Đóng góp to lớn của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản trong công cuộc xây dựng đất nước

Báo tin tức 02/10/2022 13:49:15

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Khắc Thuân, Viện nghiên cứu  Hán Nôm cho biết, Đức Nhu Nguyễn Tư Giản vốn tên là Nguyễn Văn Phủ, tự Hy Bạch, Tuấn Thúc, hiệu Thạch Nông, sinh năm Quý Mùi (1823), mất năm Canh Dần (1890), thọ 67 tuổi. Ông là cháu nội của danh sĩ Nguyễn Án (Kiếm Hồ Ngư ăn), quê làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Nhờ xuất thân từ một gia đình khoa bảng nhiều đời, nên mới 21 tuổi, ông đã đậu Hoàng giáp khoa Giáp Thìn (1844). Ông bước vào sự nghiệp chính trị khi tình hình đất nước đang biến thiên phức tạp, thực dân Pháp xâm chiếm đất nước, nội bộ triều đình Tự Đức phân hóa, cuộc đời làm quan của ông nhiều thăng trầm, song ông vẫn giữ vững được bản lĩnh tốt đẹp. Ông còn là một tri thức lớn, sáng tác nhiều tác phẩm thơ ca; hầu hết các tác phẩm của ông vẫn bảo tồn, lưu giữa tại kho sách Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Hội thảo góp phần làm rõ hơn thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Tư Giản, trong đó xác - định nguồn gốc họ Nguyễn gốc Lý tại Du Lâm, dòng dõi dòng họ vương triều thời Lý và dòng tộc khoa bảng thời Lê Nguyễn; đồng thời khẳng định những đóng góp của Nguyễn Tư Giản với vương triều Nguyễn và đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, cũng như những đóng góp về văn chương Hán văn những năm cuối thế kỷ XIX của ông.

Bàn về đóng góp của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản đối với triều Nguyễn, nửa cuối thế kỷ XIX, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tường cho rằng, Nguyễn Tư Giản là người hoạt động khá đa diện, đa năng và đã để lại nhiều thành tựu to lớn đối với đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, giáo dục... Những đóng góp của ông với triều đình nhà Nguyễn là vô cùng to lớn, song do thời thế nên những công việc do ông đảm trách không tránh khỏi sai sót khiến ông không ít lần bị trách phạt. Nổi bật trong những đóng góp của Nguyễn Tư Giản là kế sách và biện pháp hộ đê, trị thủy để giảm thiểu thiệt hại do nạn thủy tặc thường xuyên đe dọa và gây ra với làng xã đồng bằng Bắc Bộ. Kế sách trị thủy của ông được lưu lại trong Phương lược trị thủy Nhị hà đến nay vẫn còn ý nghĩa, tuy nhiên khi đó lực bất tòng tâm, nên ông không thể làm tốt nhiệm vụ hộ đê của mình. Trong thời gian thực thi nhiệm vụ này, ông đã để lại tập thơ chuyên về việc trị thủy có tiêu đề là Quan hà tập gồm 35 bài thơ chữ Hán. Một trong các hoạt động và cống hiến quan trọng khác của Nguyễn Tư Giản là sự nghiệp sáng tác thơ văn.

Phân tích về “Sự nghiệp sáng tác thơ văn của Nguyễn Tư Giản”, Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Khắc Thuân cho biết, thơ của Nguyễn Tư Giản hoàn toàn được sáng tác bằng chữ Hán, chép rải rác ở nhiều tác phẩm khác nhau, nhưng thực tế số bài thơ này chép trùng nhau nhiều. Hầu hết tác phẩm của ông đều đã được sưu tập chép trong bộ Thạch Nông toàn tập, kí hiệu A.376/1-6 tại kho sách Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Bước đầu xác định được Thạch Nông thi tập đệ nhị 56 bài, Thạch Nông thi tập đệ thất 85 bài, Thạch Nông thi tập đệ bát 27 bài, Thạch Nông thi tập (Đông chinh tập) 18 bài, tổng cộng là 186 bài, cùng với tập thơ Yên Thiều sáng tác trong chuyến đi sứ nữa thì tổng cộng có khoảng 200 bài thơ chữ Hán. Ngoài ra, Nguyễn Tư Giản còn sáng tác tản văn như: biểu, trướng, thiếp mừng, văn tế, câu đối,.. được hình thành văn tập của ông. Thực tế, số bài thơ này được dịch còn khá khiêm tốn, cần thiết dịch chú, nghiên cứu văn bản tác phẩm và công bố bộ Nguyễn Tư Giản toàn tập, góp phần tri ân tiền nhân.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng tập trung làm rõ một số vấn đề liên quan đến đóng góp của Nguyễn Tư Giản với cương vị một vị trọng quan triều đình nhà Nguyễn và là một tác giả Hán Nôm thế kỷ XIX.

Nối

Khác

Xem tiếp đi