Nông nghiệp dinh dưỡng và ước muốn thoát nghèo của người Khmer ở Trà Vinh

Nông Nghiệp Việt Nam 23/09/2022 19:57:08
Nông nghiệp dinh dưỡng và ước muốn thoát nghèo của người Khmer ở Trà Vinh-1

Mô hình nuôi vịt ri-mau do phòng NN-PTNT Trà Cú nhân rộng từ chương trình Nông nghiệp dinh dưỡng tại xã Ngãi Xuyên. Ảnh: Minh Đảm.

Vừa qua, chúng tôi có dịp về công tác tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Gặp lại một số hộ đồng bào Khmer khó khăn đã tham gia mô hình Nông nghiệp dinh dưỡng của Chương trình “Không còn nạn đói”, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt, nhất là đời sống kinh tế nhiều hộ đã vươn lên.

Tại Long Hiệp, năm 2019, xã được chọn để triển khai thí điểm chương trình với 36 hộ, tại 3 ấp. Tại mỗi hộ, người dân được các chuyên gia kiểm tra thể trạng, dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày. Qua đó chỉ ra bà mẹ và trẻ em các hộ nghèo cần bổ sung thịt, trứng sữa, rau xanh. Dự án “Nông nghiệp dinh dưỡng” đã hỗ trợ các hộ dân gà giống nuôi lấy trứng và thịt, các giống rau xanh. Đồng thời, dạy họ cách chăn nuôi, trồng rau và sử dụng chúng hàng ngày.

Từ đó đến nay, mô hình đã thật sự được nhân rộng trong toàn xã, một số xã của huyện và phát huy hiệu quả cao trong thay đổi nhận thức của bà con về dinh dưỡng cũng như tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế.

Nông nghiệp dinh dưỡng và ước muốn thoát nghèo của người Khmer ở Trà Vinh-2

Ông Lâm Văn Chín duy trì đàn gà từ chương trình hỗ trợ được 3 năm nay.

Trong đó, chúng tôi rất ấn tượng sự thay đổi sản xuất của hộ ông Lâm Văn Chín ở ấp Chợ. Nói là ở ấp Chợ, chứ thật ra ông Chín đang nuôi gà, nuôi bò ở tận ngoài đồng xa. Trước đây, chúng tôi cũng đến thăm ông Chín một lần để tìm hiểu đời sống, kinh tế của gia đình ông sau khi chương trình không còn hỗ trợ. Lần đó, ông Chín vẫn còn duy trì thói quen trồng rau xanh để dùng hàng ngày. Gà giống của mô hình cũng được giữ lại tiếp tục nhân đàn.

Gặp lại ông Chín vào cuối tuần qua, chúng tôi nhận thấy đời sống của gia đình ông từng bước được nâng lên, thay đổi hơn trước rất nhiều. Gặp chúng tôi, ông nói gà giống của mô hình vẫn còn được duy trì đến nay khoảng vài chục con con. Bên cạnh đó, ông cũng bổ sung thêm giống gà nòi địa phương để lai. Gà của chương trình hỗ trợ là giống gà lai nòi Bình Định, tướng gà thân ngắn, chắc chắn, đẻ rất sai. Con nào con nấy đẻ mười trứng mỗi lứa. Chương trình khuyên gia đình lấy trứng ăn nhưng ông thấy nhiều quá nên giữ lại một ít cho gà ấp. Thế là ông có nguồn giống duy trì đến nay.

Ông Chín khoe, tháng nào cũng làm thịt mấy con gà để cho gia đình ăn, số dư còn đem ra chợ bán. “Từ hồi tham gia mô hình đến giờ, tôi mê nuôi gà luôn. Gà bây giờ, gà trống, mái mấy chục con. Gà con, gà giò nhiều không quản lý nổi, đang ăn ngoài vườn nhiều lắm. Mấy nay, tôi mới bán gà thịt được hơn 2 triệu đồng. Gà ăn cỏ, ăn rau, lúa nên thịt ngon, tụi nhỏ rất thích ăn, mà bán cũng được hai trăm mấy một con”, ông Chín phấn khởi.

Nông nghiệp dinh dưỡng và ước muốn thoát nghèo của người Khmer ở Trà Vinh-3

Sắp tới ông Chín sẽ cải tạo đàn gà sang nuôi gà nòi địa phương. Ảnh: Minh Đảm .

Nhờ được tập huấn chăn nuôi mà ông Chín nói hướng tới bên cạnh nuôi gà thịt, ông sẽ cải tạo dần để nuôi gà chọi, bán được giá cao hơn. Bên cạnh đó, ông cũng đang nuôi hai bò cái, mỗi năm đều có thêm thu nhập mấy chục triệu từ bán bò. Bê con sau sinh từ 5 - 7 tháng bán được khoảng 15 triệu đồng mỗi con. Nhờ đó, đời sống của gia đình ông Lâm Văn Chín đã vươn lên ở mức ngang bằng so với trung bình của địa phương.

