Nỗ lực “hồi sinh” sông Cầu Bây

Kinh Tế Đô Thị 29/09/2022 16:54:20

Để giải quyết vấn đề trên, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án Cải tạo, nâng cấp sông Cầu Bây, với tổng vốn đầu tư gần 219 tỷ đồng. Dự án hiện đang được gấp rút triển khai.

Nỗ lực “hồi sinh” sông Cầu Bây-1

Đại công trường cải tạo, nâng cấp sông Cầu Bây (đoạn cống Xuân Thụy).

Đời sống, sản xuất bị ảnh hưởng

Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây nghiêm trọng nhất là tại khúc sông chảy qua địa bàn quận Long Biên và giảm dần khi đến địa phận huyện Gia Lâm. Tại khúc sông thuộc phường Sài Đồng (quận Long Biên), nơi tiếp nhận nguồn xả từ một số khu công nghiệp, DN, chợ dân sinh…, nước sông như được nhuộm đen.

Bà Nguyễn Thị Tâm, trú tại tổ 6 (phường Sài Đồng), một trong những hộ dân sống ven sông Cầu Bây cho biết, tình trạng ô nhiễm dòng sông đã diễn ra hàng chục năm nay. Đặc biệt, vào những ngày trời nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến các hộ dân sống ven sông phải “cửa đóng, then cài” cả ngày lẫn đêm.

Xuôi về cuối nguồn sông Cầu Bây, khu vực cống Xuân Thụy thuộc địa bàn xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm), những dãy nhà thấp tầng vắng bóng người ở. Một số căn nhà lụp xụp được lao động tự do thuê, ở trọ tạm bợ.

“Trước đây khi sông Cầu Bây chưa bị ô nhiễm, người dân sinh sống khá đông ven con sông. Nay không hiểu vì lý do gì mà thưa vắng hơn hẳn” - ông Nguyễn Văn Vĩnh, một người dân xã Kiêu Kỵ sống ven sông Cầu Bây chia sẻ.

Cư dân ven sông còn bày tỏ lo ngại tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây có thể làm gia tăng nguy cơ mất an toàn nguồn nước sinh hoạt. Trước thực trạng trên, cử tri trên địa bàn các xã, phường, thị trấn thuộc quận Long Biên và huyện Gia lâm - nơi sông Cầu Bây chảy qua, đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương nhưng tình trạng ô nhiễm dòng sông… đâu vẫn hoàn đó.

Không chỉ đời sống bị ảnh hưởng, việc sông Cầu Bây bị ô nhiễm cũng khiến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân các địa phương ven sông gặp khó. Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi huyện Gia Lâm Phạm Gia Hân cho biết, sông Cầu Bây là nguồn cung cấp nước tưới cho khoảng 6.000ha canh tác nông nghiệp. Thời gian qua, tình trạng nguồn nước ô nhiễm khiến việc cấp nước phục vụ sản xuất của đơn vị gặp nhiều khó khăn.

Nhiều hộ sản xuất thuộc thị trấn Trâu Quỳ, các xã: Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Đông Dư (huyện Gia Lâm), cũng chia sẻ thêm rằng nguồn nước trên sông Cầu Bây bị ô nhiễm, không thể bơm vào ao, hồ để nuôi trồng thủy sản. Một số diện tích đất nông nghiệp của bà con bị bỏ hoang do nguồn nước ô nhiễm quá nặng, cây trồng không thể sinh trưởng, phát triển.

Nỗ lực “hồi sinh” sông Cầu Bây-2

Một đoạn tuyến ven sông Cầu Bây đã được kè kiên cố. Ảnh: Lâm Nguyễn

Đẩy nhanh tiến độ dự án

Để cải thiện chất lượng nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng trên sông Cầu Bây, năm 2020, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án Cải tạo, nâng cấp sông Cầu Bây. Dự án có tổng mức đầu tư gần 219 tỷ đồng. Chiều dài tuyến sông thuộc phạm vi dự án là gần 7,1km, kéo dài từ tổ dân phố An Lạc (thị trấn Trâu Quỳ) đến cống Xuân Thụy (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm).

