Quyết liệt ngăn chặn ''tín dụng đen''

Hà Nội Mới 05/12/2022 20:57:28

(HNM) - Theo Công an thành phố Hà Nội, hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn đang diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trong đó, việc núp bóng công ty thu hồi nợ và lợi dụng không gian mạng được các đối tượng đẩy mạnh hơn trước, đòi hỏi lực lượng chức năng phải tập trung ngăn chặn quyết liệt hơn.

Quyết liệt ngăn chặn ''tín dụng đen''-1

Công an quận Hoàng Mai tuyên truyền cách đề phòng các thủ đoạn của tội phạm “tín dụng đen” cho người dân.

Thủ đoạn manh động

Đầu tháng 9-2022, phát hiện một số công ty lợi dụng danh nghĩa công ty mua bán nợ để hợp thức hóa việc đòi nợ thuê, Công an thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch triệt phá. Thủ đoạn của các đối tượng là lập trang web, tài khoản Facebook để quảng cáo hoạt động, mua lại các khoản nợ xấu, khó đòi. Sau khi ký kết hợp đồng mua bán nợ, các đối tượng cho “nhân viên” gửi thông báo cho con nợ, công an cơ sở về thời gian đến làm việc. Đồng thời, cử nhân viên công ty đến nhà "con nợ" gây sức ép; nếu chây ỳ là chúng ăn vạ tại nhà, cơ quan, ảnh hưởng đến an ninh trật tự…

Tháng 11-2022, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”, “tổ chức đánh bạc”, “đánh bạc” với Phó Giám đốc Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh, Tống Văn Vịnh (sinh năm 1974, ở xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) và 8 bị can. Đây là ổ nhóm “tín dụng đen” núp bóng công ty thu hồi nợ hoạt động nhức nhối thời gian qua.

Thông tin về vụ án, Thượng tá Lê Khắc Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, bước đầu làm rõ bà L.T.M (ở huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) đã bán khoản nợ 2,5 tỷ đồng với anh Đ.T.A (Giám đốc Công ty TNHH Tin học công nghệ kỹ thuật số Hà Nội) cho Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh. Từ ngày 15-10 đến 31-10, Tống Văn Vịnh chỉ đạo và trực tiếp cùng các bị can đến nhà anh Đ.T.A đe dọa, chửi bới và buộc nạn nhân viết giấy nợ.

Trước đó, từ tháng 6-2022, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) phát hiện trên địa bàn quận Hà Đông, xuất hiện ổ nhóm do Đỗ Thị Mai Phương (tức Phương “nở”, ở phường Quang Trung, quận Hà Đông) cầm đầu hoạt động “tín dụng đen”, tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức chơi số lô, đề với số tiền giao dịch từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ngày. Xác định đây là ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận Hà Đông đã khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, thu giữ nhiều giấy tờ liên quan đến hành vi “tín dụng đen”.

Quyết liệt ngăn chặn ''tín dụng đen''-2

Các đối tượng trong ổ nhóm “tín dụng đen” của Công ty mua bán nợ Hưng Thịnh tại cơ quan Công an thành phố Hà Nội.

Ngăn chặn từ "trứng nước"

Mới đây, Công an thành phố Hà Nội đã mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ ngày 15-11-2022 đến 5-2-2023). Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, trấn áp tội phạm “tín dụng đen” là một trong những nhiệm vụ công tác được lực lượng công an đặc biệt chú trọng.

Theo Trung tá Nghiêm Bá Phước, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (Công an quận Tây Hồ), tội phạm “tín dụng đen”, nhất là qua mạng xã hội thường khó truy bắt nên công tác tuyên truyền cảnh báo cần đặt lên cao nhất. Hiện tại, Công an quận Tây Hồ đã đưa ra cảnh báo về 16 thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội, thủ đoạn hoạt động của “tín dụng đen” tới các nhóm Facebook, Zalo ở tổ dân cư các phường trên địa bàn để người dân biết và phòng tránh.

Ông Nguyễn Đình Hợi, Tổ trưởng Đội dân phòng phường Bưởi (quận Tây Hồ) khẳng định, qua các ứng dụng internet và trực tiếp tuyên truyền từ công an, người dân đã nắm rõ các thủ đoạn tinh vi của tội phạm cho vay lãi nặng, cầm đồ, thu nợ hộ để ngăn chặn và cùng đấu tranh.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hoạt động đòi nợ thuê bị pháp luật cấm và cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền 60-80 triệu đồng. Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ thuê có thể phải nộp lại số tiền bất hợp pháp có được từ hoạt động này. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cũng phải xử lý nghiêm phía người thuê công ty đòi nợ. Nếu chủ nợ chỉ thỏa thuận thuê đòi nợ bằng cách thức bình thường, nhưng công ty được thuê tự ý dùng phương thức cưỡng ép người nợ đưa tài sản thì chủ nợ không phải là đồng phạm. Còn nếu chủ nợ biết rõ phương thức đòi nợ nhưng vẫn đồng ý và để mặc cho hậu quả xảy ra thì có thể bị xử lý với vai trò đồng phạm về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Ngoài ra, do hợp đồng bán nợ mà chủ nợ ký với công ty mua bán nợ là hợp đồng dân sự giả tạo để che giấu giao dịch thực sự là đòi nợ thuê nên theo Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng này vô hiệu.

Theo Công an thành phố Hà Nội, để ngăn chặn hiệu quả “tín dụng đen” rất cần sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân trong nắm tình hình, tố giác tội phạm. Do đó, lực lượng công an cơ sở sẽ tập trung vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, là “tai mắt” để sàng lọc, phát hiện, đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” ngay từ "trứng nước"...

Nối

Khác

Xem tiếp đi