''Hồi sinh'' làn điệu trống quân

Hà Nội Mới 05/12/2022 20:50:05

(HNM) - Hát trống quân ở xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) có từ thuở nào không ai rõ, chỉ nghe các cụ cao niên kể rằng, vào những đêm trăng sáng, người Hát Môn thường xuyên hát và đi xem hát, thôn xóm náo nức, rộn ràng. Rồi chiến tranh và những đổi thay trong đời sống, tiếng hát trống quân ngày một vơi dần... Giờ đây, những người yêu thích trống quân ở Hát Môn tìm về quá khứ, sưu tầm, khôi phục các bài hát xưa để bảo tồn, “hồi sinh” nét đẹp văn hóa đặc sắc của quê hương.

''Hồi sinh'' làn điệu trống quân-1

Trình diễn hát trống quân tại xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) nhân dịp huyện Phúc Thọ kỷ niệm 200 năm ngày thành lập, tháng 8-2022.

Ký ức về những đêm hát

Những ngày cuối tiết thu, chúng tôi đến xã Hát Môn trùng vào dịp các thành viên Câu lạc bộ Hát trống quân và dân ca nhạc cổ truyền của xã đang miệt mài luyện tập để tham gia biểu diễn nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11). “Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng tham gia các chương trình nghệ thuật truyền thống của thành phố với những tiết mục đặc sắc mang âm hưởng quê hương”, ông Trần Viết Hỗ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nói.

Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Trần Viết Hỗ vẫn rất hoạt bát, là “hạt nhân” của Câu lạc bộ Hát trống quân và dân ca nhạc cổ truyền xã Hát Môn. Với ông, hát trống quân là nét đẹp riêng có của Hát Môn. "Trước đây, vào những tối mùa hè sáng trăng, khi bữa cơm gia đình đã xong, cánh con trai, con gái trong các xóm lại rủ nhau ra bờ ao, lũy tre đầu làng hát đến khi trăng lặn mới về. Ngày đó không có ti vi hay những phương tiện giải trí như bây giờ nên người đi hát và cả người xem hát đều rất đông", ông Trần Viết Hỗ kể trong hoài niệm.

Còn với bà Nguyễn Thị Chục, đêm hát trống quân là những nỗi nhớ nối dài trong ký ức: "Thời xưa khó khăn nên không có trống, hát ở đâu thì làm “trống đất” ở đó. Người ta đào hố dưới mặt đất, rộng - dài khoảng 20-25cm, sâu 20cm, trên đậy tấm ván gỗ mỏng rồi dùng sợi dây buộc vào cọc tre, kéo căng qua mặt trống đóng xuống đất, khi hát dùng thanh gỗ gõ lên làm nhịp".

Hát trống quân dễ đi vào lòng người bởi làn điệu uyển chuyển, tùy hứng, lên bổng xuống trầm. Lời hát đậm chất dân gian, chủ yếu từ ca dao, thường là hát ví hoặc sử dụng các tích trò truyền thống. Có nhiều cách hát như hát gọi, hát đáp, hát chào, hát mời, hát giao hẹn, hát ướm, hát thách...

"Cứ đằng trai hát một câu, đằng gái lại đối một câu “gù”, “gáy” nhau. Cái hay, cái khó của trống quân là lời hát dùng nhiều điển tích, đòi hỏi người hát phải học hỏi, tìm hiểu mới có thể bắt vần, đối đáp. Người hát phải vận nối được vần, do đó, đòi hỏi trí thông minh, linh hoạt của cả người hát và người cùng hội...”, ông Trần Viết Hỗ cho biết.

Phục dựng và trao truyền

Hát Môn giống như nhiều làng quê Đồng bằng Bắc Bộ khác, trải qua chiến tranh và những đổi thay trong đời sống xã hội, hát trống quân vì thế cũng mai một theo năm tháng. Giới trẻ gần như không còn ai biết đến lối hát giao duyên truyền thống này. Môi trường diễn xướng cũng bị thu hẹp dần, trong các lễ hội hay dịp lễ, Tết... hát trống quân không còn hiện hữu như một nét văn hóa truyền thống của làng quê.

