Phụ huynh đau lòng thắc mắc: Sao con tôi 25 điểm mà vẫn rớt đại học?

Thanh niên 23/09/2022 21:22:40

Trong chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Làm gì nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1" của Báo Thanh Niên chiều 20.9, phụ huynh Dương Hồng Ân, đã rất đau lòng đặt câu hỏi như vậy.

Phụ huynh đau lòng thắc mắc: Sao con tôi 25 điểm mà vẫn rớt đại học?-1

Phụ huynh cùng thí sinh đến các trường làm thủ tục nhập học những ngày gần đây ĐÀO NGỌC THẠCH

Cụ thể, phụ huynh Dương Hồng Ân cho biết con của mình thi được 25 điểm mà vẫn không đậu nguyện vọng 1 vào ngành thiết kế đồ họa của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. “Giờ cháu phải làm sao để được học ngành thiết kế đồ họa vì cháu nó chỉ thích ngành này thôi?”, vị phụ huynh “cầu cứu” các chuyên gia.

Trước câu hỏi của phụ huynh Dương Hồng Ân, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), cho biết đây là ngành đang nằm trong tốp được quan tâm nhiều nhất, ngành thí sinh đăng ký nhiều thì điểm chuẩn cao và sự cạnh tranh rất nhiều. Ngành này cũng khá đặc thù nên không nhiều trường đào tạo, vì thế điểm chuẩn sẽ khá cao.

Đồng thời, thầy Phương khuyên nếu thí sinh không trúng tuyển NV1 thì có thể tìm đến cơ hội xét tuyển bổ sung. Nếu phụ huynh quan tâm đến trường HUTECH thì có thể cho thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung theo phương thức xét học bạ THPT vào ngành thiết kế đồ họa.

Phụ huynh đau lòng thắc mắc: Sao con tôi 25 điểm mà vẫn rớt đại học?-2

Các chuyên gia tham gia chương trình tư vấn trực tuyến chiều 20.9

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, nhìn nhận: “Thực tế cho thấy thí sinh đạt 25-28 điểm vẫn rớt là chuyện bình thường. Chẳng hạn, năm nay có nhiều ngành như ngành báo chí lấy điểm rất cao. Lý do là số lượng thí sinh đăng ký vào càng đông, phổ điểm càng cao thì điểm chuẩn các ngành cũng sẽ cao nên sự cạnh tranh là rất lớn”.

“Nếu thí sinh kể trên không đậu NV1 và chỉ thích học ngành thiết kế đồ họa thì vẫn có thể tìm cơ hội xét tuyển bổ sung”, thạc sĩ Nguyên nhắn gửi.

Phụ huynh đau lòng thắc mắc: Sao con tôi 25 điểm mà vẫn rớt đại học?-3

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên

Bên cạnh đó, tiến sĩ Nguyễn Đình Khiêm, đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết nhà trường áp dụng một số chính sách ưu đãi cho sinh viên nhập học ngành thiết kế đồ họa và sẽ xét tuyển bổ sung cho ngành này. Điểm chuẩn đợt 1 vào ngành này của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chỉ ở ngưỡng 16 điểm và trường mở cả 3 phương thức cho đợt xét tuyển bổ sung.

Cũng trong chương trình, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên khuyên thí sinh ngay sau khi biết điểm chuẩn thì có 2 việc phải làm là xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT và đến trường làm thủ tục nhập học. Theo ông Nguyên, thí sinh đã xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT sẽ không thể tự hủy mà phải đến các trường để được hỗ trợ. Đồng thời, thạc sĩ Nguyên khuyên thí sinh đừng quá trông chờ vào đợt xét tuyển bổ sung vì cơ hội sẽ mong manh hơn.

Để có cơ hội trúng tuyển trong đợt xét tuyển bổ sung, đại diện của các trường ĐH đưa ra một số lời khuyên.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Khiêm lưu ý: “Điểm chuẩn trong đợt xét tuyển bổ sung thường cao hơn đợt 1 nên các bạn cần nghiên cứu kỹ thông tin của các trường, xem trường nào xét tuyển bổ sung và số lượng chỉ tiêu xét tuyển bổ sung là bao nhiêu. Bên cạnh đó, thí sinh muốn đăng ký xét tuyển bổ sung tại một trường cần tham khảo điểm chuẩn của các ngành trong đợt 1. Các bạn nên theo dõi website của trường từng ngày, từng giờ để cập nhật thông tin và nắm bắt cơ hội xét tuyển bổ sung".

Phụ huynh đau lòng thắc mắc: Sao con tôi 25 điểm mà vẫn rớt đại học?-4

Tiến sĩ Nguyễn Đình Khiêm

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên thì cho rằng đối với điểm phương thức xét tuyển sớm mà nếu thí sinh căn cứ ở các mức điểm đã trúng tuyển trước đây để xét tuyển bổ sung thì có thể sẽ rớt. Để có cơ hội trúng tuyển cao trong đợt xét tuyển bổ sung, ông Nguyên khuyên thí sinh cần chú ý đến ba điểm: Một là, đối sánh với điểm của năm trước, tức là đối với phương thức xét học bạ năm trước vào ngành đó là bao nhiêu; Hai là, căn cứ theo mức điểm năm nay (tức là điểm trúng tuyển có điều kiện) so với mức điểm đã trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và sau đó phân tích thành bài toán và bắt đầu lựa chọn; Ba là đăng ký vào ngành mà thí sinh mong muốn nhất hoặc ngành tương đương với ngành đó.

Phụ huynh đau lòng thắc mắc: Sao con tôi 25 điểm mà vẫn rớt đại học?-5

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương

Thạc sĩ Nguyên cũng lưu ý, trong đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh không cần đăng ký trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT và có thể đến trực tiếp trường để đăng ký hoặc qua hình thức trực tuyến. Thí sinh cũng được đăng ký nhiều ngành trong đợt xét tuyển bổ sung nhưng thực tế sẽ không có quá nhiều ngành để lựa chọn.

Thầy Phương thì khuyên: “Nếu đã trúng tuyển thì thí sinh nên tranh thủ nhập học vì có nhiều chính sách ưu đãi dành cho tân sinh viên, cũng như để ổn định đời sống sinh viên. Những thí sinh chưa trúng tuyển hoặc có nhu cầu xét bổ sung thì nên trực tiếp đến trường để tìm hiểu thông tin chính thống và được tư vấn”.

Nối

Khác

Xem tiếp đi