Kinh tế thế giới nổi bật (25/11-1/12): Nga tuyên bố ‘miễn nhiễm’ với lệnh trừng phạt, thắt chặt hợp tác Trung Quốc; Czech có tin vui về khí đốt

Thế Giới & Việt Nam 02/12/2022 17:18:55
Kinh tế thế giới nổi bật (25/11-1/12): Nga tuyên bố ‘miễn nhiễm’ với lệnh trừng phạt, thắt chặt hợp tác Trung Quốc; Czech có tin vui về khí đốt-1

Những thách thức liên tiếp từ đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại dưới 2% vào năm 2023. (Nguồn: Shutterstock)

Kinh tế thế giới

Tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại dưới 2% vào năm 2023

Citigroup, công ty đa quốc gia về dịch vụ tài chính có trụ sở tại Manhattan, New York (Mỹ) ngày 30/11 dự báo, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại dưới 2% vào năm 2023, tương tự các dự báo mà các tổ chức tài chính lớn như Goldman Sachs, Barclays và J.P. Morgan đưa ra.

Các nhà chiến lược tại Citigroup đã trích dẫn những thách thức liên tiếp từ đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine, làm lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều thập niên và gây ra tình trạng thắt chặt chính sách mạnh mẽ, là lý do để đưa ra dự báo trên.

Chiến lược gia Nathan Sheets của CitiGroup nhận định, hoạt động toàn cầu có thể đang bị ảnh hưởng bởi “làn sóng” suy thoái ở nhiều nước trong năm tới. Mặc dù ngân hàng này dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm 2022, nhưng sau đó sẽ giảm một nửa xuống còn 0,7% vào năm 2023.

Lạm phát của Mỹ ở mức 4,8% vào năm 2023 và lãi suất của Fed sẽ trong khoảng 5,25-5,5%.

Trong số các khu vực địa lý khác, Citigroup nhận thấy Vương quốc Anh và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ rơi vào suy thoái trong cuối năm nay, do cả hai nền kinh tế đều phải đối mặt với những hạn chế về cung-cầu năng lượng, cùng với các chính sách tài chính và tiền tệ thắt chặt hơn.

Trong năm 2023, Citigroup dự đoán tăng trưởng của Anh và Eurozone sẽ giảm lần lượt 1,5% và 0,4%.

Kinh tế thế giới nổi bật (25/11-1/12): Nga tuyên bố ‘miễn nhiễm’ với lệnh trừng phạt, thắt chặt hợp tác Trung Quốc; Czech có tin vui về khí đốt-2

Phương Tây trừng phạt Nga, cộng dồn ‘bão’ lạm phát, người dân EU ‘oằn lưng’ gánh hóa đơn năng lượng

Trong khi đó, các thị trường mới nổi dự kiến tăng trưởng 3,7%, trong đó, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 5,7%, chậm hơn so với dự đoán tăng trưởng 6,7% của năm nay, nhưng vẫn là mức tăng dẫn đầu trong số các nền kinh tế lớn. (Reuters)

Kinh tế Mỹ

* Hôm 28/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội can thiệp để ngăn chặn một cuộc đình công đường sắt dự đoán sẽ xảy ra sớm nhất vào ngày 9/12 tới, cảnh báo về những hậu quả mà nền kinh tế phải gánh chịu nếu ngành đường sắt ngừng hoạt động .

Cùng ngày, hơn 400 tổ chức đã kêu gọi Quốc hội can thiệp vào cuộc đình công của ngành đường sắt có nguy cơ làm gián đoạn các chuyến tàu vận chuyển thực phẩm và nhiên liệu, khiến du khách mắc kẹt cũng như gây thiệt hại lên đến hàng tỷ đô la cho nền kinh tế. (TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc

* Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 29/11 cảnh báo, tổ chức này có thể phải cắt giảm dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế Trung Quốc , sau khi xuất hiện những bất ổn xung quanh chính sách chống dịch nghiêm ngặt của quốc gia châu Á.

Tuy nhiên, người đứng đầu IMF cũng cho biết Trung Quốc đang xem xét chính sách "Zero Covid" của nước này với quan điểm chuyển sang phản ứng có mục tiêu hơn đối với các ca nhiễm Covid-19. Điều này nhằm đảm bảo ít gián đoạn hơn đối với nền kinh tế Trung Quốc, cũng như ít tác động tiêu cực hơn đến phần còn lại của thế giới. (AFP)

* Theo số liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), hoạt động chế tạo đã thu hẹp ở tốc độ nhanh hơn trong tháng 11/2022, do các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu và sức ép gia tăng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

NBS cho biết, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) đứng ở mức 48 điểm trong tháng 11/2022, so với mức 49,2 điểm trong tháng 10/2022, ghi dấu mức thấp nhất trong 7 tháng và thấp hơn dự báo 49 điểm mà các nhà kinh tế đưa ra trước đó.

