Một Việt Nam tự tin, chủ động, nhân văn và hòa hiếu

Thế Giới & Việt Nam 22/01/2023 21:32:11
Một Việt Nam tự tin, chủ động, nhân văn và hòa hiếu-1

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres thăm Học viện Ngoại giao, Hà Nội, ngày 22/10/2022. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tiếp đà thành công của giai đoạn 2020-2021, trong năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng như thế nào vào công việc chung của LHQ, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới liên tục có những diễn biến phức tạp đa chiều, thưa Đại sứ?

Trong năm 2022, mặc dù tình hình thế giới có những biến động rất phức tạp, Việt Nam đã tiếp tục tham gia một cách tự tin, chủ động và có đóng góp thực chất vào công việc chung của LHQ trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Việt Nam luôn nhất quán đề cao tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Chúng ta ủng hộ đối thoại và hợp tác, thúc đẩy tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp, xung đột thông qua đàm phán, tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan.

Chúng ta cũng góp phần đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy điểm đồng, cách tiếp cận tập thể. Đây là những vấn đề rất có ý nghĩa, được các nước coi trọng trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp và quan điểm các nước có nhiều khác biệt, nguy cơ phân cực ngày càng hiện hữu. Việt Nam đã ưu tiên tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu, thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và góp phần triển khai nhiều tiến trình quan trọng đã được Tổng thư ký LHQ đề xuất trong Báo cáo Chương trình nghị sự chung.

Điều này thể hiện cụ thể ở việc tham gia hơn 1.000 cuộc họp, 97 bài phát biểu quốc gia, 3 bài phát biểu đại diện ASEAN và nhiều bài phát biểu chung khác mà Việt Nam đã thực hiện chỉ riêng tại trụ sở LHQ tại New York trong năm 2022. Đồng thời, điều này thể hiện ở nhiều tiến trình mà Việt Nam đã chủ động đề xuất hoặc đóng vai trò nòng cốt như chủ trì hoạt động và xây dựng bài phát biểu chung của Nhóm bạn bè Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) được hơn 40 nước đề nghị cùng tham gia tại Phiên kỷ niệm 40 năm UNCLOS của Đại hội đồng LHQ, chủ động cùng một số nước nòng cốt xây dựng Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ xin ý kiến tư vấn của Toà án Công lý quốc tế về các khía cạnh pháp lý liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu và thúc đẩy Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ tổ chức Phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang tham gia hết sức hiệu quả và sâu rộng trong các cơ chế của LHQ. Năm 2022 đánh dấu là năm đầu tiên Việt Nam cử đại đội công binh và lực lượng cảnh sát tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Cũng trong năm nay, Việt Nam được bầu và đang đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77. Đặc biệt, chúng ta cũng đã trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, thể hiện sự tin cậy và tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam cho công việc chung của LHQ trong thời gian qua cũng như sắp tới.

Phát huy đà thành tựu giai đoạn 2020-2021, sự tham gia tích cực của Việt Nam tại LHQ trong năm qua đã tiếp tục góp phần khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy, xây dựng, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Điều này đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu bao trùm là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, tranh thủ các nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Đại sứ có thể cho biết dấu ấn nổi bật nhất của Việt Nam tại LHQ trong năm qua-năm kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh? Dấu ấn đó có ý nghĩa như thế nào đối với vai trò và vị thế của nước ta trên trường quốc tế?

Kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ (1977-2022) là cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và LHQ. Thật khó để chọn lựa nhưng tôi cho rằng, chuyến thăm của Tổng thư ký LHQ António Guterres (21-22/10/2022) vào dịp kỷ niệm này là dấu mốc nổi bật, đầy ý nghĩa. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thư ký LHQ António Guterres kể từ khi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo LHQ và là chuyến thăm thứ tư của một Tổng thư ký LHQ đến Việt Nam.

