Không bị động, bất ngờ trong ứng phó bão số 4

Hà Nội Mới 29/09/2022 12:16:51

(HNMO) - Khoảng đêm nay và rạng sáng mai (28-9), bão số 4 sẽ đổ bộ vào ven biển, đất liền các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Không để bị động, bất ngờ, các bộ, ngành và địa phương đã khẩn trương, quyết liệt ứng phó bão số 4 với mục tiêu lớn nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Không bị động, bất ngờ trong ứng phó bão số 4-1

Lực lượng vũ trang hỗ trợ người dân tỉnh Quảng Bình gia cố nhà cửa, ứng phó bão số 4.

Bão vào ven biển, đất liền mạnh cấp 12-13, giật cấp 15

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 16h chiều nay (27-9), tâm bão số 4 cách đất liền các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi khoảng 210km về phía Đông với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.

Khoảng đêm nay và rạng sáng mai (28-9), bão đổ bộ vào ven biển, đất liền các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Trung Bộ.

Đến 4h ngày mai, tâm bão nằm trên đất liền các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Sau thời gian trên, bão đi sâu vào đất liền các tỉnh, thành phố khu vực nêu trên, sang Lào và suy yếu dần...

Do ảnh hưởng của bão nên tối và đêm nay, vùng ven biển các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13.

Các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Từ sáng sớm 28-9, các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, có nơi cấp 10, giật cấp 12.

Ngoài gió mạnh, sóng lớn, từ đêm 27 đến ngày 28-9, các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm, có nơi cao hơn 450mm. Các tỉnh: Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi cao hơn 300mm.

Từ ngày 28-9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và phía Nam khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Các tỉnh, thành phố, khu vực nêu trên đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại những vùng trũng thấp.

Không bị động, bất ngờ trong ứng phó bão số 4-2

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ xuống vùng trọng điểm kiểm tra, chỉ đạo ứng phó bão số 4.

Khẩn trương, quyết liệt ứng phó

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27-9, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt triển khai phương án ứng phó bão số 4. Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, tính đến 15h ngày 27-9, các tỉnh, thành phố vùng ảnh hưởng của bão đã quyết định dừng các cuộc họp không quan trọng để trực tiếp xuống các khu vực trọng điểm chỉ đạo triển khai ứng phó với bão.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã huy động lực lượng kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền tránh trú an toàn; hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, gia cố công trình, biển quảng cáo...

Các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã lệnh cấm biển. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi cho học sinh nghỉ học từ ngày 27-9. Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã rà soát, sẵn sàng sơ tán 97.310 hộ dân, tương ứng 342.551 người.

Các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định dự kiến cấm người và phương tiện tham gia giao thông trên quốc lộ 1 từ 18h đến 21h ngày 27-9.

Không bị động, bất ngờ trong ứng phó bão số 4-3

Hướng di chuyển của bão số 4 hồi 17h chiều 27-9.

Đặc biệt, trong ngày 27-9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Lê Văn Thành dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra ứng phó bão số 4 tại các tỉnh: Quảng Bình và Quảng Trị. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan kiểm tra ứng phó bão số 4 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 tại các tỉnh: Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan gửi tin nhắn cảnh báo bão và hướng dẫn biện pháp phòng tránh bão cho 4,8 triệu thuê bao thuộc các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai...

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, đến thời điểm này, các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó bão số 4 và mưa lớn sau bão; bảo đảm mục tiêu không bị động, bất ngờ và giảm đến mức thấp nhất tổn thất về người và tài sản...

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến 16h ngày 27-9, các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 57.840 phương tiện với 299.678 người biết diễn biến, hướng đi của bão số 4 để chủ động di chuyển, thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã lệnh cấm biển. Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản, hoàn thành sơ tán 91.754 hộ dân với 282.249 người tại khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Cảng vụ hàng hải từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã có phương án bảo đảm an toàn cho 721 tàu biển và phương tiện thủy nội địa. Các cảng hàng không đã tạm dừng hoạt động bay đối với 8 cảng gồm: Pleiku, Phú Bài, Phù Cát, Chu Lai, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Liên Khương và có kế hoạch tạm dừng hoạt động bay đối với cảng hàng không Đồng Hới lúc 22h ngày 27-9 và Vinh từ 3h ngày 28-9.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai chủ trì, phối hợp gửi tin nhắn cảnh báo bão số 4 và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh cho 11,27 triệu thuê bao tại các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai. Các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27-9. Các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định dự kiến cấm người và phương tiện tham gia giao thông trên quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn, bắt đầu từ 19h đến 21h ngày 27-9.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27-9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Lê Văn Thành dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra ứng phó bão số 4 tại các tỉnh: Quảng Bình và Quảng Trị. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra ứng phó bão số 4 tại các tỉnh: Quảng Ngãi, Quảng Nam.

Bộ đội Biên phòng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận đã điều động 2.667 cán bộ, chiến sĩ và 55 phương tiện các loại phối hợp với các địa phương giúp dân chằng chống 2.049 ngôi nhà, 24 điểm trường học; sơ tán 7.890 hộ dân với 22.918 người đến nơi an toàn; di chuyển 2.441 thuyền thúng của ngư dân lên bờ tránh bão; neo buộc 6.254 lồng bè nuôi trồng thủy sản; gia cố 300m kè biển; thu hoạch 4,2ha lúa...

Hà Nội mưa to, đề phòng ngập lụt

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ dự báo, đêm nay, Hà Nội có mưa vài nơi, thời tiết mát, nhiệt độ dao động 23-26 độ C.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 kết hợp với rìa Tây Nam áp cao lạnh lục địa tăng cường nên ngày mai, Hà Nội có mưa vừa, mưa to và dông. Tổng lượng mưa từ ngày 28 đến 30-9, tại khu vực trung tâm và các huyện phía Tây, Nam thành phố 50-100mm, có nơi lớn hơn; các huyện phía Bắc 40-70mm, có nơi lớn hơn.

Từ chiều mai, Hà Nội có gió mạnh cấp 3-4. Trong mưa dông, có thể xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cơ quan phòng, chống thiên tai và người dân Thủ đô đề phòng nguy cơ xảy ra ngập úng tại các khu đô thị, vùng trũng thấp, ven sông.

Nối

Khác

Xem tiếp đi