Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi bám biển

Lao Động 03/02/2023 19:25:43
Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi bám biển-1

Cảnh Dương là địa phương có nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ của tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Đ.T

Cùng nhau vươn khơi

Trong hoàn cảnh bấp bênh, rất nhiều ngư dân tại Quảng Bình đã bỏ nghề để lựa chọn những công việc khác như đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều ngư dân nương tựa vào nhau, tạo nên các tổ hợp tác để cùng vươn khơi, bám trụ với nghề biển.

Tại xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), những ngày gió lớn này, ngư dân thường tập trung cùng nhau để sửa thuyền, chuẩn bị đồ dùng đợi ngày thời tiết đẹp để ra khơi.

Với ngư dân, các chuyến ra khơi không chỉ là sinh kế nuôi sống bản thân, gia đình mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quê hương. Vì vậy, ngoài chuẩn bị lương thực, ngư cụ đánh bắt, mỗi ngư dân còn chuẩn bị cho mình tinh thần đoàn kết, dũng cảm để ứng phó với những tình huống nguy hiểm, các sự cố bất thường xảy ra trên biển.

Ông Hồ Quang Hóa (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch), hiện đang là Tổ trưởng của 18 tàu thuộc tổ hợp tác khu 7. Là một ngư dân lão làng, ông Hóa đã có hơn 25 năm kinh nghiệm vươn khơi. Tổ hợp tác của ông đã trải qua gần 18 năm hoạt động cùng nhau, dù có nhiều thăng trầm nhưng nhờ có tổ hợp tác này mà nhiều ngư dân mới bám trụ với nghề được đến ngày hôm nay.

“Đi đánh bắt xa bờ mà chỉ có một mình thì khá là khó khăn, nhiều khi gặp sự cố không biết nhờ ai giúp. Đi chung thì đỡ hơn, lỡ có việc thì chỉ cần gọi nhau một tiếng là được ngay”, ông Hóa cho hay.

Không những thế, trong những thời điểm khan hiếm bạn thuyền, thuyền viên giữa các tàu có thể bù trừ, tương trợ lẫn nhau, qua đó giúp cho các tàu đều có thể hoạt động dù không đạt năng suất tối đa.

Bám biển, bảo vệ chủ quyền

Tham gia đánh bắt lâu năm ở những ngư trường xa bờ, những ngư dân như ông Hóa hiểu rằng, đây không chỉ là miếng cơm manh áo mà còn là việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước nhà.

Mỗi khi ra khơi, ông Hóa cùng mọi người trong tổ hợp tác đều lên kế hoạch rõ ràng về khu vực sẽ đánh bắt và tuyệt đối không bao giờ ra khỏi vùng biển chủ quyền của nước ta.

Ông Hóa quan niệm, dù nguồn tài nguyên về hải sản ngày càng khan hiếm, tuy nhiên ông cùng những bạn thuyền trong tổ của mình sẽ chỉ đánh bắt ở những vùng biển quen và được phép khai thác.

“Việc lấn sang khu vực chủ quyền của nước khác để đánh bắt là rất nguy hiểm. Là người tổ trưởng nên tôi phải đảm bảo an toàn cho mọi người, đi bao nhiêu về bấy nhiêu. Hơn nữa, việc đánh bắt trong khu vực được cho phép cũng là một cách để bảo vệ chủ quyền, bởi các tàu của nước khác khi đi vào đây nếu không gặp kiểm ngư thì cũng gặp các thuyền như mình, họ biết họ tự đi về”, ông Hóa nói.

Cũng theo lời ông Hóa, khi ra khơi đánh bắt, thuyền của ông cũng như các thuyền khác trong tổ hợp tác cũng thường xuyên gặp thuyền kiểm ngư nước ta và luôn được nhắc nhở tránh vi phạm chủ quyền.

Ông Nguyễn Minh Đức - thuyền viên thuộc tổ hợp tác khu 7 chia sẻ, nhiều năm lăn lộn trên các ngư trường xa bờ, ngư dân cũng đã thông thuộc hầu hết các khu vực đánh bắt thuộc chủ quyền của đất nước.

Hơn nữa, mỗi khi ra khơi, tàu cá luôn treo cờ Tổ quốc nên những tàu của nước khác cũng có thể trông thấy và phát hiện từ xa. Đây cũng là một cách để bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển đảo đất nước.

Ông Nguyễn Ngọc Tiếp - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam xã Cảnh Dương cho biết, các tổ hợp tác hình thành đã lâu, nhờ những tổ hợp tác này mà nhiều ngư dân, nhiều tàu thuyền vẫn có thể ra khơi bám biển cho đến tận ngày nay.

Nối

Khác

Xem tiếp đi