Nikkei: Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau đại dịch, phấn đấu GDP 8% năm nay

Tuổi Trẻ 02/10/2022 23:00:43

TTO - Việt Nam được đánh giá là xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch theo xếp hạng tháng 8 của Nikkei, đứng thứ 7 thế giới về tỉ lệ tiêm liều nhắc lại, hướng tới phấn đấu tăng trưởng 8% trong năm nay.

  • Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng 7,2%
  • Thủ tướng: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng
  • GDP 9 tháng qua tăng 8,83%, cao nhất giai đoạn 2011-2022

Sáng 1-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022.

Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận về tình hình: kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2022; triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ; thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; các nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập tình hình hoàn lưu bão số 4 đã gây mưa lũ lớn, ngập lụt cục bộ, sạt lở đất tại một số địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong những ngày qua. Theo báo cáo, đã có 7 người chết tại Nghệ An, nhiều tài sản của người dân và Nhà nước bị thiệt hại.

Người đứng đầu Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát, vất vả của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân bị ảnh hưởng do đợt bão, lũ vừa qua.

Ông cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức thực hiện thật nghiêm túc Công điện số 875, tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai thời gian tới.

Một lần nữa nhấn mạnh tinh thần tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước bão lũ, thiên tai, Thủ tướng lưu ý, các cơ quan phải bám sát tình hình, vận động và hướng dẫn người dân để hạn chế tối đa thiệt hại, nhất là thiệt hại về người.

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng vừa qua, Thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, các bài học kinh nghiệm; dự báo tình hình thời gian tới, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp mới để ứng phó với những vấn đề nổi lên, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên đã được đề ra.

Theo số liệu thống kê, bức tranh kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2022 có nhiều điểm sáng, khởi sắc trên hầu hết lĩnh vực. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quý 3 tăng trưởng cao đạt 13,67% so với cùng kỳ, tính chung 9 tháng tăng 8,83% cao nhất từ năm 2011 đến nay, đưa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất của khu vực, tăng trưởng phục hồi trên cả 3 khu vực.

Việt Nam được đánh giá là xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch theo xếp hạng tháng 8 của Nikkei, đứng thứ 7 thế giới về tỉ lệ tiêm liều nhắc lại, thứ 5 về số liều vắc xin trung bình mỗi người dân nhận được.

Đáng chú ý, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ ba năm gồm 2011, 2017, 2018. B ình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt trên 15,4 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất 9 tháng của các năm kể từ 2018. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỉ USD.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 9 tháng đạt 163.300 doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 3,9 triệu tỉ đồng, tăng 36%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nền kinh tế mặc dù đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng tăng trưởng 9 tháng đầu năm bình quân 3 năm 2020-2022 chỉ đạt 5,41%, chưa bù đắp để đạt được mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ các năm trước dịch 2016-2019 (6,88%).

Cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguy cơ suy thoái tại nhiều nước ngày càng trở nên rõ ràng hơn; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, lượng khách du lịch… có khả năng bị thu hẹp hơn, gia tăng thách thức lên tăng trưởng xuất khẩu, du lịch nước ta.

Vì vậy, theo ông Dũng, các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa để nắm bắt cơ hội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021-2025 (6,5-7%/năm).

Trên cơ sở kết quả 9 tháng đầu năm 2022, dự báo tình hình quý 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt tăng trưởng cả năm khoảng 8%, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

NGỌC AN

Nối

Khác

Xem tiếp đi