Gò Công - Bí ẩn Làng thành phố đầu tiên của lục tỉnh - Kỳ 2: Chuyện lạ nữ hào phú đất Gò Công

Tuổi Trẻ 02/10/2022 21:08:15

TTO - Gò Công là đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng giàu có với những tên tuổi như ông Phủ Khiêm, Huyện Đậu, Huyện Hiếu, Hội đồng Hạc, Đốc phủ Hải...

  • Gò Công - Bí ẩn Làng thành phố đầu tiên của lục tỉnh - Kỳ 1: Tìm lại dấu xưa Làng thành phố
  • Thắng cố Bắc Hà, cơm trái dừa, bánh giá Gò Công… vào top 100 món ăn đặc sản Việt Nam
  • 'Con đường siro' Gò Công đỏ mọng đến không chịu nổi

Gò Công - Bí ẩn Làng thành phố đầu tiên của lục tỉnh - Kỳ 2: Chuyện lạ nữ hào phú đất Gò Công-1

Chợ Gò Công xưa, nơi bà Tư Nói khởi nghiệp từ nghề bán trầu cau - Ảnh tư liệu

Nhưng các đại gia này đều chịu lép vế trước hai nữ hào phú được cho là chiếm vị trí giàu nhất nhì xứ Gò Công.

Từ cô bán trầu cau đến nữ đại gia

Đường Nguyễn Huệ, con phố ở trung tâm thị xã Gò Công, xưa trầm mặc an bình, nay buôn bán ồn ào náo nhiệt. Trên con đường này có một ngôi nhà cổ rất đẹp, kiến trúc cầu kỳ pha trộn phong cách Việt - Hoa - Pháp. Nhà có ba căn hai chái, nền cao ngang ngực người lớn, cẩn đá da quy (giống màu mai rùa), mái lợp ngói lưu ly tráng men vàng và men lục.

Tôi hỏi thăm nhà ai mà đẹp quá, mọi người cười xòa, nói: "Trời ơi, nhà bà Tư Nói mà cũng không biết". Bà Tư Nói, tên khai sinh Lâm Tố Liên, là người phụ nữ giỏi buôn bán để trở thành người giàu thứ nhì đất Gò Công trong những thập niên cuối thế kỷ 19.

Theo lời kể của những người lớn tuổi, nhà bà Tư Nói do một ông thầu khoán tên là ông Tư Bảy cất. Để có được ngói lưu ly lợp nhà, thầu khoán Tư Bảy phải đặt mua tận xứ gạch gốm Lái Thiêu. Ngói lưu ly là ngói móc, người ta hay gọi là ngói vảy cá hoặc vảy rồng được tráng men bóng lộn, cùng loại với ngói lợp miễu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc (An Giang), khi nắng chiếu vào miếng ngói ánh lên những màu vàng, xanh lấp lánh.

Không ai biết cụ thể khi xây dựng xong ngôi nhà cực đẹp thời đó bà Tư Nói tốn bao nhiêu tiền. Nhưng điều làm mọi người kinh ngạc là sau khi cất nhà rất đẹp mà không hiểu sao bà Tư Nói lại không vào ở. Quanh năm suốt tháng, bà chỉ thích sống ở căn tiệm bán tơ lụa ngoài phố chợ Gò Công. Ngôi nhà nguy nga tráng lệ đẹp nhất nhì Gò Công lúc đó, bà Tư Nói dành cho gia đình em gái ruột cư trú. Anh Minh, cán bộ văn hóa thị xã Gò Công, cho biết sau năm 1975 nhà này được sử dụng làm trụ sở cơ quan và hiện là Nhà truyền thống thị xã.

Giai thoại xứ Gò Công kể bà Tư Nói xưa xuất thân bàn tay trắng, khởi nghiệp bán trầu cau tại góc chợ Gò Công. Mua bán trầu cau vài năm, bà Tư Nói dành dụm tiền mua được mẫu ruộng. Nhờ mua may bán đắt, lại có huê lợi mẫu ruộng, nên từ từ bà mua thêm nhiều ruộng. Trở thành điền chủ, bà bỏ nghề bán trầu cau, mở tiệm bán tơ lụa cao cấp.

