Financial Times: Việt Nam là một trong 7 nền kinh tế nổi bật

Dân trí 29/09/2022 09:36:24

Trong bài viết với tiêu đề "7 kỳ quan kinh tế trong một thế giới đầy lo ngại" đăng trên Financial Times - tờ báo kinh tế nổi tiếng có trụ sở tại London (Anh) - mới đây, tác giả Ruchir Sharma, Chủ tịch kiêm CEO của Rockefeller International, cho rằng trong thời điểm nền kinh tế ảm đạm như hiện nay, khi các chuyên gia đều dự báo bi quan về hầu hết nền kinh tế trên thế giới thì vẫn có một số ít nền kinh tế đi ngược với xu hướng đó.

Trong một thế giới đang nghiêng về suy thoái và lạm phát cao có 7 nền kinh tế vẫn nổi bật đó là: Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia và Nhật Bản.

Financial Times: Việt Nam là một trong 7 nền kinh tế nổi bật-1

Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái và lạm phát cao như hiện nay, Việt Nam được đánh giá một trong 7 nền kinh tế nổi bật nhờ tăng trưởng nhanh và lạm phát thấp (Ảnh: Bloomberg).

7 nền kinh tế này đều có mức tăng trưởng tương đối mạnh và lạm phát ở mức vừa phải hoặc lợi nhuận từ thị trường chứng khoán vẫn tốt hơn so với các nước khác.

Tuy nhiên, tác giả cũng cảnh báo bất kỳ nền kinh tế nào trong số này cũng có thể chùn bước do những bất ổn về chính trị, sự thay đổi về chính sách hay sự tự mãn. Song 7 cái tên được nhắc vẫn nằm trong số những thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất trong năm nay. Theo tác giả, giữa những lo ngại có cơ sở về triển vọng kinh tế toàn cầu như hiện nay thì đây là những người chiến thắng mới.

Trong số đó, cái tên, theo người viết, ít ngạc nhiên nhất, là Việt Nam. Tác giả viết: "Nhờ đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ sản xuất xuất khẩu và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đang tăng trưởng ở mức gần 7%, mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới".

Trong bài viết với tựa đề "Việt Nam vươn lên dẫn đầu tăng trưởng châu Á khi Trung Quốc chậm lại", tờ Nikkei Asian dẫn báo cáo cập nhật mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định Việt Nam được dự báo sẽ dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng 7,2% trong năm nay, tăng so với mức 5,3% hồi tháng 4.

Trong khi đó, triển vọng kinh tế của Indonesia vẫn không đổi ở mức 5,1%. WB cũng nâng dự báo tăng trưởng đối với Philippines, Malaysia và Thái Lan lên mức lần lượt 6,5%, 6,4% và 3,1% trong năm nay, tăng nhẹ so với mức dự báo 5,7%, 5,5% và 2,9% đưa ra hồi tháng 4.

Đối với tăng trưởng chung toàn khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (bao gồm cả Trung Quốc), WB cho rằng triển vọng tăng trưởng sẽ suy yếu hơn và hạ mức tăng trưởng từ 5% xuống 3,2% trong năm nay do kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo sẽ tăng ở mức 2,8% trong năm nay, giảm mạnh so với mức dự báo 5% hồi tháng 4.

Tương tự, WB, trong báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á song vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

ADB cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Do đó, cơ quan này giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay và năm 2023 ở mức 6,5% và 6,7% như báo cáo hồi tháng 4.

Với mức dự báo này, Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service ngày 6/9 cũng đã nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng từ Tích cực sang Ổn định. Moody's đánh giá nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đa dạng hóa xuất khẩu và khả năng tiếp tục thu hút dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo.

Việc nâng hạng cho thấy kinh tế Việt Nam đươc đánh giá là ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài tốt hơn so với các nước có cùng mức xếp hạng tín nhiệm. Ngoài ra, kết quả nâng hạng cũng phản ánh nền tảng tài khóa vững chắc được hỗ trợ bởi chi phí vay được kiểm soát ở mức hợp lý, điều hành chính sách tài khóa cẩn trọng và thanh khoản của danh mục nợ Chính phủ được cải thiện.

Theo đánh giá của Moody's, sức mạnh kinh tế của Việt Nam được củng cố bởi năng lực cạnh tranh ngày càng nâng cao và việc tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và khu vực đã khẳng định vị thế ngày càng mở rộng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nối

Khác

Xem tiếp đi