Nga san phẳng 6 sở chỉ huy quân sự của Ukraine

Dân trí 28/11/2022 09:59:10
Nga san phẳng 6 sở chỉ huy quân sự của Ukraine-1

Một căn cứ quân sự của Ukraine bị phá hủy sau đòn tập kích của quân đội Nga (Ảnh: AP).

"Các máy bay tác chiến chiến thuật, lực lượng tên lửa và pháo binh của Nga đã phá hủy 6 sở chỉ huy quân sự của đối phương (Ukraine) tại các khu vực gồm Petropavlovka ở Kharkov, Stelmakhovka ở Lugansk, Yampolovka, Torskoye, Ivano-Daryevka và Pobeda ở Donetsk, cũng như phá hủy 67 đơn vị pháo tại các vị trí khai hỏa, trang thiết bị quân sự tại 164 khu vực", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 25/11 cho hay.

Theo lời ông Konashenkov, lực lượng Nga đã tiến hành tập kích chính xác, loại bỏ hơn 300 lính ngoại quốc chiến đấu cho Ukraine ở vùng Kharkov và Donetsk ở miền Đông nước này trong vòng 24 giờ qua.

Ngoài ra, Nga cũng đẩy lùi các cuộc tấn công của quân đội Ukraine vào hai khu dân cư ở Lugansk, loại bỏ hơn 70 binh sĩ Ukraine, ngăn chặn nỗ lực phản công của Kiev ở phía nam Donetsk.

Ở mặt trận miền Nam, lực lượng Nga phá hủy một kho tên lửa, đạn pháo của Ukraine tại tỉnh Zaporizhia.

Tổng cộng, kể từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 đến nay, Nga đã phá hủy 333 máy bay chiến đấu, 177 trực thăng, hơn 2.500 máy bay không người lái, 390 hệ thống tên lửa đất đối không, hơn 6.800 xe tăng cùng các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 902 bệ phóng rocket và nhiều khí tài khác của Ukraine.

Sau khi rút quân khỏi Kherson, miền Nam Ukraine đầu tháng này, Nga được cho là chuyển sang phòng thủ ở bờ đông sông Dnipro và đưa một phần lực lượng bổ sung cho mặt trận miền Đông, tấn công trở lại Kharkov, tăng cường độ tập kích Donetsk, Lugansk. Giới chức Ukraine thừa nhận, Donetsk hiện là mặt trận khốc liệt nhất.

Nga cho sáp nhập 4 vùng ly khai của Ukraine gồm Lugansk, Donetsk (hay vùng Donbass), Zaporizhia và Kherson vào lãnh thổ từ đầu tháng 10 sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi tại đây. Tuy nhiên, Ukraine kiên quyết không công nhận và tuyên bố sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ, kể cả Crimea - bán đảo đã sáp nhập vào Nga năm 2014.

Về phần mình, trong cuộc gặp gỡ mẹ các binh sĩ tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, việc sáp nhập Donbass lẽ ra phải diễn ra sớm hơn.

"Rõ ràng là việc này nên diễn ra sớm hơn. Có lẽ sẽ không có nhiều thương vong dân sự như vậy và sẽ không có nhiều trẻ em thiệt mạng vì bom đạn như vậy", ông Putin nói. Chủ nhân Điện Kremlin cho biết thêm: "Chúng tôi tin rằng có thể đạt được một thỏa thuận với Ukraine và tái thống nhất Donetsk, Lugansk trong khuôn khổ Thỏa thuận Minsk".

Ra đời năm 2015, Thỏa thuận Minsk được kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho chiến sự miền Đông Ukraine và tháo ngòi căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Điều khoản cốt lõi của Thỏa thuận Minsk là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các bên phải nhất trí rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực tiền tuyến. Quân đội chính phủ Ukraine được tái kiểm soát khu vực biên giới giáp Nga, trong khi tất cả lực lượng và lính đánh thuê nước ngoài phải rút khỏi miền Đông Ukraine. Theo các giải thích của Nga, các Thỏa thuận Minsk buộc chính quyền Kiev phải sửa đổi về luật và hiến pháp, mở đường cho phép các lực lượng ly khai thân Nga tại vùng Donbass có đại diện trong chính quyền Ukraine.

Tuy vậy, Moscow cho rằng, Nga công nhận độc lập cho Donbass và sáp nhập vùng lãnh thổ này là kết quả trực tiếp của việc Ukraine thất bại trong thực thi các thỏa thuận này.

Nối

Khác

Xem tiếp đi