Không nhân nhượng với bạo lực học đường

Đại Đoàn Kết 29/09/2022 12:20:18
Không nhân nhượng với bạo lực học đường-1

Để đẩy lùi bạo lực học đường cần giải pháp đồng bộ từ nhà trường - gia đình - xã hội.

Xử lý nghiêm để răn đe

Từ đầu năm học 2022 - 2023 đến nay, tại tỉnh Thừa Thiên Huế liên tiếp xảy ra 3 vụ nữ học sinh đánh nhau. Những vụ việc này đều diễn ra dưới sự chứng kiến của nhiều học sinh khác, các em đứng xem, cổ vũ và dùng điện thoại quay clip.

Cụ thể, hai nữ sinh Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP Huế) hẹn nhau ra nơi công cộng rồi lao vào đánh nhau để phân định thắng thua. Vụ việc chưa lắng xuống, thì sự việc nữ sinh L.T.Y. Nh., học sinh lớp 10 Trường THPT Hương Trà (thị xã Hương Trà) bị bạn cùng trường dùng mũ bảo hiểm đánh đến chấn động não phải nhập viện lại diễn ra.

Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GDĐT Thừa Thiên Huế khẳng định, Sở đã chỉ đạo Hiệu trưởng phải tập trung làm việc kỹ, xử lý nghiêm để tăng cường răn đe giáo dục học sinh. Ngoài ra, nhà trường cùng phối hợp với phụ huynh theo dõi chăm lo tốt để học sinh L.T.Y.Nh. sớm được trở lại trường an toàn. Đặc biệt, tích cực hỗ trợ học sinh theo kịp chương trình sau thời gian nghỉ điều trị.

Trước đó, tại Trường THCS Cự Đồng (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), một nam sinh lớp 8 của trường bị một nhóm xách cổ áo, kéo ra cổng trường để hành hung ngay sau buổi lễ khai giảng. Nguyên do ban đầu xuất phát từ mâu thuẫn của em này với học sinh khác.

Tại Hà Nội, một học sinh lớp 9, Trường THCS Hà Hồi (huyện Thường Tín) bị bạn cùng khối đánh gây chấn thương sọ não. Theo báo cáo ban đầu của Hiệu trưởng nhà trường, vào giờ ra chơi tiết 2 ngày 16/9, em N.T.H. (lớp 9A1) lên khu phòng học bộ môn chơi thì em Đ.Đ.A. (lớp 9A3) không cho lên. Sau đó, 2 học sinh có lời qua tiếng lại với nhau, dẫn tới việc em A. đánh em H.

Tất cả các sự việc bạo lực xảy ra phía sau cánh cổng trường hay bên ngoài nhà trường giữa học sinh với nhau dù xuất phát từ nguyên nhân gì cũng đều là những vụ BLHĐ khiến dư luận bức xúc, lo lắng về sự manh động, bạo lực của một số học sinh hiện nay. Đi tìm nguyên nhân của những hành động “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” giữa những người bạn học với nhau, một số vụ việc bắt đầu từ lý do trêu đùa nhau, như vụ việc tại Trường THCS Hà Hồi. Đúng sai sẽ có cơ quan chức năng vào cuộc để phân rõ, xử lý nhưng cả người bị đánh và người đánh bạn thực chất đều là nạn nhân bởi sau đây, người bị thương, người bị đình chỉ học tập…

Trường học không chỉ dạy chữ mà còn dạy làm người

Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Tân thẳng thắn thừa nhận, dù Sở đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến tình trạng này, nhưng hiệu quả vẫn chưa triệt để. Tương tự như vậy, ngành giáo dục nói chung và ngành giáo dục từng địa phương hàng năm đều có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, BLHĐ, thậm chí ngay từ trước khi bắt đầu năm học những mong hạn chế được tình trạng này song những sự việc đáng buồn vẫn liên tiếp xuất hiện.

Theo ông Tân, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng vẫn là công tác phối hợp, phòng ngừa chưa tốt. Giải pháp trước mắt đó là yêu cầu các cơ sở giáo dục thành lập ngay Ban phòng, chống BLHĐ tại đơn vị, do thủ trưởng cơ quan, đơn vị làm trưởng ban; thành viên là các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp, công an địa phương, đại diện cha mẹ học sinh. Ông Tân cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp nâng cao trách nhiệm, thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh; thiết lập các kênh thông tin, như hộp thư góp ý, đường dây nóng, bố trí hệ thống camera giám sát, lập trang mạng xã hội để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về BLHĐ.

Tại hội thảo “Thay đổi vì một ngôi trường hạnh phúc 2022: Chọn yêu thương - Chọn hạnh phúc” tổ chức cuối tuần qua tại Đà Nẵng, vấn đề được tất cả các đại biểu cùng quan tâm đó là làm sao để xây dựng một trường học hạnh phúc. Ông Ngô Phi Công - Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Trà Mi (Quảng Nam) trăn trở, xây dựng ngôi trường mà ở đó là nơi không có BLHĐ, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh. Là nơi mà thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Đồng thời, nơi đó cũng là mái nhà chung mà mỗi ngày giáo viên và học sinh đến trường là một niềm hạnh phúc.

Trường học phải là nơi các thầy giáo cô giáo không chỉ dạy cho các em về kiến thức văn hóa, mà còn dạy cho các em về đạo đức làm người, có lối sống lành mạnh, tích cực, biết quan tâm chia sẻ và giúp đỡ mọi người.

Trong hành trình tìm kiếm những cách thức và giải pháp để giảm bớt áp lực trong nhà trường, hỗ trợ giải quyết vấn đề BLHĐ học đường, hướng tới xây dựng môi trường học tập an toàn, yêu thương, tôn trọng, GS Hà Vĩnh Thọ - người sáng lập Học Viện Eurasia vì Hạnh Phúc và An Lạc cho rằng, các nhà trường nên chú trọng nhiều đến các giá trị đạo đức. “Mối nguy hiểm đã hiện hữu khi những bạn trẻ đang lớn lên trong thời đại của internet và mạng xã hội. Phải hiểu rằng hạnh phúc của mỗi người đi liền với hạnh phúc của người khác, của xã hội và của lợi ích chung. Do đó, trường học hạnh phúc nên chú trọng nhiều đến các giá trị đạo đức” - GS Thọ nói.

Theo ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cả nước hiện có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông. Khi giáo viên và học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh. Những điều tốt, điều thiện sẽ tăng lên và lan tỏa trong xã hội. Khi nhân lên cái đẹp để dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực cùng với những giải pháp đồng bộ từ nhà trường, phụ huynh và cả xã hội mới giúp vấn nạn bạo lực học đường được đẩy lùi.

Nối

Khác

Xem tiếp đi