Cơ hội phục dựng đã đến khi năm 2015, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa - Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức đoàn về địa phương khảo sát việc bảo tồn, khôi phục di sản hát trống quân và điệu hát này được xác định cần ưu tiên bảo vệ khẩn cấp.

Với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, những lớp học hát trống quân đã được tổ chức. May mắn là xã Hát Môn còn nhiều người cao tuổi từng hát trống quân năm xưa, giờ vẫn nhớ cách thức cùng lời hát. Một nhóm những người yêu thích hát trống quân được thành lập do ông Lương Mai Hồng phụ trách. Các nghệ nhân cao tuổi được mời tham gia, diễn lại trình tự cuộc hát, những bài hát cổ; người biết làm trống đất thì tìm vật liệu, khoét trống nguyên dạng như ngày xưa… Hát trống quân dần “hồi sinh”, với người Hát Môn, làn điệu dân ca cổ được lưu truyền và phát huy trong đời sống đương đại đã làm đẹp thêm văn hóa làng quê.

Tạo điều kiện tốt nhất bảo tồn điệu hát trống quân, năm 2022, xã Hát Môn chính thức thành lập Câu lạc bộ Hát trống quân và dân ca nhạc cổ truyền với 21 thành viên do ông Trần Viết Hỗ làm Chủ nhiệm, người lớn tuổi nhất 86 tuổi, người trẻ nhất 16 tuổi. Trong đó, nòng cốt là các cụ Lương Thị Yểng, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Đình Đạo, Lương Mai Hồng đều đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Sưu tầm, ghi chép lại lời những bài hát từ nghệ nhân cao tuổi, câu lạc bộ đã tập hợp được khoảng 60 bài hát trống quân in thành sách, lưu truyền rộng rãi. Các nghệ nhân còn nhiệt tình truyền lại cho lớp trẻ cách hát trống quân thông qua những buổi học ngoại khóa tại các nhà trường. Nghệ nhân là hạt nhân nòng cốt, là người thầy truyền bá di sản văn hóa phi vật thể cho cộng đồng dân cư.

Theo ông Trần Viết Hỗ, có một điều tuyệt vời là đến nay, người dân Hát Môn vẫn yêu thích các làn điệu trống quân. Điệu hát gợi lại không gian thanh bình của làng quê xưa, nay trở thành ký ức đẹp của nhiều người. Hát trống quân không khó truyền dạy, chỉ bảo vài lần là các bạn trẻ có thể hát theo nhưng là lối hát giao duyên nên phải có hai nhóm hát nam và nữ để đối đáp. Cái khó nữa là lời bài hát theo thể lục bát không chỉ cần gieo vần cho khéo mà còn phải ứng khẩu sao cho mộc mạc mà quyến rũ người nghe...

Chủ tịch UBND xã Hát Môn Nguyễn Đình Trường cho biết, xã tạo mọi điều kiện để Câu lạc bộ Hát trống quân và dân ca nhạc cổ truyền phục dựng, trao truyền điệu hát cho thế hệ sau. Hát Môn là đất văn hiến gắn với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đền Hát Môn đã được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài thành phố. Do vậy, hát trống quân cần trở thành một trong những sản phẩm du lịch của địa phương. Việc này không chỉ góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa quê hương mà còn quảng bá, lan tỏa đến du khách gần xa.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phúc Thọ Lê Tiến Hải cho hay, trên địa bàn huyện Phúc Thọ duy nhất có xã Hát Môn người dân còn lưu giữ được điệu hát trống quân. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống hiện tại, huyện đã hỗ trợ Câu lạc bộ Hát trống quân và dân ca nhạc cổ truyền xã Hát Môn tổ chức các lớp tập huấn, nhanh chóng ghi âm, thu hình kiến thức, kỹ năng trình diễn... của các nghệ nhân, từ đó có cơ sở phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống hiện tại và cho mai sau…

“Hồi sinh” nét đẹp văn hóa đặc sắc của quê hương trong đời sống đương đại, gắn di sản văn hóa với hoạt động du lịch, người dân Hát Môn đang tạo nên những giá trị mới trong đời sống thôn quê.

Nối

Khác

Xem tiếp đi