Ngọt ngào bánh Tổ xứ Quảng

Lao động thủ đô 22/01/2023 20:16:05

Trong ký ức của tôi đến giờ đã hơn 30 năm vẫn không quên hình ảnh một chiếc bánh màu vàng nhạt, hình giống tổ chim, xung quanh bọc bằng lá chuối. Sau này tôi mới biết tên gọi là bánh Tổ. Chiếc bánh dẻo, ăn vào có vị ngọt của bột nếp, đường bát và thanh mùi gừng.

Cứ mỗi dịp Tết đến, bà ngoại của tôi đều nhóm bếp lửa, làm món bánh Tổ để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Bà ngoại tôi làm rất nhiều, sau đó chia cho con cháu đem về mà không bao giờ quên lời dặn: “Dù chuẩn bị bánh trái gì dâng lên bàn thờ thì cũng không được quên phải có cả bánh Tổ”. Có lẽ khi đó còn nhỏ, tôi chỉ biết thưởng thức, đắm chìm vào vị ngọt của chiếc bánh hình tổ chim đó mà quên hỏi ngoại về nguồn gốc từ đâu.

Ngọt ngào bánh Tổ xứ Quảng-1

Món bánh tổ nhắc mỗi người nhớ về cội nguồn truyền thống.

Sau này, tôi đi học xa nhà, có dịp đi nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Nam, tôi mới biết và thấy rõ: Mỗi ngày Tết đến, không chỉ ở riêng làng tôi mà mỗi nhà người dân Quảng Nam đều làm, hoặc mua ngoài chợ món bánh Tổ để dâng lên bàn thờ tổ tiên.

Tôi băn khoăn nhiều về nguồn gốc chiếc bánh Tổ xuất phát từ đâu? Vì sao trong mỗi ngày Tết người Quảng Nam quê tôi đều dùng chiếc bánh đó dâng lên tổ tiên? Cho đến một ngày, lớp đại học của tôi có môn tìm hiểu văn hóa địa phương. Như một cái duyên, cô giáo Khoa Ngữ văn đã cho tôi biết về khoảng thời gian ra đời món bánh mang hình chiếc tổ chim đó.

Chiếc bánh được đặt, gọi tên là bánh Tổ xuất phát từ chữ “tổ tiên", mục đích để nhớ về cội nguồn sinh ra mình. Bánh Tổ không phải làm bất kỳ ngày nào trong năm mà chỉ làm, dâng lên tổ tiên đúng ngày Tết mà thôi. Chiếc bánh dẻo, ăn vào có vị ngọt của bột nếp, đường bát và thanh mùi gừng.

Theo lời cô giáo, các cụ cao niên kể lại rằng, hơn trăm năm trước người dân Quảng Nam, phần nhiều ở phố cổ Hội An đã biết và làm ra món bánh Tổ để cúng ông bà tổ tiên dịp Tết. Chiếc bánh được đặt, gọi tên là bánh Tổ xuất phát từ chữ “tổ tiên", mục đích để nhớ về cội nguồn sinh ra mình. Bánh Tổ không phải làm bất kỳ ngày nào trong năm mà chỉ làm, dâng lên tổ tiên đúng ngày Tết mà thôi.

Ở phố cổ Hội An ai cũng biết bà Võ Thị Mận (80 tuổi, trú khối phố Hậu Xá, phường Thanh Hà) là người theo nghề làm bánh Tổ đã hơn 52 năm qua. Theo con cháu bà Mận, dù tuổi dần cao nhưng mỗi khi đến ngày 18 tháng Chạp hàng năm là bà Mận cùng gia đình bắt đầu “nổi lửa" làm bánh Tổ dâng lên bàn thờ tổ tiên và bán cho thương lái đưa đi các địa phương tiêu thụ.

Theo chia sẻ của bà Mận, nguyên liệu chính làm bánh Tổ là nếp và đường. Nếp được chọn phải có hạt trắng, tròn căng đem đi xay thành bột. Đường được chọn là đường bát Quảng Nam (đường nấu thủ công được nấu đổ vào chiếc bát để nguội mới đem ra dùng) đun bếp nấu thành dạng lỏng, bỏ thêm ít gừng tươi đã giã nhuyễn vào cho có vị thanh.

Bột và nước đường bát sau đó hòa trộn vào nhau rồi dùng tay nhào nặn thật kỹ. Ở bước này, chỉ những người có kinh nghiệm tính toán mới tạo ra hỗn hợp không lỏng cũng không quá khô và quá ngọt. Hỗn hợp trên sau đó được múc ra đổ vào khuôn bánh được làm từ lá chuối, bên ngoài có rọ tre để giữ cố định không bị đổ, có độ to bằng một chiếc bát lớn. Bánh được bỏ vào bên trong nồi hấp liên tục trong khoảng 5 tiếng đồng hồ thì người làm bánh lấy ra, rắc lên bề mặt bánh một ít hạt mè chín cho đẹp.

Đặc trưng của bánh Tổ là mềm, dẻo, có vị ngọt thanh của gừng và đường bát. Thông thường bánh được dùng dao cắt thành lát nhỏ, độ dày khoảng 1cm để ăn trực tiếp. Một số người lại thích thưởng thức bánh bằng cách cắt lát, đem chiên bánh với nồi dầu trên bếp lửa. Lát bánh vớt ra ăn sẽ có vị béo đi kèm vị ngọt của đường, vị thanh của gừng nhưng lạ thay ăn không ngán.

Ngày nay, có rất nhiều loại bánh với đầy đủ màu sắc, vị ngon, bày trí đẹp để người dân Quảng Nam lựa chọn dâng lên bàn thờ tổ tiên ngày Tết. Tuy nhiên, bánh Tổ với sự giản dị của riêng mình vẫn là món quà sâu nặng, không thể thay thế trên bàn thờ tổ tiên. Chiếc bánh như thể nhắc mỗi người rằng: “Chim có tổ, người có tông", đừng bao giờ quên cội nguồn của mình, hãy ra sức chung tay, bồi đắp để tình cảm ngày càng bền chặt.

Nối

Khác

Xem tiếp đi