Kỳ bí mộ lùm của dòng họ Trương đất Quảng Ngãi với câu chuyện nhuốm màu hoang đường về chum vàng

Dân Việt 04/12/2022 19:48:12

Chuyện về mộ lùm

“Trương tộc thế phả” là một bộ gia phả đồ sộ của dòng họ Trương, ở làng Mỹ Khê (nay thuộc xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi), gồm 518 trang chữ Hán- Nôm, do Cử nhân, Tri phủ Đức Phổ hồi hưu là Trương Quang Phùng viết vào năm 1926, thời Bảo Đại.

Gia phả này ghi chép đến 11 thế hệ, với 386 người họ Trương, từ lúc ông thủy tổ Trương Đăng Nhất đem vợ con vào lập nghiệp tại tổng Bình Châu, huyện Bình Sơn, phủ Hòa Nghĩa, thời Vĩnh Tộ (1619- 1628), nay thuộc xã Tịnh Khê.

Kỳ bí mộ lùm của dòng họ Trương đất Quảng Ngãi với câu chuyện nhuốm màu hoang đường về chum vàng-1

Ông Trương Quang Trạng (đời thứ 12) - Trưởng tộc họ Trương ở làng Mỹ Khê (nay thuộc xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) tại bia thuyết minh khu mộ lùm. Ảnh: Đăng Vũ

Cùng với những ghi chép về 386 người họ Trương Đăng, sau đổi là Trương Quang từ năm Kiến Phúc nguyên niên (1883) vì húy kỵ, trong “Trương tộc thế phả” còn ghi nhiều câu chuyện, mà người viết gọi là “ngoại sử”, nhưng thực ra, đó là những truyền thuyết có ít nhiều tính hoang đường, kỳ bí. Tiêu biểu là chuyện mộ lùm.

Chuyện mộ lùm được ghi tại tờ thứ 5, quyển đầu, trong “Trương tộc thế phả”. Chuyện rằng, ông Trương Đăng Hưng - tổ đời thứ 2, phát hiện dưới một gốc cây nhà mình có một chum vàng, sau khi cây bị gió bão làm trốc gốc. Ông đem nguyên chum vàng đi chôn kỹ lưỡng.

Vào một ngày 10 năm sau, có một người Tàu (không rõ tên) qua lại chỗ gốc cây 3 - 4 lần, chừng như cố đi tìm vật gì. Thấy vậy ông Hưng mới hỏi thăm, thì người Tàu kia mới đem sự tình kể lại, là đi tìm chum vàng mà ông bà họ đã từng cất giấu, cùng với việc trình ra bản chúc thư.

Nghe vậy ông Hưng liền chỉ chỗ chôn chum vàng để người Tàu đào lên. Người Tàu lấy làm kinh ngạc và nể phục, vì thấy chum vàng vẫn còn nguyên vẹn, bèn xin chia cho ông Hưng một nửa. Nhưng ông Hưng kiên quyết từ chối, nói rằng: “Đây là báu vật của ông bà ông, lão phu này không lấy gì”. Biết không thể thuyết phục được ông Hưng nhận số vàng mà người Tàu chia cho, người Tàu kia bèn lạy tạ ơn và cáo biệt.

Ba năm sau, người Tàu đó quay lại cùng một ông thầy địa lý. Họ tìm một nơi huyệt mộ tốt để trả ơn - một huyệt mộ “đời đời xuất hiện công hầu”. Đó chính là mộ lùm, tọa lạc tại xứ Gò Ra, xã Trà Sơn (nay thuộc địa phận xã Tịnh Ấn Đông, TP.Quảng Ngãi).

Kỳ bí mộ lùm của dòng họ Trương đất Quảng Ngãi với câu chuyện nhuốm màu hoang đường về chum vàng-2

Trang ghi về ông Trương Đăng Hưng và chuyện mộ lùm trong “Trương tộc thế phả”. Ảnh: Đăng Vũ

Mộ lùm chính là nơi yên nghỉ của ông Trương Đăng Hưng - Cai hiệp (một chức quan nhỏ, trật Chánh bát phẩm), tước Huy Đức tử, sinh năm Canh Dần (1650), mất năm Kỷ Dậu (1729).

Một thời thu hút nhiều người tham quan

Trong sách “Non nước xứ Quảng”, bản in năm 1971, nhà biên khảo Phạm Trung Việt cũng ghi lại sự tích ngôi mộ này, nhưng lại ghi người giữ chum vàng là ông thủy tổ Trương Đăng Nhất.

