làm cầu nối tiếp cận thị trường thế giới như trước đây.

Xứ Quảng còn nổi tiếng là quê hương "quốc bảo" sâm Ngọc Linh. Hiện sâm Ngọc Linh "vàng xanh" đang được quan tâm với những cơ chế chính sách bảo tồn, phát triển thành thương hiệu quốc gia. Bước đầu tạo ra nguồn giống đáng kể cung ứng cho nhân dân và doanh nghiệp trong vùng trồng sâm. Định hướng đến năm 2030, Quảng Nam trở thành Trung tâm giống sâm Ngọc Linh quốc gia, sản xuất 5 – 10 triệu cây/năm.

Tỉnh Quảng Nam hiện có các vùng sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản đang hình thành và phát triển. Xuất khẩu nông sản là lựa chọn, xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập mở rộng thị trường, đem lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp, người dân.

Sắp tới, Sở Công thương tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh xuất khẩu thổ sản bắt đầu từ việc quy hoạch sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, đăng ký mã số vùng trồng, đăng ký mã số đóng gói sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh giải pháp sử dụng công nghệ cao, chế biến sâu, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc từng khâu trong các giai đoạn tạo ra sản phẩm.

Tìm vận hội mới cho hương liệu và thổ sản xứ Quảng-3

Quốc bảo "sâm Ngọc Linh" thổ sản "vàng xanh" xứ Quảng.

Đến nay, một số thổ sản, hương liệu được phục hồi. Với quế, Quảng Nam có 6 sản phẩm OCOP. Với trầm, những năm qua, nhiều hộ gia đình chú trọng trồng tạo nên những vườn dó xanh ngút ngàn, hoạt động chế tác trầm mỹ nghệ sôi động và cho giá trị cao...

"Chúng tôi mong muốn Hội An trở lại là trung tâm kết nối vùng nguyên liệu từ các huyện trên ngàn dưới biển xứ Quảng để phát triển sản phẩm. Đặc biệt, đây sẽ là nơi các sản phẩm OCOP trưng bày, giới thiệu tới du khách", bà Nguyễn Thị Xuân Vui - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Hội An - chia sẻ.

Sẽ xây dựng bảo tàng hương liệu, thổ sản tại Hội An

Thạc sĩ Quảng Văn Quý - Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn Hóa Hội An - cho hay: Con đường hương liệu, thổ sản xứ Quảng đầy tiềm lực, dẫu nay không còn là thị cảng quốc tế tấp nập thương thuyền Đông Tây như các thế kỷ trước. Song, mỗi năm Hội An vẫn đang đón hàng triệu lượt du khách. Đây là cơ hội để vực dậy và phát triển thương hiệu hương liệu, thổ sản xứ Quảng tại Hội An.

"Những mặt hàng hương liệu, thổ sản… Quảng Nam hiện nay được chắt lọc nâng tầm. Nhiều loại đã có mặt ở các cửa hàng, cửa hiệu trong và ngoài khu phố cổ, trở thành đặc sản được yêu thích và theo chân các du khách đến muôn phương", thạc sĩ Quảng Văn Quý cho hay.

Tìm vận hội mới cho hương liệu và thổ sản xứ Quảng-4

Cau là mặt hàng thổ sản xuất khẩu quan trọng , Cristoforo Borri - một nhà truyền giáo - nhận định: “Lượng tiêu thụ cau lớn đến nỗi thu nhập chính của xứ này là nhờ trồng cau, như dân Ý trồng ô liu và những loại cây khác”.

Hội An hôm nay tiếp tục muốn trở về vai trò trung chuyển hương liệu, thổ sản… của Quảng Nam ra thế giới với sự thăng hoa trong vận hội mới. UBND TP Hội An định hướng và nung nấu thành lập bảo tàng chuyên đề hương liệu, thổ sản tại Hội An, dự kiến sẽ mở cửa đón khách đầu năm 2023.

Bảo tàng lưu giữ, bảo tồn các tư liệu, hiện vật văn hóa – lịch sử, các tri thức bản địa có liên quan ngành nghề khai thác, chế biến hương liệu, thổ sản xứ Quảng. Từ đây, làm rõ vai trò Hội An - điểm trung chuyển mậu dịch về hương liệu, thổ sản qua các giai đoạn lịch sử. Vinh danh và giới thiệu đến công chúng những giá trị đặc trưng của các loại thổ sản quý, tiêu biểu của Hội An, Quảng Nam.

Bảo tàng hương liệu, thổ sản dự kiến sẽ tọa lạc tại số 57 Trần Phú tại TP Hội An. Ngôi nhà thuộc sở hữu Nhà nước do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn Hóa Hội An quản lý, được phân loại giá trị kiến trúc loại 3 có kết cấu hai tầng, rộng rãi.

Tìm vận hội mới cho hương liệu và thổ sản xứ Quảng-5

Con đường Trần Phú vốn được xem là nơi "chưa đi chưa biết Hội An" có vị trí thuận lợi kết nối với các bảo tàng khác tạo thành hệ thống bảo tàng chuyên đề độc đáo.

Bảo tàng mở cửa sẽ làm phong phú thêm giá trị nổi bật toàn cầu của Khu phố cổ Hội An – Di sản văn hóa thế giới, kết nối với các bảo tàng chuyên đề khác… tạo thành chuỗi các điểm tham quan hấp dẫn. Qua đó, thu hút du khách xuống phía Đông khu phố cổ, phát triển hơn các loại hình dịch vụ, nâng cao đời sống người dân.

"Hiện nay, TP Hội An đang lên kế hoạch xây dựng bảo tàng trong phố cổ. Tuy nhiên, tên gọi bảo tàng hương liệu và thổ sản Hội An hay bảo tàng hương liệu và thổ sản Quảng Nam vẫn đang bàn luận thêm" bà Nguyễn Thị Xuân Vui - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Hội An - nói.

"Ở hiện tại lẫn tương lai, hương liệu, thổ sản tự nhiên vẫn mãi là nguồn hàng đặc biệt quý giá với sức khỏe con người", ông Nguyễn Chí Trung - Chi hội Lịch sử TP Hội An - nhấn mạnh và nói thêm rằng những thương hiệu muôn đời cần được khai thác đúng hướng, đúng tầm hơn nữa.

Theo ông Trung, Quảng Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu chuyên sâu về tính năng, công dụng của hương liệu, thổ sản bản địa để đầu tư, khai thác, khuyến khích phát triển.

Bảo Hòa

Nối

Khác

Xem tiếp đi