Đời sống được nâng lên, không còn đói ăn nên vụ lúa rồi vừa gặt xong, miếng ruộng 2 công được ông thuê người lên liếp lập vườn, trồng dừa, trồng rau xanh để ăn cũng như bán kiếm thêm thu nhập hàng ngày. Bên cạnh đó, ông có thêm nguồn cỏ để phát triển chăn nuôi bò. Ông nói hai tháng nữa sẽ trồng thêm mấy trăm chậu hoa vạn thọ để bán tết.

Chúng tôi nhận thấy, ruộng của ông Chín là mảnh ruộng đầu tiên lập vườn bởi xung quanh đều là ruộng. Thật vậy, ở xã Long Hiệp vẫn còn hơn 1.000ha đất ruộng. Số hộ lên vườn chưa nhiều. Bà con lập vườn chủ yếu cũng trồng dừa và bưởi bởi vùng đất này trước đây thường xuyên bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Đời sống của bà con, nhất là đồng bào Khmer còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã hỗ trợ địa phương đầu tư Trạm bơm điện Kênh 3 tháng 2, góp phần điều tiết mặn ngọt cho cả vùng Trà Cú. Hiện nay, vùng này bà con đã gieo sạ lúa 3 vụ mỗi năm mà không còn lo mặn nữa. Nhiều nơi đã lập vườn, trong đó có hộ dân từ vươn lên nhờ chương trình Không còn nạn đói .

Nông nghiệp dinh dưỡng và ước muốn thoát nghèo của người Khmer ở Trà Vinh-4

Phát động người dân trong vùng dự án trồng rau xanh, cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Văn Chắc, cán bộ nông nghiệp xã đã gắn bó với chương trình nhiều năm nay nhận xét: “Đời sống của bà con, nhất là những hộ dân tham gia mô hình Nông nghiệp dinh dưỡng năm 2019 đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nhiều hộ phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, trong đó, có hộ dân Lâm Văn Chín. Cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của Long Hiệp dưới 4%, diện mạo nông thôn khởi sắc, xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”.

Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Trà Vinh, tỉnh đã có 82/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã còn lại là Hàm Giang, Ngãi Xuyên và Kim Sơn của huyện Trà Cú phấn đấu về đích trong năm 2022. Đến hết tháng 8/2022, xã Ngãi Xuyên hoàn thành thêm 3 tiêu chí về giao thông, nhà ở dân cư và lao động, nâng lên đạt 16/19 tiêu chí; xã Kim Sơn đạt 15/19 tiêu chí; xã Hàm Giang đạt 14/19 tiêu chí. Đời sống bà con nông thôn ngày càng nâng lên giúp thay đổi diện mạo của huyện Trà Cú, góp phần đưa tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025.

Chương trình Không còn nạn đói là một trong nhiều chương trình giảm nghèo bền vững, mang lại hiệu quả cao mà các ngành các cấp đầu tư hỗ trợ người nghèo, khó khăn tại huyện Trà Cú. Nhờ đó, đời sống người dân và kinh tế, xã hội của huyện Trà Cú đã được nâng cao, huyện được công nhận không còn thuộc diện 30A. Mô hình đã góp phần cùng địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo, đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trà Cú cho biết: “Nhờ hiệu quả từ mô hình Nông nghiệp dinh dưỡng mà Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn hỗ trợ địa phương ban đầu, tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ địa phương nhân rộng mô hình ra các xã như nuôi vịt ri-mau tại Ngãi Xuyên, nuôi gà thịt tại Tân Hiệp. Đến nay, theo rà soát đánh giá đã có sự thay đổi rõ rệt về mặt dinh dưỡng, tư duy sản xuất tại các hộ dân. Tôi thấy đây là chương trình rất nhân văn bởi chú trọng về mặt dinh dưỡng cho trẻ em để nuôi dưỡng thế hệ mai sau khỏe mạnh, không để trẻ em của hộ nghèo, hộ khó phải chịu thiệt thòi”.

Cũng theo ông Thảo, các hộ dân tham gia mô hình đã biết tự duy trì mô hình chăn nuôi gà, vịt, trồng rau xanh để dùng hàng ngày. Một số hộ còn mở rộng để làm kinh tế. Tuy nhiên, ông Thảo cũng cho rằng vì kinh phí của chương trình còn hạn chế nên chưa đáp ứng hết nhu cầu cần được hỗ trợ. Huyện đang có kế hoạch mở rộng mô hình sang 2 xã Hàm Giang và Kim Sơn. Mô hình là nuôi vịt ri-mau, gà đẻ trứng, gà thả vườn và phát động người dân trồng rau xanh. Dự kiến kinh phí hỗ trợ mỗi xã khoảng 350 triệu đồng.

Nối

Khác

Xem tiếp đi