Giảm tải cho nội đô

Đại Đoàn Kết 25/11/2022 16:09:45

Được biết, Hà Nội đã bố trí quỹ đất tập trung tại khu vực tây Hồ Tây, quận Tây Hồ (khoảng 20ha) và Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (khoảng 55ha) để phục vụ việc di dời các bộ, ngành. Trong số 9 bộ, ngành đã di dời, hiện 7 cơ quan vẫn tiếp tục giữ lại trụ sở cũ. Tương tự, với các bệnh viện cần di dời, Hà Nội đã giới thiệu quỹ đất nhưng đến nay mới chỉ có Đại học Y tế công cộng là đơn vị duy nhất thực hiện di dời, nhưng khu đất sau khi di dời lại được chuyển đổi xây dựng tổ hợp nhà ở cao tầng (trên phố Giảng Võ, quận Ba Đình).

Đối với công tác di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, Hà Nội đã tổ chức phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời và hiện thành phố đang xem xét 21 dự án thuộc diện di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành, với diện tích hơn 140.000 m2.

Nhưng đáng chú ý, nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng đã lập tức “mọc lên” trên nền đất “vàng” sau khi di dời. Trong đó có thể kể đến đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) dài khoảng 1 km và chiều ngang chỉ bằng 2 xe ô tô tránh nhau nhưng đang tồn tại khoảng 20 tòa nhà chung cư, văn phòng cao tầng. Đây là đất vốn thuộc về Nhà máy xe đạp Thống Nhất, đã di dời. Ngay gần đó, tại số 90 Nguyễn Tuân, một dự án gồm 87 nhà thấp tầng và 2 tòa nhà cao 29 tầng nổi đã được xây dựng. Khu đất 3,7ha này trước đây do một Xí nghiệp xe buýt thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội quản lý, sử dụng. Cũng trên trục đường này còn có nhiều dự án lớn như Imperia Garden (hơn 1.600 căn hộ), Việt Đức Complex (700 căn hộ), Thống Nhất Complex (552 căn hộ), The Legend (460 căn hộ)... cũng nhanh chóng mọc lên.

Cũng có thể kể thêm tại quận Cầu Giấy, khu đất Nhà máy bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên) rộng khoảng 2,6ha sau khi chuyển đến huyện Quốc Oai thì đã chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm dự án tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại, văn phòng Tràng An Complex. Dự án gồm 2 tòa chung cư cao 23 - 29 tầng, 1 tòa thương mại 14 tầng, 11 căn Villa, 20 căn liền kề và khu trường học rộng 3.376 m2. Còn với Nhà máy Cơ khí 120 (609 Trương Định, quận Hoàng Mai) sau khi di dời đã thành tòa nhà Nam Đô Complex với 2 tòa chung cư 25 - 28 tầng và 1 tòa nhà hỗn hợp 14 tầng...

Những tòa nhà cao tầng đó đã từng bước thay đổi diện mạo Thủ đô, tuy nhiên cũng đang tạo ra gánh nặng cho cơ sở hạ tầng, do số người đông lên nhanh chóng nên giao thông ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Nhiều tuyến đường đang bị "bóp nghẹt" bởi hàng loạt chung cư.

Đó là lỗi từ quy hoạch, trong khi mục đích của di dời nhiều cơ sở ra khỏi nội thành để giảm tải, thì ngược lại, càng chật chội hơn. Nói như ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thì mỗi sáng 2,2 triệu học sinh ra đường, trong đó khoảng 5% đi xe chung, còn lại 95% bố mẹ đưa đón bằng ô tô hay xe máy, đã gây áp lực lên hạ tầng kinh tế xã hội thành phố.

Những tưởng di dời một số cơ quan, xí nghiệp ra khỏi nội đô, trung tâm Hà Nội sẽ thoáng hơn nhưng thực tế lại còn đông đúc hơn. Lý do chính là sau khi những cơ sở kia dời đi thì các chung cư thương mại cao tầng đã lập tức “trám” vào.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chiều ngày 3/11 (kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV), trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng cho biết, Quyết định 130 của Chính phủ đã xác định rõ nguyên tắc sử dụng quỹ đất của các trụ sở sau khi di dời. Trong đó ưu tiên phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị; đảm bảo cân bằng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; không được sử dụng xây chung cư cao tầng sai quy hoạch.

Như vậy, dù đã có quy định rất rõ ràng, nhưng việc chấp hành lại rất yếu.

Với Hà Nội, điều đó được coi như “việc đã rồi”. Đáng nói hơn là sắp tới Hà Nội còn tiếp tục di dời nhiều trụ sở, cơ sở sản xuất nữa ra khỏi nội thành. Câu hỏi đặt ra là: Liệu sẽ tiếp tục lặp lại việc “đã rồi” hay không? Và nội đô có giảm tải được hay không?

Nối

Khác

Xem tiếp đi