Người lao động gây thiệt hại trong trường hợp nào thì phải bồi thường?

Kinh Tế Đô Thị 22/11/2022 16:00:18

Hỏi: Anh Nguyễn Văn Hải (huyện Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: Trong quá trình làm việc, tôi sơ suất đã làm hỏng thiết bị sản xuất của công ty và bị yêu cầu phải bồi thường. Tôi muốn hỏi, người lao động gây thiệt hại trong trường hợp nào thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động, với mức tiền bao nhiêu?

Điều 129, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định hai trường hợp người lao động phải bồi thường cho người sử dụng lao động: - Khi người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.

Người lao động gây thiệt hại trong trường hợp nào thì phải bồi thường?-1

Bộ luật Lao động 2019 quy định 4 trường hợp người lao động phải bồi thường cho người sử dụng lao động. Ảnh: Duy Khánh.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hàng tháng vào lương.

- Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.

Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.

Ngoài ra, khoản 2, Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về trách nhiệm bồi thường từ phía người lao động trong trường hợp: Khi người lao động và người sử dụng đã có thỏa thuận bằng văn bản về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm mà người lao động có hành vi vi phạm các quy định này thì có trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng lao động.

Bộ LĐTB&XH quy định thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ có thể gồm những nội dung chủ yếu: Danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; Thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; Phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; Xử lý vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.

Khoản 2, Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người lao động có trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

Thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại là 6 tháng, kể từ ngày người lao động có hành vi làm hư hỏng, làm mất dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép.

Không xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động đang trong thời gian sau đây: Người nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của chủ sử dụng lao động; người đang bị tạm giữ, tạm giam; người đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động; người lao động nữ mang thai người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Nếu hết thời gian quy định, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn nêu trên.

Sở LĐTB&XH Hà Nội

Nối

Khác

Xem tiếp đi