Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ có đem lại hiệu quả kinh tế-kỹ thuật?

Báo xây dựng 02/10/2022 14:06:54

(Xây dựng) – Vừa qua, UBND thành phố Cần Thơ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị về dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ.

Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ có đem lại hiệu quả kinh tế-kỹ thuật?-1

Toàn cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị các ngành chức năng, các địa phương, chuyên gia đã bàn nhiều đến tính khả thi dự án, như: Tài chính nghiên cứu dự án tiền khả thi, thu hồi sản phẩm có đủ bù đắp chi phí nạo vét không? Nạo vét sâu tác động đến môi trường sinh thái như thế nào?

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Tấn Đạt - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng công trình Hàng hải cho biết: Luồng Định An-Cần Thơ (qua cửa Định An) dài 121,5km. Đoạn cửa Định An xấp xỉ 30km, độ sâu TK-4,2m (-2,5+-3m) tàu 3.000-5.000 DWT. Đoạn trong sông dài 91km, độ sâu -7m + -10m cho tàu 10.000-20.000 DWT.

Từ năm 1991 đến nay, mỗi năm nạo vét 200+700 ngàn m, độ sâu -3,2m + -4m. Chỉ duy trì được 1+2 tháng sau đó bị bồi lắp lại đến độ sâu tự nhiên -2 +2,5m. Sau gần 40 năm (từ năm 1983 đến nay) sau khi nạo vét duy tu độ sâu luồng chỉ tồn tại được vài tháng. Sau đó, bị bồi lắp trở lại đến độ sâu tự nhiên -2 + -2,5 m hệ Hải đồ. Tuyến lạch sâu tự nhiên ngoài cửa Định An luôn thay đổi, phạm vi dịch chuyển rộng khoảng 4km.

“Việc đề xuất xã hội hóa nạo vét tuyến luồng qua cửa Định An cho tàu 10.000 DWT cần được xem xét dựa trên thực tiễn khai thác tuyến luồng và kết quả nghiên cứu, tính toán khoa học để đánh giá khả năng duy trì ổn định tuyến luồng, có tính đến khả năng thoát lũ, xâm nhập mặn, ổn định đường bộ. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để xem xét quyết định chuẩn tắc và quy mô dự án đảm bảo tính khả thi về kinh tế-kỹ thuật.

Nghiên cứu đề xuất dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩ luồng hàng hải Định An-Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa cho tàu trọng tải từ 10.000 DWT trở lên. Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đảm bảo tính khả thi dự án kiến nghị cho phép kêu gọi nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án. Kết quả nghiên cứu đề xuất là cơ sở để UBND thành phố Cần Thơ gửi Bộ Giao thông Vận tải xem xét phê duyệt và công bố danh mục nạo vét. Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận toàn bộ kết quả nghiên cứu để lập trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức triển khai dự án theo quy định. Tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi và lựa chọn đầu tư thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hàng hải Định An-Sông Hậu đã nằm trong danh mục dự án đã được công bố”, ông Lê Tấn Đạt kiến nghị.

Trước đó, ngày 04/8/2022, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 228/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ về dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ, trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thành giai đoạn 2 Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố; giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tính toán có căn cứ khoa học, cơ sở thực tiễn, hiệu quả và bảo vệ môi trường để nghiên cứu nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ.

Theo Nghị quyết 45/2022/QH15 (ngày 11/01/2022) của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ đã ghi rõ: Các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa, đáp ứng các điều kiện: Bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 DWT trở lên ra vào các cảng của thành phố Cần Thơ và có quy mô vốn từ 500 tỷ trở lên được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư. Theo Nghị quyết này, được ưu đãi thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Miễn thuế tiền thuê đất trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất cho thời gian còn lại đối với diện tích đất được thuê để đổ chất nạo vét của dự án. Việc thực hiện các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ông Phạm Thanh Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tư vấn Thiết kế Việt Nam tính toán: Sau khi tính toán, khối lượng nạo vét của dự án là 2.566.873m3. Trong đó: Khối lượng nạo vét tại tỉnh Sóc Trăng là 11.613m3; Khối lượng nạo vét tại tỉnh Trà Vinh là: 2.555.261m3. Theo kết quả thu thập về địa chất tại khu vực, có thể đánh giá sản phẩm nạo vét trong quá trình thực hiện Dự án chủ yếu là bùn sét kẹp cát mịn, xám nâu, trạng thái nhão. Căn cứ theo các quy định của pháp luật về lập dự toán; các khoản thuế, phí và giá sản phẩm tận thu của Dự án do UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Trà Vinh cung cấp. Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tư vấn Thiết kế Việt Nam đã tính toán tổng mức đầu tư của Dự án là 156.007 tỷ đồng, doanh thu từ việc tận thu các sản phẩm nạo vét là 160,576 tỷ đồng. Như vậy, khi thực hiện đầu tư dự án sẽ đảm bảo về hiệu quả kinh tế.

Sau gần 20 năm nghiên cứu các phương án nạo vét, chỉnh trị luồng Định An với mục đích duy nhất cho phép tàu biển có trọng tải lớn hơn 10.000DWT ra vào cảng khu vực Cần Thơ. Những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực chỉnh trị sông... đã cho thấy việc nạo vét, cải tạo luồng Định An cho tàu biển có trọng tải lớn trên 10.000DWT rất ít khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế.

