Đẩy mạnh phổ biến pháp luật về quyền, lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động

Hà Nội Mới 07/10/2022 17:24:04

(HNMO) - Ngày 6-10, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Quyền và lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động”.

Đẩy mạnh phổ biến pháp luật về quyền, lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động-1

Ban tổ chức tặng hoa các chuyên gia tham gia tư vấn tại chương trình.

Tới dự có Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường.

Tham gia tư vấn có sự góp mặt của bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội; Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Trong chương trình, 27 nội dung đoàn viên, người lao động quan tâm đã được các chuyên gia giải đáp.

Trả lời câu hỏi liên quan đến quyền lợi khám sức khỏe của người lao động, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Hà khẳng định, khám sức khỏe cho người lao động hằng năm là chế độ là bắt buộc, được quy định rất rõ trong luật và doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải thực hiện. Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên và người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần.

Đẩy mạnh phổ biến pháp luật về quyền, lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động-2

Anh Nguyễn Thanh Hùng - Công ty Kangaroo đặt câu hỏi.

Với phản ánh, công ty nơi người lao động làm việc có khuyến khích người lao động sử dụng sản phẩm của công ty thay vì nhận lương, ông Nguyễn Văn Hà cho hay, thưởng là chế độ khuyến khích của doanh nghiệp dành cho người lao động. Theo quy định tại Bộ Luật lao động 2019, tiền thưởng có thể không chỉ là tiền, mà bằng các hiện vật khác. Tuy nhiên, với lương trả hằng tháng, bắt buộc phải trả bằng tiền, vì đó là tiền công sức người lao động bỏ ra hằng tháng, chứ không thể khấu trừ ra sản phẩm để trả lương bằng sản phẩm.

Về vấn đề quyền lợi khi khám, chữa bệnh, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội thông tin, các đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế 100% là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người có công với cách mạng và trẻ em dưới 6 tuổi. Tiếp đến là những người tham gia bảo hiểm xã hội đủ 5 năm liên tục, mà trong 1 năm tài chính, có số tiền cùng chi trả khi đi khám, chữa bệnh quá 6 tháng lương cơ sở cũng sẽ được hưởng 100%.

Đẩy mạnh phổ biến pháp luật về quyền, lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động-3

Chị Trần Kim Oanh - Trường Mầm non Bà Triệu đặt câu hỏi.

Với việc khám, chữa bệnh trái tuyến, nếu trái tuyến lên cơ sở y tế tuyến trung ương, người tham gia sẽ được thanh toán 40%, còn với tuyến huyện thì từ năm 2016, đã thực hiện thông tuyến huyện, nên với việc khám trái tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc tuyến huyện thì người tham gia bảo hiểm y tế được thanh toán như đúng tuyến. Với tuyến tỉnh, đã thực hiện thông tuyến tỉnh, nhưng người lao động lưu ý là chỉ được thanh toán hưởng bảo hiểm y tế đầy đủ đối với trường hợp chỉ định nội trú.

Cũng theo bà Dương Thị Minh Châu, đối với bảo hiểm y tế, sau thời gian ngắt quãng từ 3 tháng trở lên thì quyền lợi 5 năm liên tiếp sẽ phải tính lại từ đầu, do đó, trong thời gian nghỉ ngắt quãng, người lao động nên tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình để đảm bảo quyền lợi thanh toán bảo hiểm y tế trong thời gian đó cũng như không bỏ mất quyền lợi về bảo hiểm y tế 5 năm liên tục.

Nối

Khác

Xem tiếp đi