Tiệm của bà bán đủ thứ lãnh: lãnh Bưởi ngoài Bắc, lãnh Nam Vang, lãnh Tân Châu (An Giang), lãnh Thượng Hải (lãnh trơn, lãnh bông). Ngoài ra, bà còn bán những hàng lụa sản xuất trong nước như lụa Hà Đông ở ngoài Bắc, lụa Duy Xuyên ở Quảng Nam, the La Cai, the và xuyến đất Diên Khánh, hàng cẩm ở Châu Đốc, lụa Tân Châu, cùng các loại cẩm nhung, cẩm vân, cẩm tự, cẩm trước, cẩm cuốn, cẩm quệt, cẩm kim...

Những câu chuyện truyền khẩu ở Gò Công kể rằng lúc qua tuổi 50, bà Tư Nói có lợi tức 400 mẫu ruộng tốt và mấy chục căn nhà phố ở chợ Gò Công, giàu thứ nhì xứ này, giàu hơn những ông bá hộ Gò Công lúc đó như: ông Phủ Huỳnh Đình Khiêm (Phủ Hàm) ở Đồng Sơn, ông Cai tổng kiêm Hội đồng Nguyễn Văn Hạc, ông Huyện Quái, ông Phủ Hải, ông Hội đồng Đinh Nhựt Chu...

Hằng năm vào mùa gặt lúa từ giữa tháng chạp tới giữa tháng giêng, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe bò loại lớn của nông dân, tá điền chở lúa tới các lẫm lúa (vựa) của bà Tư Nói ...

Gò Công - Bí ẩn Làng thành phố đầu tiên của lục tỉnh - Kỳ 2: Chuyện lạ nữ hào phú đất Gò Công-2

Nhà bà Trần Thị Sanh, nay là di tích nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải - Ảnh: HÙNG ANH

Chuyện bà Hầu Trần Thị Sanh

Nhưng người phụ nữ giàu nhất xứ Gò Công là bà Trần Thị Sanh, tục gọi "bà Hầu", người làng Thuận Tắc. Dân gian Gò Công đến nay còn lưu truyền câu:"Gò Công bốn tổng đông giàu, mà riêng có một bà Hầu giàu to".

Bà Trần Thị Sanh (1820-1882) là người buôn bán ở chợ Gò Công, có rất nhiều ruộng đất, chồng là bá hộ Dương Tấn Bổn và con gái là Dương Thị Hương. Bà Sanh là con gái thứ sáu của bá hộ Trần Văn Đổ và bà Phạm Thị Phụng (1782-1875). Bà Phụng là em gái Quốc công đại thần Phạm Đăng Hưng, thân sinh của bà Phạm Thị Hằng (tức Thái hoàng thái hậu Từ Dụ, thân mẫu vua Tự Đức). Như vậy bà Sanh là em con cô cậu ruột với Đức bà Từ Dụ.

Năm 19 tuổi, bà Sanh được cha mẹ cho thành hôn với bá hộ Dương Tấn Bổn. Vợ chồng được hưởng của hồi môn từ hai gia đình, lại thuộc hàng "ngoại thích" của Hoàng gia nhà Nguyễn nên rất có thế lực. Sinh thời, gia đình bà Sanh chuyên kinh doanh buôn bán lúa gạo, khai khẩn ruộng đất, giao thương với các nước trong vùng, nổi tiếng giàu nhất xứ Gò Công.

Sự giàu có của bà Sanh lúc sinh thời như thế nào, đến nay không có ghi chép cụ thể. Nhưng theo những câu chuyện được lưu truyền, sau khi bà Hầu Sanh qua đời, ngày 8-2-1894 tại Gò Công, con gái bà là bà Dương Thị Hương có làm tờ tương phân, chia của cải cho các con bà Hương (là cháu ngoại bà Sanh).