“Do vậy, việc thực hiện nạo vét duy tu luồng Định An - Cần Thơ theo hướng khảo sát diện rộng và dịch chuyển luồng để tận dụng độ sâu tự nhiên cho các phương tiện có trọng tải đến 5.000 tấn ra vào là phù hợp điều kiện khai thác thực tế của tuyến luồng. Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tư vấn Thiết kế Việt Nam kiến nghị tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để hoàn thành Dự án nạo vét luồng hàng hải Định An – Sông Hậu nằm trong danh mục dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải công bố. Sau khi nạo vét sẽ đánh giá được hiệu quả kinh tế đối với việc tận thu sản phẩm nạo vét là cát nhiễm mặn lẫn tạp chất và sẽ đưa ra lộ trình cho các lần thực hiện nạo vét tiếp theo.

Để Dự án nạo vét tuyến luồng cho tàu 10.000 tấn hành hải với độ sâu lớn hơn -6,5m khả thi, cần lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để tổ chức nghiên cứu đề xuất dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên hành hải; đồng thời, cần làm rõ thêm về công nghệ nạo vét, thời gian duy trì tuyến luồng trong các năm tiếp theo sau khi nạo vét đến cao độ sâu hơn -6,5m và khả năng tận thu đối với sản phẩm bùn bị bồi lại tuyến luồng hàng năm (không phải là sản phẩm nạo vét lần đầu)”, ông Phạm Thanh Bình đề xuất.

Đại diện Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) cho rằng: Nếu chỉ nạo vét luồng theo giải pháp thông thường cho tàu 5.000 DWT thì khó có hiệu quả do luồng nhanh bị sa bồi trở lại, khối lượng nạo vét ít, vật liệu nạo vét lớp trên chủ yếu là bùn sét cần phải có bãi chứa làm khô đất, cải tạo đất mới phục vụ được cho san nền, hoặc cần áp dụng công nghệ tách bùn cát khi nạo vét, khó thu hút Nhà đầu tư. Phương án nạo vét luồng Định An cho tàu 10.000-20.000 DWT vào cảng Cần Thơ có tận thu vật liệu nạo vét có thể khả thi nếu kết hợp giải pháp nạo vét bể chứa bùn đất sa bồi, bố trí thêm các tuyến đê ngầm giảm sóng, bẫy bùn cát để ổn định luồng và kéo dài thời gian duy trì độ sâu luồng tàu, thực hiện nạo vét duy tu trong thời gian tối thiểu từ 10-15 năm. Về khối lượng nạo vét, nếu kết hợp nạo vét cả 3 luồng sông Hậu (luồng Định An, kênh Tắt, kênh Quan Chánh Bố) theo nghiên cứu sơ bộ khoảng 15-18 triệu m3 trong năm đầu. Khối lượng nạo vét duy tu luồng trong 10-15 năm tiếp theo có thể đạt khoảng 20-30 triệu m3. Có thể xem xét thêm phương án nạo vét luồng kết hợp đê bao làm bãi chứa, lấn biển Cù Lao Dung để tăng hiệu quả kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển đô thị sinh thái du lịch (khoảng 11.000 ha), tăng khả năng huy động vốn đầu tư, hiệu quả đa ngành của dự án. Đây là một dự án lớn, phức tạp về mọi mặt nên cần được khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện để đạt hiệu quả cao nhất và lâu dài.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết: “Mặc dù có nghiên cứu rất sâu để chỉnh trị luồng Định An nhưng chủ yếu là nghiên cứu tham khảo. Rất cần có một nghiên cứu sâu, đánh giá toàn diện tác động môi trường, kinh tế-xã hội, không chỉ vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà cả toàn phạm vi sông Mekong. Nguồn kinh phí lập dự án nghiên cứu rất eo hẹp. Kinh phí cho việc nghiên cứu cấp đề tài nhà nước cũng giới hạn. Vì vậy kinh phí nghiên cứu dự án là vấn đề quan tâm xem xét đầu tiên. Nghiên cứu có kinh phí của nhà nước nhưng cũng cần doanh nghiệp hỗ trợ. Hội nghị này chỉ là bước đầu. Sắp tới, cần có nhiều hội nghị để tập hợp nhiều ý kiến bộ ngành và địa phương. Nếu có nhà đầu quân tâm thì đấu thầu kêu gọi đầu tư. Kêu gọi nhà đầu tư xã hội hóa, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp và Nhà nước. Muốn vậy phải có dự trù kinh phí. Kêu gọi doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tài trợ nghiên cứu. Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp tiếp nhận tài trợ này. Đề nghị UBND các tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp tài trợ nghiên cứu này. Mong quan tâm các Bộ, ngành, chuyên gia, Bộ Giao thông Vận tải cùng UBND thành phố Cần Thơ quyết tâm thực hiện Nghị quyết 45 của Quốc hội để nạo vét luồng hảng hải Định An-ước mơ bao thế hệ mong chờ”.

Nối

Khác

Xem tiếp đi