GS. Huỳnh Văn Sơn: Người dạy học phải là một 'đạo diễn' tài ba...

Thế Giới & Việt Nam 01/12/2022 21:43:13
GS. Huỳnh Văn Sơn: Người dạy học phải là một 'đạo diễn' tài ba...-1

GS. Huỳnh Văn Sơn cho rằng, người dạy học phải là một đạo diễn tài ba. (Ảnh: NVCC)

Vị thế nhà giáo luôn được thừa nhận và tôn trọng

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, vị thế nhà giáo đang bị tác động rất lớn, với rất nhiều áp lực và hệ lụy. Ông đánh giá nào về tầm quan trọng của người thầy trong đổi mới giáo dục ?

Những minh chứng cho thấy các biểu hiện của lối sống thực dụng ngày càng lan truyền nhanh trong đời sống xã hội, nhất là giới trẻ trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Những hiện tượng về tính bạo lực, tính giả dối khiến con người ngày càng mất niềm tin vào nhau.

Như một phản ứng tự vệ mang tính tất yếu, cá nhân có sự chuyển đổi thu mình, bảo vệ bản thân bằng những quan điểm trái ngược nhằm giảm tối đa nhất sự tổn thương về mặt tâm lý.

Những giá trị về lòng nhân ái, tính vị tha được ông cha ta dạy, lưu truyền thì giờ đây giới trẻ sợ bị lợi dụng nếu áp dụng triệt để những giá trị ấy. Chính vì vậy, họ phân vân trước những quyết định mang tính nhân văn. Cũng từ đây, vị thế nhà giáo đang bị tác động rất lớn, với rất nhiều áp lực và hệ lụy.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần giả định: Nếu không có người thầy điều gì sẽ xảy ra? Nếu không có những người thầy bao dung và tận tụy, điều gì sẽ xuất hiện? Nếu không có những người thầy tâm huyết và thông tuệ, học sinh sẽ thế nào?

Nói vậy để thấy chúng ta rất cần người thầy, nhất là người thầy giỏi, người thầy hiện đại, hết mình với học trò, làm chủ tri thức, công nghệ, sử dụng và khai thác các phương pháp, kỹ thuật dạy học một cách hiệu quả. Đó là người thầy biết đánh giá công bằng, động viên một cách tích cực và truyền lửa cho người học sống tích cực, học tập hiệu quả.

Làm thế nào để xác lập lại cũng như nâng cao vị thế nhà giáo trong bối cảnh hiện nay, theo ông?

Thứ nhất, với suy nghĩ cá nhân, vị thế nhà giáo trong bối cảnh hiện nay vẫn rất chắc chắn và được ghi nhận, thừa nhận và tôn trọng. Bởi lẽ, chúng ta không vì một số trường hợp biểu hiện của một số nhà giáo hay những người xưng danh thầy cô giáo để quên đi những hình ảnh thầy cô giáo hết lòng, hết sức vì nghề nghiệp.

Chúng ta không vì nhìn mảng màu xám để "tô đen" tất cả, nhất là những tấm gương đáng quý về sự hy sinh, tận tụy và không bỏ cuộc dù nghề giáo có khó khăn và thách thức đi chăng nữa.

Thứ hai , trong bối cảnh có nhiều người theo nghề giáo dù đủ hay chưa đủ chuẩn, hay một số người “có biểu hiện có vấn đề” trong nghề giáo để thấy trách nhiệm của nghề.

Không có cách nào khác hơn là phải nghiêm túc đến với nghề và rèn luyện bản thân một cách kỹ lưỡng trong nghề; không dễ dãi với bản thân và bảo vệ cộng đồng nhà giáo.

Ngoài ra, đó còn là cách sống, cách làm việc, cách ứng xử sao cho công bằng, tôn trọng, thân thiện, có chừng mực, nhất là sống trọn vẹn với từng bài giảng, từng hoạt động giáo dục và tương thích với cộng đồng, nỗ lực đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội.

Có thể nghề giáo gặp khó khăn, giáo viên gặp nhiều thách thức nhưng nếu chúng ta quyết tâm với nghề, chủ động trong nghề nghiệp và cùng nhau làm nghề một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp trong bối cảnh mới thì vị thế nhà giáo sẽ ngày càng nâng cao hơn nữa.

Giáo dục lấy học trò làm trung tâm là thích ứng với tiến bộ xã hội

Trước sự tiến bộ không ngừng của xã hội, việc giáo dục lấy học trò làm trung tâm có thể nâng cao được chất lượng giáo dục hay không?

Xu hướng giáo dục lấy học trò làm trung tâm đã minh chứng rất rõ hiệu quả trong dạy học và giáo dục. Chính điều này cũng định hướng nhiều hơn về tiềm lực, khả năng, sự nỗ lực và trách nhiệm của bản thân người học.

Có thể nói, giáo dục lấy học trò làm trung tâm chính là sự thích ứng với tiến bộ xã hội, là biểu hiện cho tính nhân văn trong giáo dục. Đồng thời, giáo dục lấy học trò làm trung tâm còn là cách chúng ta đảm bảo chất lượng.