Sau khi được Sở KH&ĐT Hà Nội phê duyệt lựa chọn, nhà thầu đang rốt ráo tiến hành thi công các hạng mục công trình thuộc dự án. Trong đó, cống Xuân Thụy và khu vực cửa ra sông Cầu Bây đổ vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là cụm công trình đầu mối quan trọng bậc nhất, thuộc gói thầu số 10 do Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Hùng Linh thực hiện.

Dự án Cải tạo, nâng cấp sông Cầu Bây nhằm đảm bảo tiêu thoát nước cho gần 5.760ha đất tự nhiên thuộc 14 phường của quận Long Biên; 6 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm và 1 xã của tỉnh Hưng Yên; cung cấp nguồn nước tưới cho 400ha thuộc 2 phường của quận Long Biên và 2 xã thuộc huyện Gia Lâm; góp phần chống lấn chiếm lòng sông, tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven sông...

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị trên đại công trường, hàng trăm nhân công cùng hệ thống máy móc, trang thiết bị được nhà thầu huy động tối đa. Nhân lực được phân ca làm việc từ 5 giờ sáng (kể cả ngày cuối tuần), để gấp rút thi công các hạng mục thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp sông Cầu Bây. Đến nay, một số đoạn tuyến ven sông Cầu Bây đã được nạo vét, kè kiên cố.

Theo Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Hùng Linh Trần Văn Phúc, việc triển khai thi công các hạng mục trên thực tế gặp khá nhiều khó khăn, do giá cả vật tư xây dựng tăng cao. Nguồn lao động cũng khan hiếm hơn sau quãng thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thêm vào đó, tình trạng mưa kéo dài thời gian qua khiến mực nước sông Cầu Bây lên cao, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Dù gặp một số cản trở, tuy nhiên, đại diện Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Hùng Linh cho biết, hiện nay, tiến độ thi công các hạng mục thuộc gói thầu số 10 vẫn đang được đơn vị bảo đảm. Dự kiến trước ngày 31/12/2022, công ty sẽ cơ bản hoàn thành các hạng mục.

Phấn đấu hoàn thành trước 30/6/2023

Liên quan đến công tác công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Cải tạo, nâng cấp sông Cầu Bây, Trưởng phòng Quản lý dự án đê điều (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội) Đào Văn Thắng cho biết, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với UBND huyện Gia Lâm và quận Long Biên cùng với các phường, xã, thị trấn, tổ chức bàn giao mốc giới thuộc vùng dự án.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chủ đầu tư, các vị trí mặt bằng hiện có còn rất hạn chế và “xôi đỗ”. Điều này có thể khiến tiến độ thi công các hạng mục thuộc dự án bị ảnh hưởng.

Hiện nay, đơn vị tư vấn đo đạc đã đo vẽ xong bản đồ phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và sổ mục kê, hồ sơ kỹ thuật thửa đất trên địa bàn các xã: Đông Dư, Đa Tốn, Kiêu Kỵ và phần đất nông nghiệp thuộc thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm). Riêng phần đất thổ cư của các hộ thuộc thị trấn Trâu Quỳ và phường Thạch Bàn (quận Long Biên), Ban Quản lý dự án và đơn vị tư vấn đang trong quá trình hoàn thiện bản đồ, sổ mục kê, hồ sơ kỹ thuật thửa đất để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Thông tin thêm về nguồn vốn, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội cho biết, đến nay dự án đã được TP cấp tổng kinh phí là 150 tỷ đồng. Trong đó, năm 2021 được cấp 70 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 100%. Đầu năm 2022, Ban tiếp tục được bố trí 80 tỷ đồng, hiện đã giải ngân hơn 15 tỷ đồng, đạt khoảng 19%.

Với tiến độ thực hiện như hiện nay, chủ đầu tư dự kiến đến ngày 31/12/2022, dự án Cải tạo, nâng cấp sông Cầu Bây sẽ thi công đạt khoảng 70% khối lượng thiết kế. Trong trường hợp công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện bảo đảm tiến độ, dự án sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục thi công, xây lắp trước ngày 30/6/2023.

Huyện Gia Lâm đang đốc thúc các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Cải tạo, nâng cấp sông Cầu Bây.

Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ chủ động bố trí nguồn ngân sách để thực hiện một số hạng mục liên quan đến chỉnh trang khu vực ven sông kết hợp làm đường giao thông, phấn đấu hoàn thành theo kịp tiến độ của chủ đầu tư…

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân

Nối

Khác

Xem tiếp đi