Ông Phạm Trung Việt có miêu tả ngôi mộ này như sau: “Ngôi mộ ẩn trong lùm cây rậm rạp, tư vuông 20m, có ruộng vây chung quanh ba mặt, lộ những đồi núi thấp. Mộ này có sắc thái khác hẳn các ngôi mộ khác, chính giữa có ngôi mộ lớn, hai bên tả hữu có ngôi mộ gió (mộ để giả trang) yểm trợ vững vàng như núi Thái Sơn” (“Non nước xứ Quảng”, tân biên, Khai Trí, Sài Gòn, 1971, tr.131).

Kỳ bí mộ lùm của dòng họ Trương đất Quảng Ngãi với câu chuyện nhuốm màu hoang đường về chum vàng-3

Hồ nước ngọt mang tên Biển Lạc nằm trọn trong rừng nguyên sinh, hồ này ở tỉnh nào của Việt Nam?

Hình như, nhận thấy có sự nhầm lẫn về tên người, nên trong sách “Khuôn mặt Quảng Ngãi” (năm 1973), trong mục viết về Trương Đăng Quế, ông Phạm Trung Việt có viết lại và nói người giữ chum vàng là cháu nội ông Trương Đăng Nhất, tức ông Trương Đăng Hưng (người mà chúng tôi thấy ghi trong “Trương tộc thế phả” ghi là đời thứ 2, trừ ông thủy tổ Trương Đăng Nhất), cùng với việc miêu tả khá kỹ về vị trí, cảnh quan ngôi mộ.

Trong sách này ông Phạm Trung Việt không chỉ nói về 2 ngôi mộ gió, mà còn miêu tả thêm, là còn có “một ngôi mộ nhỏ của một tên hầu cận người Thượng”. Tác giả sách “Khuôn mặt Quảng Ngãi” cũng cho biết thêm, ngôi mộ này không có rễ cây nào ăn thông vào được; trước năm 1963, mộ lùm là một thắng cảnh “được nhiều người viếng thăm” (Nam Quang xuất bản, 1973, tr.76-77).

Câu chuyện pha chút hoang đường, kỳ bí nêu trên làm tăng thêm sự hấp dẫn của cuốn gia phả, bởi người viết gia phả hình như đã cố lấy truyền thuyết để giải thích, để chứng minh về một dòng họ có nhiều người đỗ đạt, có nhiều công hầu, khanh tướng vào loại bậc nhất ở Quảng Ngãi, trong thời Tây Sơn, thời nhà Nguyễn, dòng họ có nhiều công lao với non sông, đất nước như Trương Đăng Đồ, Trương Đăng Quế, Trương Quang Đản, Trương Quang Đễ...

Chắc hẳn, qua cách đưa truyền thuyết vào gia phả, người viết đã có dụng ý rằng: Nhờ mộ lùm (và cả ngôi mộ táng ông thủy tổ Trương Đăng Nhất ở xứ Bàu Cò, xã Tư Cung xưa, nay cũng thuộc Tịnh Khê, là huyệt mộ cũng được một người bí ẩn nào đó mách bảo là phải chôn chỗ đó con cháu mới đời đời phát đạt, thịnh vượng), mà nhiều người họ Trương được đỗ đạt, nhiều người được phong công hầu, khanh tướng cũng là chuyện đương nhiên.

Nhưng chuyện mộ lùm, chuyện mộ của ông thủy tổ họ Trương ở Bàu Cò, không chỉ có trong gia phả, mà có cả trong dân gian như ông Phạm Trung Việt đã ghi. Âu cũng là cách người xưa cố tình giải thích về chuyện một dòng họ đã từng có nhiều người quan to, chức trọng, có công với non sông, đất nước.

Cách đây không lâu, chúng tôi có đến thăm ngôi mộ lùm. Trải qua gần 300 năm, nhưng Gia tộc họ Trương vẫn cố gìn giữ ngôi mộ lùm rất đỗi thâm u, um tùm cây cối, đầy vẻ bí ẩn, quả là điều hết sức đáng trân trọng. Tuy nhiên, sau khi tham quan, chúng tôi thấy có vài điều cần phải tiếp tục cải chính những trang ghi chép của nhà biên khảo Phạm Trung Việt.

Bởi vậy, chắc hẳn, về chuyện này, sẽ còn được chúng tôi tiếp tục trình bày trong một dịp khác, cũng như về bộ gia phả Hán Nôm đồ sộ của họ Trương được viết đã gần trăm năm qua.

Nối

Khác

Xem tiếp đi