Nông dân Bạc Liêu phát triển được 108 sản phẩm OCOP

Dân Việt 30/01/2023 16:11:28

Bạc Liêu có 108 sản phẩm OCOP

Sau đại dịch Covid-19, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn; những tháng cuối năm 2022, giá cả xăng, dầu, mặt hàng thiết yếu có nhiều biến động, nhưng bằng nỗ lực không ngừng, nông dân tỉnh Bạc Liêu đạt được những thành quả đáng khích lệ.

Theo đó, tình hình sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối ổn định. Trong năm 2022, tỉnh có 7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số toàn tỉnh có 15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Năm 2022, toàn tỉnh có 83.615 hộ nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt 125% chỉ tiêu, có 39.584 hộ được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; có 68.154 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đăng ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt 132% so với chỉ tiêu.

Nông dân Bạc Liêu phát triển được 108 sản phẩm OCOP-1

Trưng bày các sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu tại một hội nghị vào cuối năm 2022. Ảnh: Chúc Ly.

Các cấp Hội Nông dân tích cực vận động hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đạt năng suất cao. Tính đến nay Bạc Liêu có 108 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 85 sản phẩm 3 sao, 23 sản phẩm 4 sao.

Các sản phẩm với chủng loại đa dạng, phong phú mang thương hiệu Bạc Liêu như: Muối tiêu Bạc Liêu, yến sào Minh Quang, mắm tôm thẻ Cô Út, tôm khô Đa Giàu, khô cá kèo Kiều Hạnh, nước mắm cá cơm Thiên Phú 32 độ đạm; khô tôm sú ép của Hợp tác xã Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Đồng Phát; mắm cá lóc của cơ sở Bà Ba…

Bên cạnh đó, các cấp Hội nhận giúp đỡ 235 hộ nghèo; hỗ trợ tiền, cây, con giống, phương tiện sản xuất tổng trị giá gần 6,6 tỷ đồng; trao tặng 5,5 triệu con sú giống trị giá 825 triệu đồng. Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp vận động, hỗ trợ tặng quà cho hội viên, nông dân nghèo, vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Đến nay, tổng số nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh là hơn 27,4 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Trung ương hơn 10,8 tỷ đồng; nguồn tỉnh hơn 6,4 tỷ đồng; ngân sách huyện gần 6,6 tỷ đồng, nguồn vận động cấp tỉnh 415 triệu đồng; nguồn vận động cấp huyện hơn 4 tỷ đồng.

Nông dân Bạc Liêu phát triển được 108 sản phẩm OCOP-2

Khô tôm sú ép là một sản phẩm khá mới lạ. Ảnh: Chúc Ly.

Theo đó, nguồn vốn Trung ương giải ngân 27 dự án, tổng số tiền 10,8 tỷ đồng, cho 365 hộ vay; nguồn vốn của tỉnh đã giải ngân 26 dự án, tổng số tiền hơn 6,4 tỷ đồng cho 288 hộ vay.

Chú trọng dạy nghề cho nông dân

Ngoài việc hỗ trợ vốn, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, chú trọng những ngành nghề phù hợp với điều kiện của nông dân. Bên cạnh đó còn tích cực giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ông Trương Thanh Nhã – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu nhận định: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Trung ương Hội, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy và sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Hội, từ đó các mặt công tác Hội và phong trào nông dân từng bước được nâng lên.

Nông dân Bạc Liêu phát triển được 108 sản phẩm OCOP-3

Nhiều khách tham quan đánh giá cao sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Chúc Ly.

"Trong năm mới, các cấp Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng năng lực, niềm tin, tự lực, tự cường trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phổ biến cho cán bộ, hội viên, nông dân về các chủ trương, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và của Hội", ông Nhã thông tin.

Song song đó, Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ cho năm 2023 như tập trung củng cố kiện toàn tổ chức Hội, tăng cường công tác phát triển, quản lý hội viên; duy trì sinh hoạt chi hội, tổ hội; thành lập chi hội, tổ hội nghề nghiệp theo đúng quy định; tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Bạc Liêu và các tổ chức tín dụng khác triển khai tốt các chính sách tín dụng đến với nông dân…

Cũng theo ông Nhã, Hội Nông dân tỉnh cũng kiến nghị Trung ương Hội quan tâm tăng cường phân bổ một số chương trình, dự án hỗ trợ cho nông dân Bạc Liêu, nhất là trên lĩnh vực sản xuất và bảo vệ môi trường. Tỉnh Hội cũng kiến nghị tỉnh kêu gọi nhà đầu tư cho nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tạo đầu ra cho hàng hóa nông sản; đề xuất UBND tỉnh bổ sung vốn Quỹ hỗ trợ nông dân hằng năm tăng 20% để tăng trưởng nguồn quỹ, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ vốn sản xuất cho nông dân.

Nối

Khác

Xem tiếp đi