Dự án thủy lợi 4.400 tỉ đồng kéo dài 13 năm vẫn... chưa xong

Lao Động 29/11/2022 17:21:55
Dự án thủy lợi 4.400 tỉ đồng kéo dài 13 năm vẫn... chưa xong-1

Dự án hồ Krông Pách thượng. Ảnh: Phan Tuấn

Dự án kéo dài 13 năm, đối vốn  hơn 1.400 tỉ đồng

Năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư hồ chứa nước Krông Pách thượng. Dự án này gồm 2 công trình là hồ chứa nước Krông Pách thượng và hồ chứa nước Ea Rót.

Địa điểm xây dựng nằm trên hai huyện Ea Kar và Krông Pắk. Vùng giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến người dân sống ở khu vực các xã thuộc 3 huyện Ea Kar, M’Đrắk và Krông Bông. Tổng mức đầu tư của đại dự án thủy nông này vào thời điểm năm 2009 là gần 2.900 tỉ đồng với nhiệm vụ cấp nước tưới 14.900ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho gần 73.000 người, cắt giảm lũ cho vùng hạ du... Thời gian thực hiện dự án trong vòng 5 năm, tính từ ngày khởi công xây dựng.

Dự án do Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm Chủ đầu tư công trình đầu mối và hệ thống kênh. Riêng UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ làm nhiệm vụ quyết định chọn chủ đầu tư xử lý việc giải phóng mặt bằng, đền bù và di dân tái định cư.

Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, việc triển khai xây dựng dự án không được "thuận buồm xuôi gió". Cụ thể, 1 năm sau khi được phê duyệt, vào năm 2010, 2011 dự án được khởi động thi công các tuyến đường phụ trợ, nhà ở quản lý dự án… với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2011, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, một số hạng mục của dự án phải tạm dừng vì phải cắt giảm vốn đầu tư công.

Trao đổi về việc này, ông Lê Khắc Tuyến, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 cho hay, dự án bị tăng vốn là do nhiều các nguyên nhân như khối lượng giải phóng mặt bằng, số lượng di dân lớn, chế độ đền bù thay đổi. Do đó, muốn dự án triển khai thuận lợi thì chủ đầu tư và địa phương phải phối hợp sát sao để lập dự án sát với thực tế. Sau khi lập dự án thì thực hiện việc quản lý hiện trạng chặt chẽ.

Đối với dự án sau khi phê duyệt chủ trương phải trải qua nhiều bước mới tổ chức lựa chọn nhà thầu (đối với dự án nhóm A có khi mất đến 3 năm). Thậm chí, khi phê duyệt dự án lại chưa có vốn để bố trí triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng.

"Do vậy, đến khi thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng thi công dự án thì cây trồng của người dân đã lớn hơn, giá đất cũng đã tăng lên nhiều so với lúc phê duyệt" - đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk  khẳng định.

Dự án còn nhiều ngổn ngang

Hiện nay, dự án thủy lợi Krông Pách thượng được Chính phủ gia hạn đến hết năm 2023. Tuy nhiên, việc tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng và triển khai thi công đang còn nhiều ngổn ngang.

Đến nay, các cấp chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 742 hộ, diện tích 530ha với tổng số tiền hơn 570 tỉ đồng. Đã có 391 hộ nhận chi trả với số tiền 255 tỉ đồng nhưng chỉ 220 hộ di dời đến khu tái định cư. Trong khi đó, theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Đắk Lắk, đến 31.12.2022, phải hoàn thành di dời toàn bộ dân trong vùng lòng hồ. Huyện M'Drắk là trung tâm của dự án thủy lợi Krông Pách thượng.

Theo ông Nguyễn Đức Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện M’Drắk, hiện nay, toàn huyện còn khoảng 500 hộ dân chưa di dời được về khu tái định cư trong khi kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh phải hoàn thành trước ngày 31.12.2022. Việc cưỡng chế thu hồi đất, quan trọng nhất là để đảm bảo an toàn về con người, tài sản cho người dân trong vùng lòng hồ trong mùa mưa bão. Do đó, cuối tháng 10.2022, huyện M’Drắk đã ban hành quyết định tổ chức cưỡng chế 64 hộ ở dưới cao trình 483m của lòng hồ. Qua tuyên tuyền, vận động thuyết phục đã có 57/64 hộ tự nguyện chấp hành, còn lại 7 hộ UBND huyện M'Drắk đang tiếp tục vận động, nếu người dân không chấp hành thì cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế theo quy định.

Trao đổi về việc này, ông Võ Thành Toàn, Trưởng phòng đền bù, giải phóng mặt bằng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk - đại diện chủ đầu tư cho biết, các bên liên quan đang nỗ lực hoàn thiện khu tái định cư số 2.

Do một số vướng mắc nên các hạng mục như điện, đường, trường, trạm, nước trong tháng 11 và 12.2022 mới có thể hoàn thiện. Đối với khu tái định canh cấp cho bà con đất lúa và đất màu, khoảng 619ha dự kiến để có thể bàn giao cho bà con là từ nay đến 30.6.2023.

"Hiện nay, cụm công trình đầu mối đã thi công hoàn thành trên 90% khối lượng; hệ thống kênh đã thi công gần 80% khối lượng (đã bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công). Nếu địa phương bàn giao toàn bộ mặt bằng lòng hồ trước ngày 31.12.2022 thì việc thi công sẽ hoàn thành trong năm 2023" - Lê Khắc Tuyến, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 chia sẻ.

Nối

Khác

Xem tiếp đi