Ninh Thuận: Phát triển kinh tế xanh-tuần hoàn từ sản phẩm OCOP

VietnamPlus 29/09/2022 16:50:52
Ninh Thuận: Phát triển kinh tế xanh-tuần hoàn từ sản phẩm OCOP-1

Sản phẩm OCOP được trưng bày tại Hội doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho các sản phẩm, nhiều chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Ninh Thuận đang tập trung phát triển sản phẩm gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để không chỉ hướng đến lợi nhuận mà còn đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng và bảo vệ môi trường bền vững.

Thúc đẩy liên kết sản xuất

Liên kết sản xuất sạch để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ nông dân và tạo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định cho sản xuất là chiến lược kinh doanh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận-Ninh Thuận ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn.

Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận-Ninh Thuận, cho rằng hiện công ty đang liên kết với 20 hộ dân và 3 hợp tác xã ở Ninh Thuận để sản xuất nho, táo theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng thu hoạch mỗi năm khoảng 100 tấn quả. Các hộ được tập huấn đầy đủ về kỹ thuật trồng, được phổ biến kiến thức về thu hoạch, sơ chế, đóng gói nên tạo được sản phẩm chất lượng cao.

Ngoài ra, công ty còn hợp tác với các trung tâm nghiên cứu chế biến nông sản, viện công nghệ thực phẩm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý nho, táo sạch, công nghệ chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm. Đến nay, 10 sản phẩm nho, táo của công ty đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP từ 3-4 sao cấp tỉnh.

Để các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, ngoài tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất sạch thì công ty được Ban Phát triển các sản phẩm OCOP tỉnh đào tạo, hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu, mã vạch, tiếp cận thị trường.

Ông Nguyễn Đình Quang cho biết thêm công ty luôn cố gắng tìm mọi cách để giải quyết sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân thông qua nhiều kênh bán hàng như các siêu thị, cửa hàng sạch, sàn giao dịch thương mại điện tử, đưa vào bày bán tại các sân bay, nghiên cứu chế biến... giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn, góp phần phát triển sản xuất cho bà con nông dân và giữ được giá trị hàng nông sản.

[Phát triển nhiều giống nho chất lượng cao, tăng sức hút thị trường]

Tương tự, với lợi thế vùng trồng nho tập trung huyện Ninh Hải cũng đang đẩy mạnh các hoạt động thu hút người dân, doanh nghiệp, hợp tác tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ, tạo vùng nguyên liệu tập trung cho sản phẩm OCOP kết hợp với phát triển du lịch. Điển hình như Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An ở xã Vĩnh Hải đang liên kết sản xuất với diện tích trên 150ha nho tại làng nho Thái An với các hộ dân.

Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thái An, chia sẻ nhằm tạo điểm nhấn cho dòng nho ăn tươi chất lượng cao của Ninh Thuận, tỉnh đang giao cho hợp tác xã trồng nhân rộng giống nho mới NH01-152 với diện tích gần 20ha tại làng nho Thái An.

Nhờ đáp ứng các tiêu chí sản xuất, sản phẩm nho ăn tươi NH01-152 của hợp tác được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Cùng với sản phẩm nho NH01-152, hợp tác xã còn có 7 sản phẩm khác đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm táo sấy, nho sấy không đường, nho hồng sấy, mứt rau câu hồng vân, nho đỏ, mật nho, rượu nho.

Các sản phẩm được xếp hạng OCOP đã góp phần khẳng định giá trị sản xuất, tạo động lực cho hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất, quảng bá để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giúp du khách có thêm nhiều sự lựa chọn sản phẩm khi tới du lịch tại làng nho Thái An, ông Phòng chia sẻ thêm.

Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã công nhận kết quả đánh giá, phân hạng cho 69 sản phẩm OCOP gồm 51 sản phẩm hạng 3 sao; 10 sản phẩm hạng 4 sao và 8 sản phẩm có tiềm năng hạng 5 sao.

Bên cạnh việc "gắn sao" sản phẩm OCOP, Ninh Thuận tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, tổ chức các tuần lễ hàng nông sản giúp cho các chủ thể giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Qua đó, giúp các sản phẩm được người tiêu dùng nhận diện nguồn gốc rõ ràng với chất lượng, giá cả phù hợp.

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

Thực hiện kế hoạch Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đến năm 2025, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu có từ 120-140 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, phấn đấu 2-3 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.

Ninh Thuận: Phát triển kinh tế xanh-tuần hoàn từ sản phẩm OCOP-2

Sơ chế, đóng gói sản phẩm nho tại Trang trại nho Ba Mọi, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Ngoài ra, Ninh Thuận cũng đặt mục tiêu củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 40% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; phấn đấu 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm OCOP nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, Chương trình OCOP Quốc gia giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu thúc đẩy phát triển xanh, bền vững, vì vậy các địa phương xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, hướng tới kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Để đạt mục tiêu đề ra, Ninh Thuận tăng cường huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án tập trung triển khai 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính để thực hiện. Trong giai đoạn mới, tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.

Đồng thời, Ninh Thuận nhân rộng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng được cấp mã số vùng trồng theo hướng VietGAP, hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP. Cùng với đó, tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử để mở rộng quy mô thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP.

Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Huyền, đối với các chủ thể tham gia Chương trình OCOP sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, áp dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP. Cùng đó, các đơn vị công bố tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác; xây dựng câu chuyện sản phẩm gắn với với lịch sử, văn hóa bản địa, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm OCOP. Đồng thời, ngành chức năng của tỉnh tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP từ khâu sản xuất đến khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Đi cùng với đó, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm; thử nghiệm và nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP trên các tuyến phố; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm để phân phối sản phẩm OCOP tới nhiều đối tượng khách hàng khác nhau./.

Nguyễn Thành (TTXVN/Vietnam+)

Nối

Khác

Xem tiếp đi