Người hiện thực hoá những ước mơ

Lao động thủ đô 23/09/2022 19:04:37

Tạo việc làm bền vững cho người khuyết tật

Từ những mảnh vải vụn được vứt bỏ, qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của chị Hoàng Thị Hậu, nhân viên Hợp tác xã Vụn Art (quận Hà Đông, Hà Nội) đã trở thành những họa tiết trang trí sinh động, độc đáo trên các sản phẩm như: Tranh vải, túi xách, áo phông, áo dài, sản phẩm quà tặng... Những sản phẩm này không chỉ được bán ra thị trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động mà còn là biểu tượng cho sự nỗ lực, cống hiến, sáng tạo của những người khuyết tật đang làm việc tại Vụn Art.

Người hiện thực hoá những ước mơ-1

Anh Lê Việt Cường (ảo kẻ, đứng giữa) hướng dẫn các thành viên hoàn thiện các sản phẩm.

Tận mắt quan sát đôi bàn tay nhẹ nhàng lựa chọn từng mảnh vải vụn, khéo léo cắt, khâu… vào những chiếc túi xách xinh xắn, chúng tôi mới thấy công việc của chị Hậu cũng như các thành viên khác tại đây không hề dễ dàng. Không gò bó, dập khuôn, mỗi sản phẩm tại đây đều được sáng tạo mang nét riêng biệt. Làm việc tại Vụn Art, các thành viên luôn coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Nơi đây không chỉ tạo ra công việc cho họ, mà đó còn là nơi để họ thoả sức sáng tạo ra những sản phẩm mới.

Chia sẻ về lý do mở lớp dạy nghề cho người khuyết tật, anh Lê Việt Cường cho biết, là người khuyết tật, bản thân anh từng gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm do đó anh luôn mong muốn được giúp đỡ, làm một việc gì đó cho người khuyết tật. Anh trăn trở làm sao để thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của cộng đồng, chính quyền về tạo việc làm cho người khuyết tật và suy nghĩ của người khuyết tật khi học nghề. Các sản phẩm người khuyết tật làm ra phải có sức cạnh tranh được với các mặt hàng khác trên thị trường, chứ không dựa vào sự mua hàng để ủng hộ, từ thiện.

Với suy nghĩ đó, tháng 10/2017, anh Cường mở lớp học dạy nghề cho người khuyết tật. Lớp học được tổ chức miễn phí bằng nguồn tiền cá nhân của anh. Khóa học đầu tiên, lớp có 15 học viên, học được một thời gian, một số học viên bỏ lớp, chỉ có 2 học viên theo nghề thành công. Đến tháng 8/2018 anh quyết định thành lập Hợp tác xã với tên gọi Vụn Art, từ 2 lao động chính (là 2 học viên theo nghề thành công) sau đó Hợp tác xã bắt đầu tuyển sinh các lớp mới, đến nay đã đào tạo cho khoảng 50 người, hơn 20 người thành thạo nghề hiện đang làm việc tại Hợp tác xã.

Việc mở lớp học dạy nghề tưởng đơn giản nhưng với anh Cường đó là cả quá trình đầy khó khăn, kiên trì. Để thu hút học viên, bản thân anh đã mất nhiều thời gian, đi hết các phường của quận Hà Đông, đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, vận động mỗi gia đình cho con, em mình tham gia. Ngoài dạy nghề, Vụn Art phải bỏ chi phí để thuê giáo viên dạy các học viên ngôn ngữ ký hiệu, dạy văn hóa cho những người chưa từng đi học.

Tùy vào nhận thức, khả năng của từng học viên, anh hướng dẫn họ làm những công việc cụ thể, từ việc tạo mẫu tranh đến in ra các bìa cứng, vẽ mẫu lên vải, cắt các chi tiết nhỏ rồi ghép. Để nâng cao nhận thức thẩm mĩ cho các thành viên của Hợp tác xã, anh chủ động mời các họa sĩ đến dạy, hướng dẫn cách phối màu, tạo hình để nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm. Đến nay các thành viên làm việc tại Hợp tác xã đều có thể chủ động làm việc, đem lại thu nhập hàng tháng giúp họ tự chủ mà không phụ thuộc vào người thân.

Sáng tạo trong từng sản phẩm

Vụn Art là doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thủ công có kỹ thuật ghép lụa lên vải thành tác phẩm trên áo phông, ví dài hay túi, tranh. Trong quá trình đào tạo nghề cho các thành viên, Vụn Art sàng lọc, tùy vào khả năng của từng người để bố trí công việc phù hợp. Theo anh Lê Việt Cường, việc quan trọng nhất là phải tạo ra sự khác biệt, sản phẩm và mô hình kinh doanh phải mới, phải khác các sản phẩm hay mô hình kinh doanh hiện có. Đó cũng chính là điểm thu hút, gây sự chú ý của mọi người đối với Vụn Art.

Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi lần đầu tiên nhìn thấy các sản phẩm của Hợp tác xã. Không ai nghĩ đấy là lụa ghép túi vải, lên áo phông hay thậm chí là một bức tranh hoàn chỉnh. Các tác phẩm bằng lụa đều có thể giặt được. Chính nhờ những sáng tạo khác biệt này mà Vụn Art đã tạo được chỗ đứng cho mình.

Người hiện thực hoá những ước mơ-2

Tại Vụn Art các thành viên được học nghề, làm việc, thực hiện ước mơ của riêng mình.

Sau 5 năm phát triển, dưới sự dẫn dắt của anh Cường đến nay sản phẩm của Hợp tác xã Vụn Art rất đa dạng, mang tính ứng dụng cao như túi đựng chai nước, laptop, áo phông, áo dài. Dòng tranh lụa ghép vải của Hợp tác xã gồm: Tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh dân gian Mỹ, tranh dân gian Nhật Bản, tranh phố cổ Hà Nội... Hiện nay, một số sản phẩm của Hợp tác xã đạt tiêu chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Các sản phẩm mang tính giá trị thẩm mỹ cao, thân thiện với môi trường, do đó không chỉ hấp dẫn người tiêu dùng trong nước mà còn từng bước chinh phục thị trường quốc tế.

“Tôi mong muốn thay đổi nhận thức của người khuyết tật, giúp họ tạo ra giá trị của bản thân. Ở đây, mọi người kiếm tiền bằng sức lao động của mình, tự giác học tập, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao tay nghề, cùng nhau làm việc để phát triển. Ở Vụn Art các thành viên đều phải làm ra sản phẩm tốt nhất trong khả năng của mình. Người khuyết tật nhưng sản phẩm không được khuyết tật, phải đem tới sự hài lòng cho khách hàng. Tôi muốn sản phẩm của mình phải sống được, chứ không muốn mọi người có quan điểm sản phẩm của người khuyết tật thì cộng đồng và xã hội phải ủng hộ, giúp đỡ, như thế chúng tôi sẽ không đi xa được”, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường chia sẻ./.

Nối

Khác

Xem tiếp đi