Quảng Trị: Hỗ trợ hơn 900 nhà ở cho gia đình nghèo ở huyện Đakrông

Báo xây dựng 28/11/2022 19:20:55

(Xây dựng) – UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Quảng Trị: Hỗ trợ hơn 900 nhà ở cho gia đình nghèo ở huyện Đakrông-1

Đakrông là nơi thường xuyên bị thiệt hại lớn do lũ lụt.

Ngày 15/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 353/QĐ-TTg phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2015-2025. Theo đó, huyện Đakrông là huyện duy nhất của tỉnh Quảng Trị trong danh sách 74 huyện nghèo trên toàn quốc được thực hiện đề án.

Mục tiêu của đề án là hỗ trợ xây dựng, nâng cấp nhà ở cho khoảng 911 hộ gia đình hộ nghèo, cận nghèo (thuộc đối tượng quy định tại Đề án) trên địa bàn huyện Đakrông có nhà ở ổn định, an toàn, có khả năng chống chịu tác động của thiên tài, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, phấn đấu đạt diện tích tối thiểu 10m2 sàn/người; nhà ở có tuổi thọ công trình từ 20 năm trở lên; đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, tố, lốc; đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng); các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy.

Tổng số vốn thực hiện là 90.574,99 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 30.000 triệu đồng, vốn ngân sách địa phương 3.000 triệu đồng, các nguồn vốn hợp pháp khác (huy động từ cộng đồng, dòng họ và chính bản thân hộ gia đình được hỗ trợ) là 57.574,99 triệu đồng.

Đối tượng được hỗ trợ, bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm.

Đối tượng thụ hưởng hỗ trợ nhà ở không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác.

Đakrông là một huyện miền núi, có đặc điểm địa hình núi cao, thường xuyên xảy ra tình trạng mưa, lũ đầu nguồn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Trong 20 năm trở lại đây, điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, có lúc rét đậm rét hại, mưa lũ hoặc hạn hán kéo dài, giá cả hàng hóa tăng cao… ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, nhất là những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình năm 2020, tại huyện Đakrông, tuyến đường 588 bị ngập sâu, chia cắt nhiều điểm ở các xã Triệu Nguyên, Ba Lòng, Mò Ó. Đường vào trung tâm xã A Vao (cầu Tràn Tà rụt - A Vao), Ba Nang cũng bị chia cắt nhiều vị trí như cầu Đá Đỏ, Ra Lây, Tà Rẹc. Mưa lũ gây ngập lụt nặng nhất ở xã Ba Lòng và Triệu Nguyên, có khoảng 150 nhà dân ngập hoàn toàn. Mực nước ở các đập thủy điện trên địa bàn huyện cũng đã vượt ngưỡng tràn từ 1,8-4m. Một số tuyến đường liên thôn A Bung (xã A Bung) - thôn A Rồng trên xã A Ngo; đường nội thôn Gia Giã (xã Hướng Hiệp), Húc Nghì (xã Húc Nghì), thôn Ly Tôn (xã Tà Long) bị chia cắt do các tràn và ngầm tràn mực nước ngập sâu 1-2m. Tuyến đường Hồ Chí Minh (Km17,23 trên đường Quốc lộ 9) nhiều điểm sạt lở với khối lượng lớn, đặc biệt điểm sạt lở Km50+150 gây tắc đường…

Mưa lũ, ngập lụt khiến nhiều khu dân cư bị mất đi nơi ở an toàn, do nhà cửa bị cuốn trôi, phá hủy không đảm bảo điều kiện ổn định đời sống. Cụ thể, các năm vừa qua, tình trạng nhà cửa của người dân trên địa bàn huyện Đakrông bị ảnh hưởng bởi tình trạng mưa lũ theo thống kê khoảng 1.710 hộ. Do đó, người dân rất cần có một ngôi nhà ổn định đảm bảo chất lượng để có thể chống chịu được thiên tai, đặc biệt đối với các hộ nghèo, cận nghèo khi điều kiện kinh tế khá khó khăn, khả năng tự xây dựng căn nhà kiên cố khá hạn chế, nên qua các thời kỳ bão lũ thì tình trạng chất lượng nhà xuống cấp, không đảm bảo điều kiện để ở hoặc không còn nhà để ở thường xuyên xảy ra.

Nối

Khác

Xem tiếp đi