Tờ phân chia tài sản ghi rõ: Huỳnh Thị Nữ (con gái lớn) gồm một tòa nhà và vật dụng ước giá 4.000 đồng, 29 căn phố ngói, mỗi căn giá 30 đồng, 237 mẫu ruộng, mỗi mẫu ước giá 30 đồng. Huỳnh Đình Hạo (trưởng nam): 15 căn phố ngói, mỗi căn ước giá 30 đồng, 138 mẫu ruộng, mỗi mẫu ước giá 30 đồng, vật dụng khác ước giá 80 đồng.

Huỳnh Đình Ngân (thứ nam): một tòa nhà và vật dụng ước giá 4.000 đồng, 15 căn phố ngói, ước giá mỗi căn 30 đồng, 241 mẫu ruộng, mỗi mẫu ước giá 30 đồng. Huỳnh Thị Ngửi (thứ nữ): 24 căn phố ngói, mỗi căn ước giá 30 đồng, 243 mẫu ruộng, mỗi mẫu ước giá 30 đồng, vật dụng khác ước giá 600 đồng. Huỳnh Thị Điệu (thứ nữ): một tòa nhà ước giá 4.000 đồng, 246 mẫu ruộng, ước giá mỗi mẫu 30 đồng.

Đơn vị tiền đồng trong tờ tương phân tài sản này là đồng bạc Đông Dương. Lúc đó, một đồng bạc Đông Dương có giá trị tương đương 500-600 đồng tiền Việt. Như vậy đủ thấy khối tài sản và sự giàu có của bà Sanh đều ăn đứt những hào phú khác.

Tháng 3-1874, chính bà Sanh viết đơn gửi Chánh Tham biện Hạt Gò Công, xin làm lại ngôi mộ cho anh hùng nghĩa quân Trương Định.

Nguyên văn tờ đơn của bà Sanh như sau: "Tân Hòa huyện, Hòa Lạc hạ tổng, Thuận Ngãi thôn. Trần Thị Sanh. Cúi đầu lạy quan lớn cho phép tôi làm cái mả lại cho ông Quản Định. Năm Kỷ Dậu (tức là năm 1859) tôi có làm vợ nhỏ ổng hai năm. Bây giờ vợ lớn ổng trốn biệt, con cái chết hết, mấy năm nay tôi cũng sợ phép Nhà nước không biết phải làm sao. Bây giờ tôi liều mình tới nói với ông, xin ông giúp cho tôi. Trần Thị Sanh. Điểm chỉ. Le 2 mars 1874".

Sau khi bà Sanh làm đơn, Chánh Tham biện Gò Công Esmile Pirech gửi văn bản lên cấp trên tại Sài Gòn và đơn của bà được chấp thuận.

Việc bà Sanh tự nhận làm "vợ nhỏ" của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định năm 1859 là chuyện "động trời" trong xã hội phong kiến, đặc biệt là đối với người có thế lực, danh gia vọng tộc, giàu có nổi tiếng như bà. Chưa rõ sự thật đúng như thế hay bà mến trọng bậc anh hùng mà tự nhận "vợ nhỏ" để được phép xây cất mồ mả cho ông?

Ngày nay, dấu tích còn lại của bà Hầu Sanh là ngôi dinh thự cổ giữa trung tâm thị xã Gò Công (nhà Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải, cháu rể bà Hầu Sanh, đường Hai Bà Trưng, phường 1, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia) và một ngôi mộ rất lớn ở khu phố 2, phường 5 thị xã cổ kính này ...

_____________________________________

Kỳ tới:

Quê hương hai

hoàng hậu tài đức

Người dân Gò Công (Khổng tước nguyên) vẫn tự hào xứ này không chỉ giàu có, mà đặc biệt còn là nơi xuất thân hai bà hoàng hậu danh tiếng tài đức vẹn toàn của triều Nguyễn.

HÙNG ANH

Nối

Khác

Xem tiếp đi