Theo tôi, cần điều chỉnh đòi hỏi, yêu cầu hay kỳ vọng của người thân, giáo viên về người học, về chất lượng học tập. Quan trọng là người học tự nhận thức được học cho chính mình, tự thân mình cố gắng, biết tự đánh giá về mình và nhất là hiểu hành trình hoàn thiện của bản thân.

Nếu xác lập được các cơ sở này, việc giáo dục lấy học trò làm trung tâm sẽ được đảm bảo dù xã hội có phát triển hơn nữa. Khi ấy, yếu tố chất lượng không phải là điều xa vời bởi do chính người học thật, nỗ lực thật, cố gắng thật sẽ tạo ra chất lượng thật.

GS. Huỳnh Văn Sơn: Người dạy học phải là một 'đạo diễn' tài ba...-2

Giáo dục lấy học trò làm trung tâm chính là sự thích ứng với tiến bộ xã hội, là biểu hiện cho tính nhân văn trong giáo dục. (Ảnh: Nguyễn Yến)

Trong xu thế đổi mới giáo dục, xã hội đòi hỏi người thầy phải thay đổi phương pháp dạy thế nào để không bị lỗi thời và có thể bắt kịp xu thế?

Thực tế cho thấy, không có phương pháp dạy nào bị lỗi thời hay không thể bắt kịp xu thế, chỉ có phương pháp dạy học thiếu khả thi với bối cảnh và với người học. Vì thế, người dạy phải là đạo diễn tài ba để lựa chọn tất cả những công cụ sở hữu, qua đó để có thể tương tác với người học một cách tích cực thông qua kịch bản sư phạm.

Nếu xác định lấy học trò làm trung tâm, người thầy cần tìm hiểu học trò một cách kỹ lưỡng, đánh giá tiềm lực của các em. Đồng thời, phải tự đánh giá về hiệu quả tương tác từ đó có thể xây dựng kế hoạch dạy học một cách hiệu quả.

Ở đây, việc lấy học trò làm trung tâm làm cho người dạy trở nên làm chủ hoạt động sư phạm. Từ đó, có thể phác thảo một cách thức tác động hay một kịch bản sư phạm hiệu quả. Nói cách khác, không xem phương pháp dạy học theo thời thế hay cố sử dụng các phương pháp dạy học màu sắc, hiện đại mà quên đi tính khả thi, sự phù hợp.

Công cụ lõi vẫn là kế hoạch bài dạy hay kịch bản sư phạm để khai thác người học là trung tâm và người dạy là người tương tác, người tổ chức. Từ đó, chúng ta mới có thể làm chủ mọi thứ và hướng đến kết quả giáo dục như kỳ vọng.

Cần chương trình hành động về định hướng giá trị cho giới trẻ

Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc "dạy người" hiện nay?

Đây là một câu hỏi rất đắt. Một số cá nhân dễ dàng chấp nhận những hành vi không phù hợp với chuẩn mực xã hội hơn và đôi khi xem đó là trào lưu của xã hội hiện đại. Hay một vài bạn trẻ sẵn sàng nói sai sự thật về cá nhân khác hay đánh đổi sự nổi tiếng, sự giàu có cho riêng mình...

Tất cả đều cho thấy, những lát cắt có vệt đen của thực tế liên quan đến dạy làm người, hay dạy người. Người ta có thể giàu có nhưng chưa hẳn sang trọng. Người ta có thể có trình độ học vấn cao nhưng vấn đề văn hóa và giá trị văn hóa lõi được lựa chọn chưa hẳn phù hợp. Chính sự đảo lộn giá trị xét nhiều "chiều kích" đều đáng lo lắng, đòi hỏi chúng ta phải hết lòng và hết sức giáo dục làm người.

Chính vì vậy, việc xây dựng lối sống văn minh từ những việc như xếp hàng nơi công cộng, nhường chỗ trên xe buýt, nói lời xin lỗi - cảm ơn, bảo vệ cây xanh, không xả rác bừa bãi ngày càng trở nên quan trọng.

Cần nói một cách công bằng rằng, dạy người là một nhiệm vụ mang tính đặc thù không chỉ của ngành giáo dục mà còn của cả gia đình, các tổ chức xã hội và các bên có liên quan.

Rõ ràng, cần có các chương trình hành động kịp thời, mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ về định hướng giá trị cho giới trẻ liên quan đến dạy người. Có như thế, người làm nghề cũng cảm thấy mình đã làm hết lòng, hết sức.

Thách thức cần quan tâm đó chính là màu sắc của việc dạy người, hơi thở thời đại cần được "phả" vào nhiệm vụ này để người học cảm thấy cuộc sống đích thực vẫn đang diễn ra. Mỗi người cần thay đổi và hoàn thiện bản thân để thích ứng và phát triển thay vì phải làm theo một chuẩn mực nào đó xa vời hay một yêu cầu đầy thách thức.

Xin cảm ơn ông!

Nối

Khác

Xem tiếp đi