Qua chuyến thăm, cá nhân Tổng thư ký cũng như LHQ và cộng đồng quốc tế thấy rõ hơn những thành tựu của Việt Nam, từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh sau 45 năm gia nhập LHQ đã trở thành quốc gia hòa bình, ổn định và phát triển, đang có đóng góp thiết thực cho công việc chung của quốc tế. Tổng thư ký LHQ đã khẳng định Việt Nam là một điển hình thành công của LHQ, cho thấy những mục tiêu, sứ mệnh của LHQ hoàn toàn có thể đạt được nếu đó cũng chính là các mục tiêu của các quốc gia và được thực hiện với sự quyết tâm của mỗi quốc gia, mỗi người dân, sự đoàn kết, đồng lòng của cộng đồng quốc tế.

Đồng thời, cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải khi phải xử lý các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu hay việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, qua đó, huy động hơn nữa sự hỗ trợ của quốc tế. Bước đầu, có thể thấy thành quả khi Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế (IPG) ký thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP) vào ngày 14/12 giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu Cân bằng phát thải vào năm 2050.

Chuyến thăm không chỉ khẳng định sự coi trọng của LHQ và cá nhân Tổng thư ký LHQ đối với Việt Nam mà còn khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với LHQ, khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục cam kết, chung tay cùng LHQ xử lý các vấn đề toàn cầu đang đặt ra đối với cộng đồng quốc tế.

“Để hoàn thành nhiệm vụ, chúng ta cần nỗ lực vượt lên chính mình, không chỉ tham gia và đóng góp tích cực mà lớn hơn nữa là tạo dấu ấn, phát huy vai trò nòng cốt và dẫn dắt trên một số tiến trình, vấn đề được cộng đồng quốc tế, LHQ quan tâm và gắn với lợi ích của ta”.

Trong năm 2023, đâu sẽ là những trọng tâm chính của Phái đoàn Việt Nam tại LHQ và đâu là những điều Đại sứ ấp ủ để lan tỏa hơn nữa hình ảnh một Việt Nam tin cậy, trách nhiệm và chủ động?

Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, với nhiều khó khăn, thách thức. Thế giới đang ở thời điểm của những chuyển đổi bao trùm và sâu sắc. Trong hoàn cảnh này, khát vọng chung của người dân trên khắp thế giới là có môi trường hòa bình, ổn định và phát triển. LHQ vẫn được kỳ vọng có khả năng quy tụ hợp tác đa phương để góp phần thực hiện khát vọng này.

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ trọng tâm của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại New York trong năm 2023 và các năm tới sẽ được triển khai đồng bộ, toàn diện, bám sát nhiệm vụ mà Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 đã trao cho ngành đối ngoại là phát huy vai trò tiên phong trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Để hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng trên, tôi cho rằng, chúng ta cần nỗ lực vượt lên chính mình, không chỉ tham gia và đóng góp tích cực mà lớn hơn nữa là tạo dấu ấn, phát huy vai trò nòng cốt và dẫn dắt trên một số tiến trình, vấn đề, được cộng đồng quốc tế, LHQ quan tâm và gắn với lợi ích của ta.

Có như vậy, chúng ta mới bảo vệ và thúc đẩy tốt nhất lợi ích của đất nước, nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của đất nước. Tôi tin rằng, với đường lối đối ngoại đúng đắn, sự quan tâm và chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng và Nhà nước, quyết tâm và sự vào cuộc, phối hợp của cả hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành liên quan, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để thực hiện mục tiêu đó.

Đại sứ có thể chia sẻ cảm xúc của mình mỗi khi đứng trên bục phát biểu tại Đại hội đồng LHQ với những bài phát biểu quan trọng thể hiện quan điểm, lập trường của Việt Nam trên nhiều vấn đề quốc tế?

Trong năm qua, tôi được vinh dự nhiều lần phát biểu đại diện cho Việt Nam tại Đại hội đồng LHQ. Tuy nội dung phát biểu về những vấn đề khác nhau nhưng cảm xúc chung là đặc biệt tự hào khi được tiếp nối các thế hệ đi trước truyền tải thông điệp mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước đến toàn thế giới về một đất nước Việt Nam nhân văn, hòa hiếu, cùng với đó là chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, yêu chuộng hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, chống chiến tranh, chống sử dụng vũ lực, thúc đẩy đối thoại, hợp tác và đoàn kết quốc tế vì các giá trị chung và tiến bộ của nhân loại.

Nối

Khác

Xem tiếp đi