Riêng PMI trong lĩnh vực dịch vụ, đã giảm từ 48,7 điểm trong tháng Mười xuống 46,7 điểm trong tháng Mười Một, cũng là mức thấp nhất trong bảy tháng. Mốc 50 điểm là ngưỡng phân định giữa thu hẹp và tăng trưởng. (TTXVN)

Kinh tế châu Âu

* Trong thông điệp gửi đến Diễn đàn Kinh doanh năng lượng Nga-Trung lần thứ 4 diễn ra ngày 29/11 tại thủ đô Moscow của Nga, Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin khẳng định, năng lượng vẫn là một trong những lĩnh vực chủ chốt và phát triển nhanh nhất trong hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc.

Theo nhà lãnh đạo Nga, hai nước gần đây đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, dầu mỏ, khí đốt và than đá, cũng như phối hợp triển khai các dự án chung quy mô lớn về hoạt động sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng và nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc.

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định nước này sẵn sàng củng cố quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với Nga về vấn đề năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu. (TTXVN)

Kinh tế thế giới nổi bật (25/11-1/12): Nga tuyên bố ‘miễn nhiễm’ với lệnh trừng phạt, thắt chặt hợp tác Trung Quốc; Czech có tin vui về khí đốt-3

Nguồn thu ngân sách của Nga trong 9 tháng của năm 2022 đã tăng 10% lên hơn 200.000 tỷ Ruble. (Nguồn: Getty Images)

* Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin ngày 29/11 cho biết, nguồn thu ngân sách của nước này trong 9 tháng của năm 2022 đã tăng 10% lên hơn 200.000 tỷ Ruble (3.290 tỷ USD).

Theo ông Mishustin: “Các biện pháp trừng phạt không ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính đất nước và không ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô”.

Thủ tướng Nga cũng lưu ý rằng, các biện pháp được thông qua đã cho phép ổn định tình hình nền kinh tế, hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp và toàn bộ các ngành, đồng thời duy trì việc làm ở các địa phương . (TTXVN)

* Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đang hướng tới một thỏa thuận về việc áp giá trần đối với dầu Nga trong tuần này.

Hạn chót cho một thỏa thuận là ngày 5/12, sau khi EU thống nhất về lệnh cấm đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga hồi cuối tháng Năm.

Kế hoạch áp giá trần do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đề xuất dự kiến sẽ thay thế kế hoạch trừng phạt cứng rắn hơn của EU để bảo vệ nguồn cung toàn cầu và ngăn chặn đà tăng của giá nhiên liệu.

Tuy nhiên, 27 quốc gia vẫn chưa đồng thuận về mức giá trần. Nếu không có thỏa thuận nào đạt được trước ngày 5/12, EU sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn, theo đó cấm nhập khẩu dầu thô của Nga từ ngày 5/12 và các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ ngày 5/2/2023. (TTXVN)

* Ngày 28/11, Bộ trưởng Công Thương Czech Jozef Sikela tuyên bố nước này đã đạt được một nửa mục tiêu giảm tiêu thụ 800 triệu m3 khí đốt so với mùa Đông năm ngoái. Bên cạnh đó, quốc gia Trung Âu này hiện duy trì gần 3,4 tỷ m3 khí đốt dự trữ, cao hơn so với các năm trước.

Theo ông Sikela, kế hoạch của Czech là cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ trong cả mùa Đông, tương đương 800 triệu m3, qua đó giảm nhu cầu từ mức 9,3 tỷ m3 xuống còn 8,5 tỷ m3 mỗi năm. Bộ trưởng Sikela khẳng định, Czech đã thành công khi đến thời điểm hiện tại đã cắt giảm được một nửa mức mục tiêu 800 triệu m3. (TTXVN)

* Cơ quan Thống kê liên bang Đức ngày 29/11 cho biết, giá tiêu dùng ở nước này trong tháng 11/2022 đã giảm nhẹ so với tháng trước, chủ yếu do giá dầu thấp hơn.

Theo số liệu sơ bộ của cơ quan trên, tỷ lệ lạm phát ở Đức trong tháng 11/2022 này ở mức 10%. Trước đó trong tháng 10/2022, tỷ lệ lạm phát chạm ngưỡng 10,4%, mức cao nhất kể từ năm 1951.

So với tháng trước, giá tiêu dùng trong tháng 11/2022 giảm 0,5%. Đây là lần đầu tiên sau nhiều lần tăng giá, lạm phát đã giảm trở lại. (TTXVN)

* Theo đánh giá của một nghị sĩ Mỹ, nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron đang hy vọng chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ của ông có thể tạo ra những nhượng bộ có ý nghĩa cho ngành công nghiệp châu Âu ,khi họ thu lợi từ các khoản trợ cấp xanh khổng lồ của Mỹ. Nhưng cơ hội đạt được điều đó có vẻ rất mong manh.

Ông Chris Coons, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Delaware và cũng là một đồng minh thân cận của Tổng thống Joe Biden, đã đưa ra nhận xét trên trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP về chuyến thăm và các mục tiêu của Tổng thống Pháp.

Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Biden đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ hào phóng cho ngành công nghiệp Mỹ, chẳng hạn như trợ cấp cho các dự án sản xuất xe điện, pin và năng lượng tái tạo do doanh nghiệp trong nước sản xuất. (AFP)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Dữ liệu mới đây của chính phủ Nhật Bản cho thấy, tỷ lệ việc làm khả dụng của nước này đã được cải thiện tháng thứ 10 liên tiếp vào tháng 10/2022, giữa bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Cụ thể, tỷ lệ việc làm khả dụng của Nhật Bản tăng 0,01 điểm từ tháng 9/2022 lên 1,35 điểm trong tháng 10/2022, dẫn đầu là lĩnh vực dịch vụ. Điều đó có nghĩa là cứ 100 người tìm việc thì có 135 cơ hội việc làm. (Kyodo)

* Công ty sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới là TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) đã thành lập cơ sở thứ hai tại thành phố Osaka của Nhật Bản .

Cơ sở này có tên gọi “Trung tâm thiết kế Nhật Bản”, bắt đầu hoạt động từ ngày 1/12 với số nhân viên ban đầu là 20 người. Hoạt động chủ yếu của trung tâm là hỗ trợ thiết kế các loại thiết bị bán dẫn có độ lớn 3 nanometer (nm) để cung ứng cho các doanh nghiệp đối tác của TSMC.

Ngoài ra, cơ sở này cũng nghiên cứu và thiết kế các thiết bị bán dẫn tiên tiến nhất hiện nay . (TTXVN)

* Theo công ty theo dõi hoạt động doanh nghiệp CEO Score, các công ty lớn của Hàn Quốc trong quý III/2022 đã chứng kiến chi phí đi vay tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước do lãi suất tăng.

Cụ thể, tổng chi phí lãi vay của 268 trong số 500 công ty hàng đầu của đất nước tính theo doanh thu đã lên tới 6.200 tỷ Won (4,7 tỷ USD) trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/2022, tăng 42,1% so với cùng kỳ năm trước.

Gần 88% trong tổng số các doanh nghiệp lớn (236 doanh nghiệp) cho thấy trong quý III/2022, chi phí lãi vay của họ tăng so với cùng kỳ năm trước.

Chi phí đi vay của các công ty tăng vọt khi Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) vẫn duy trì quan điểm cứng rắn trong nỗ lực kiềm chế lạm phát kéo dài. Kể từ tháng 8/2021, BoK đã tiến hành 6 lần tăng lãi suất đưa lãi suất chuẩn lên tới 3,25%.

Do chi phí vay leo thang, thu nhập hoạt động của các công ty đó đã giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 34.700 tỷ won trong quý III/2022. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Tờ The Economic Times cho biết, Hiệp định thương mại và Hợp tác Kinh tế Ấn Độ và Australia (ECTA) có hiệu lực từ ngày 29/12 , một động thái giúp tăng gần gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 45-50 tỷ USD trong khoảng 5 năm.

Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Australia Don Farrell cho biết trong một tuyên bố hôm 30/11: "Chính phủ Australia hoan nghênh xác nhận ngày hôm nay rằng chính phủ Ấn Độ hoàn thành các yêu cầu trong nước để cho phép thực hiện ECTA. Hiệp định này mang lại cơ hội tiếp cận thị trường mới cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Australia từ ngày 29/12/2022”. (TTXVN)

* Ngày 30/11, Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) đã nâng lãi suất cơ bản lần thứ ba liên tiếp, thêm 0,25 điểm phần trăm trong nỗ lực kiềm chế lạm phát ngày càng tăng và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Theo đó, Ủy ban chính sách tiền tệ của BoT đã nhất trí tăng lãi suất từ 1% lên 1,25%, có hiệu lực ngay lập tức.

Động thái này diễn ra sau đợt tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách hôm 28/9 và một cuộc họp khác vào ngày 10/8, đánh dấu đợt tăng lãi suất đầu tiên của Thái Lan kể từ cuối năm 2018. (TTXVN)

* Ngày 28/11, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ra lệnh thành lập các nhóm chuyên trách để đẩy nhanh việc thực hiện các thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra vào ngày 15-16/11 vừa qua.

Ông Widodo khẳng định rằng, các nhóm chuyên trách này sẽ rất quan trọng để bắt đầu thực hiện các dự án trong khuôn khổ các thỏa thuận song phương và đa phương của G20.

Tổng thống Indonesia cho biết, có ít nhất 226 dự án đa phương với tổng trị giá 238 tỷ USD và 140 dự án song phương với tổng trị giá 71,4 tỷ USD đã được ký kết tại Hội nghị G20 vừa qua, đồng thời bày tỏ mong muốn tất cả các sáng kiến này được thực hiện kịp thời . (TTXVN)

Nối

Khác

Xem tiếp đi