Hàng trăm triệu người cần hỗ trợ khẩn cấp

Đại Đoàn Kết 04/12/2022 18:03:09
Hàng trăm triệu người cần hỗ trợ khẩn cấp-1

339 triệu người trên thế giới cần được hỗ trợ khẩn cấp trong năm tới. Ảnh: The guardian.

Bấp bênh nguồn lực cứu trợ

Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo, số người cần cứu trợ nhân đạo vào năm 2022 đã tăng gần 1/4 trong năm qua, do khủng hoảng khí hậu, xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu lớn nhất trong lịch sử hiện đại đẩy hàng triệu người đến bờ vực.

Theo Báo cáo tổng quan về nhân đạo toàn cầu (GHO) của LHQ, hơn 100 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột và biến đổi khí hậu gây ra cuộc khủng hoảng di cư. Trong khi đó, 9 tháng xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu lương thực và khoảng 45 triệu người ở 37 quốc gia hiện đang phải đối mặt với nạn đói.

Ông Martin Griffiths - Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách vấn đề nhân đạo, đồng thời là điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ cho biết, sẽ có thêm 65 triệu người, nâng tổng số lên 339 triệu ở 68 quốc gia, phải chịu đựng hậu quả của các hiện tượng cực đoan trong năm 2022 và sẽ cần được hỗ trợ khẩn cấp trong năm tới. Con số này tương đương hơn 4% dân số toàn cầu và bằng dân số của Mỹ. “Nhu cầu nhân đạo tăng cao một cách đáng kinh ngạc, vì các hiện tượng cực đoan trong năm nay sẽ kéo dài sang năm 2023” - ông Griffiths nói. Trước đó, hồi đầu năm nay, LHQ dự báo, năm 2022 sẽ có 274 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo, đây là con số cao nhất trong nhiều thập kỷ qua ở thời điểm đó.

Biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực đối với nhiều quốc gia như: Somalia, Afghanistan và Yemen. Đây là những quốc gia cũng đang phải vật lộn với tác động tàn khốc của các cuộc xung đột nội bộ của chính họ và nóng lên toàn cầu. Tại Pakistan, lũ lụt bất thường trên diện rộng đã được Tổng Thư ký LHQ António Guterres mô tả như một “cơn gió mùa bất thường”.

LHQ và các cơ quan đối tác đang yêu cầu 51,5 tỷ USD từ các nhà tài trợ để đáp ứng cho nỗ lực cứu trợ, đây là một con số kỷ lục và tăng 25% so với đầu năm 2022. “Đối với những người đang trên bờ vực, lời kêu gọi này là cứu cánh. Đối với cộng đồng quốc tế, đây là một chiến lược nhằm thực hiện cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau” – ông Griffiths cho biết.

Tuy nhiên, nguồn lực của các nhà tài trợ đã bị căng thẳng bởi nhiều cuộc khủng hoảng. LHQ phải đối mặt với lỗ hổng tài trợ lớn nhất từ trước đến nay, với các cáo buộc chỉ được tài trợ khoảng 53% vào năm 2022 (dựa trên dữ liệu đến giữa tháng 11). “Do đó, các tổ chức nhân đạo buộc phải quyết định nhắm mục tiêu cụ thể với số tiền có sẵn” - một tuyên bố của LHQ cho biết.

Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (WFP) hôm 1/12 đã thông báo cắt giảm viện trợ lương thực cho Sudan do thiếu kinh phí. Thông cáo báo chí của WFP cho biết, việc giảm viện trợ sẽ ảnh hưởng đến việc điều trị cứu người và làm tăng nguy cơ tử vong đối với 50% trong tổng số 1,7 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

WFP cho biết, chương trình đang cần gần 7 triệu USD để duy trì hoạt động bình thường cho đến cuối năm nay. Việc thiếu kinh phí cũng đã buộc họ chỉ cung cấp dịch vụ cho khoảng 6% học sinh Sudan được đưa vào chương trình cung cấp thực phẩm tại trường học. Trước đó hồi tháng 6 năm nay, WFP đã cảnh báo rằng, 15 triệu người ở Sudan, tương đương 1/3 dân số nước này, đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng.

Nhu cầu tăng cao

Phát biểu hôm 1/12, ông Griffiths cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, năm 2023 sẽ tiếp tục duy trì những xu hướng bất lợi, đặc biệt là trong khủng hoảng khí hậu. Ông nói thêm, “con số 339 triệu người - hay cứ 23 người thì có 1 người - là một con số phi thường và đáng buồn”.

Những người dự kiến cần được hỗ trợ trải rộng trên 68 quốc gia, nhưng tại 10 quốc gia trong số đó, nơi LHQ đã công bố các kế hoạch cứu trợ nhân đạo trị giá hơn 1 tỷ USD, nhu cầu đặc biệt cao. Các quốc gia bao gồm: Afghanistan, Syria, Yemen, Ukraine, Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo và Somalia, đều đang mấp mé bên bờ vực nạn đói.

LHQ và các đối tác mong muốn có thể tiếp cận được 230 triệu người có nhu cầu, với hy vọng rằng các tổ chức khác và các nhà tài trợ song phương sẽ chi trả cho 109 triệu người còn lại. Nhưng kinh phí là mối quan tâm chính: các nỗ lực cứu trợ nhân đạo năm nay chỉ nhận được 44% nguồn lực cần thiết.

Ông Griffiths cho rằng, đây không phải là lỗi của các nhà tài trợ bởi hầu hết họ vẫn tương đối hào phóng và đã duy trì mức chi tiêu viện trợ. Theo ông Griffiths, vấn đề là nhu cầu đã tăng lên rất nhiều khi quy mô toàn diện của các cuộc khủng hoảng khiến một tỷ lệ lớn dân số thế giới phải đối mặt với khó khăn.

“Sự hào phóng của một vài quốc gia thành viên - và nên có nhiều hơn nữa - đang được duy trì. Thiếu hụt là do nhu cầu tăng cao, không phải do kinh phí. Nhu cầu đang tăng lên vì chúng ta đã bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Ukraine, bởi đại dịch Covid-19 và bởi biến đổi khí hậu. Tôi e rằng, năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của tất cả các xu hướng đó” – ông Griffiths phân tích và bày tỏ sự lo lắng.

Trên thực tế, trong năm 2022, các nhà tài trợ nhân đạo đã hoạt động khá nỗ lực. Ngay từ tháng 2, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã tuyên bố chi 20 triệu USD từ Quỹ Cứu trợ khẩn cấp của LHQ cho hoạt động cứu trợ Ukraine.

Các quốc gia như: Mỹ, Anh, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina... đều lần lượt viện trợ nhân đạo bằng nhiều hình thức cho các nước vướng phải các vấn đề như khủng hoảng di cư, lũ hụt, xung đột, dịch bệnh...

Trong Báo cáo tổng quan về nhân đạo toàn cầu năm 2022, LHQ cảnh báo, ít nhất 222 triệu người ở 53 quốc gia sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng vào cuối năm nay và 45 triệu người ở 37 quốc gia có nguy cơ chết đói. Cơ sở hạ tầng y tế công cộng đang chịu áp lực do mối đe dọa liên tục từ Covid-19 cũng như sự bùng phát trở lại của dịch tả và các dịch bệnh khác.

Nối

Khác

Xem tiếp đi