Khi người tốt "rụt rè"

VOH 07/10/2022 19:25:33

Gần đây trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ clip ghi lại cảnh một người đi ô tô ở Hà Nội đang dừng xe ven đường để chở một nạn nhân bị tai nạn giao thông đi cấp cứu. Điều đáng chú ý là việc người đàn ông này đã "cẩn thận" đề nghị mọi người xung quanh "Mọi người làm chứng cho em nhé! Em chỉ chở người vào cấp cứu thôi, không phải người gây tai nạn đâu nhé!" .

Theo lời giải thích của nhân vật chính, trong quá trình đưa người nạn nhân đi cấp cứu, anh có  nhờ người dân xung quanh quay lại clip làm bằng chứng để "tránh làm ơn mắc oán". Bởi theo anh, cách đây không lâu đã có một trường hợp ở Quảng Ninh, khi có một người giúp người khác bị tai nạn giao thông mà lại bị đổ oan, việc chứng minh sau đó khá phiền phức, nên anh mới nhờ người dân quay clip làm chứng. Lý do này được nhiều người đồng tình ủng hộ.

Thực tế xã hội đang tồn tại tâm lý "rụt rè", e ngại gặp "rắc rối" khi làm người tốt. Điều này chưa hẳn xuất phát từ sự ích kỷ hay ngại khó, ngại khổ của cá nhân, mà chính sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận xã hội đã tạo tâm lý e ngại của những người có lòng tốt.

Xã hội hiện đại, cuộc sống vội vã hơn, từ đó dẫn đến những phán xét thiếu trách nhiệm. Đã có một số trường hợp vì giúp người gặp nạn mà bị liên lụy với những rắc rối không đáng có. Từng có đoạn video clip từ camera hành trình trên xe của một ca sĩ ghi lại tình huống tai nạn va quệt của xe máy phía trước đầu xe ô tô, người gây tai nạn đã bỏ đi mất. Khi tài xế ô tô dừng xe vào lề, có ý định giúp đỡ thì lại bị người đi đường đổ oan là người gây tai nạn. Một số trường hợp người đi đường giúp đỡ nạn nhân bị tai nạn giao thông, đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng lại bị chính gia đình nạn nhân hành hung do lầm tưởng là hung thủ.

Thủ tục hành chính là cần thiết, nhưng thủ tục hành chính rườm rà, mất nhiều thời gian tại các bệnh viện khi tiếp nhận các ca cấp cứu cũng gián tiếp tạo nên tâm lý ngại phiền phức khi giúp đỡ nạn nhân vào bệnh viện.

Cũng có một áp lực không nhỏ cho những người muốn làm việc tốt lại chính là sự phổ quát của mạng xã hội. Thời 4.0 hầu như mọi sự kiện, mọi biến cố trên đường phố đều được ghi nhận lên mạng xã hội. Một tai nạn, một vụ cháy, hay một trận đánh ghen... sẽ ngay lập tức xuất hiện đội ngũ quay clip, livestream lên mạng xã hội, dù những người này không hề liên quan gì đến sự việc. Hệ quả của hành vi đó vô tình khiến thông tin cá nhân của người trong cuộc bị công khai, soi mói, bình phẩm sai lệch mà không ai chịu trách nhiệm.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Hiến pháp 2013: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác để đăng tải lên mạng xã hội hoặc những phương tiện khác mà không có sự đồng ý của người có hình ảnh, là xâm phạm đến quyền cá nhân đối với hình ảnh và được pháp luật bảo vệ tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015. Đồng thời, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, người có hình ảnh bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người xâm phạm hình ảnh cá nhân của mình phải thu hồi, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Khổng Tử có câu " Nhân chi sơ , tính bản thiện" (人之初,性本善), bản chất con người ai cũng luôn hướng đến những điều tốt đẹp nhất. Vậy nên, hãy cùng nhau trân quý, ủng hộ và trợ giúp những người tốt. Hãy tạo điều kiện thuận lợi nhất để người ta giúp đỡ và chia sẻ cùng nhau, từ đó xã hội sẽ phát triển theo hướng nhân văn hơn.

Thay vì là những bình luận kiểu phán xét, kết tội một cách vội vàng, võ đoán, mong mọi người hãy tìm hiểu, suy xét khách quan và có trách nhiệm hơn với mỗi lời bình luận. Thay cho hành động vội vàng móc điện thoại ra livestream khi có biến, xin hãy xắn tay áo cùng nhau giúp người hoạn nạn. Những lượt view, những cú "like" rồi cũng sẽ phôi pha khi hết trend, nhưng điều tốt đẹp vẫn mãi ghi dấu trong tim mọi người.

Qua tìm hiểu được biết, nam tài xế trong clip bên trên là thiếu tá Nguyễn Ninh Dương, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội).

Vụ việc xảy ra khoảng 7 giờ ngày 2/10, khi anh Dương đang trên đường đi làm. Trong lúc lái xe tới gần khu vực ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi thì anh phát hiện một phụ nữ bị tai nạn, đang nằm trên vỉa hè, máu chảy nhiều nhưng chưa có xe cấp cứu đến. Ngay sau đó, thiếu tá Nguyễn Ninh Dương đã sử dụng ô tô của mình để đưa người phụ nữ đi cấp cứu tại Bệnh viện Hồng Ngọc.

Nối

Khác

Xem tiếp đi