Đạo diễn Võ Thanh Hoà: làm phim là làm cái mình đang mơ

Phụ Nữ Online 04/12/2022 18:35:28

Đã bỏ hẳn hình ảnh một diễn viên nhí như thời đóng Hương dẻ, Con gà trống hay “lỡ cỡ” thời Miền đất phúc, Cánh đồng bất tận , Võ Thanh Hòa giờ là một đạo diễn trẻ đã có trong tay 6 phim điện ảnh có doanh thu rất tốt. Tươi vui, nhiều năng lượng, ấm áp tình người và không đánh đố người xem… là các yếu tố thường thấy trong phim của Hòa. Có lẽ vì vậy mà các bộ phim ấy dễ đến với phần đông khán giả.

Đạo diễn Võ Thanh Hoà: làm phim là làm cái mình đang mơ-1

Thêm một phim chiếu tết

Phóng viên: Phim Nghề siêu dễ ra rạp chưa được bao lâu, anh đã bắt tay vào làm phim tết. Anh có thể chia sẻ một chút về bộ phim này?

Đạo diễn Võ Thanh Hòa: Đó là một bộ phim có đề tài lừa đảo, quay chủ yếu ở Phú Quốc; bên cạnh đó là Hà Giang và có thể là Thái Lan. Kịch bản do đội ngũ biên kịch công ty tôi tự viết, dàn diễn viên mới nhưng cũng đã để lại ấn tượng ở một vài phim ngắn. Liên tục trong 3 phim của tôi có những diễn viên nổi tiếng như Thu Trang, Kiều Minh Tuấn… nên giờ là lúc tôi muốn làm việc với người mới. Đề tài lừa đảo khá nhạy cảm và tôi muốn nói về lòng tham của mỗi người. Đó chính là thứ dễ làm ta rơi vào những cái bẫy đã được cài. Nếu một người xấu đi hết một đoạn đường dài, nhận ra mình xấu thì chính sự quay đầu đã là điều tốt. Thứ ta muốn là A nên ta cứ lao theo A để rồi làm sai và nhận ra thứ mình cần lại là B - cuộc đời đôi khi đơn giản như vậy.

* Chọn diễn viên mới cho một bộ phim chiếu tết có phải là nước cờ mạo hiểm của anh, nếu xét về tính cạnh tranh phòng vé?

- Có thể cho là vậy, nhưng theo tôi, phim Việt cần sự cạnh tranh lành mạnh để phát triển. Thật ra, năm nay, tôi không cố gắng chen vào phim tết vì đã có 2 phim là Chìa khóa trăm tỉ Nghề siêu dễ ra rạp. Việc trải qua các giai đoạn từ quay phim đến phát hành, hậu phát hành… đã rút rất nhiều năng lượng của tôi nên tôi tính nghỉ ngơi và làm kịch bản phim cho năm sau. Tuy nhiên, nhà phát hành mong tôi làm phim đợt này.

Nhiều người bàn khá nhiều đến đối thủ cạnh tranh mỗi khi phim ra rạp nhưng với tôi, một khi nhà làm phim đã chọn được con đường cho mình, việc còn lại là làm sao đi cho tốt trên con đường đó. “Xem mặt đối thủ” chỉ để lên chiến lược marketing, chất lượng của bản phim mới là thứ quyết định sự thành công. Vì vậy, tôi dành nhiều thời gian làm kỹ từng khâu cho bộ phim mới này. Dù vậy, nghề này kỹ vẫn chưa đủ mà phải có sự sáng tạo. Tới nay, vẫn có những thứ tôi chưa hài lòng, nhưng đây sẽ là bộ phim mang đến cho khán giả nguồn năng lượng tốt.

Đạo diễn Võ Thanh Hoà: làm phim là làm cái mình đang mơ-2

Cảnh trong phim Chị Mười Ba

* Có phải vì những phim đã làm đều có doanh thu tốt nên anh tràn đầy tự tin khi nói về sự cạnh tranh?

- Lúc làm Bệnh viện ma hay Ông ngoại tuổi 30 , tôi không biết về marketing vì có người khác lo. Sau này, tôi biết thì phải tính, nhưng mỗi phim đều có cái duyên riêng. Ví dụ, đợt 30/4 năm nay, Nghề siêu dễ của tôi ra rạp cùng Thanh Sói (một đối thủ lớn). Khi nghe tin phim này không được chiếu, thật sự tôi mừng. Phòng chiếu, suất chiếu chỉ bấy nhiêu nên sẽ chiếm suất của nhau.

Nhờ Thanh Sói không ra rạp, có thời điểm Nghề siêu dễ chiếu 3.300 suất/ngày - con số khổng lồ. Nhưng, nghĩ kỹ lại, nếu Thanh Sói ra rạp sẽ có mặt tích cực lớn. 2 phim mang 2 màu sắc khác nhau cùng chiếu thì khán giả sẽ có nhiều sự lựa chọn. Có thể nhiều phim chiếu cùng lúc thì dòng tiền thu về cho mỗi phim không nhanh, không tốt bằng khi chỉ có một phim nhưng sẽ tạo ra được điều tốt cho điện ảnh Việt Nam. Ví dụ như khi nhiều phim ra rạp, nhà sản xuất phải sáng tạo chiến lược marketing, đổ kinh phí không nhỏ vào đó để thu hút khán giả. Kéo được khán giả đến rạp nhiều mới là mục tiêu cuối cùng của các nhà làm phim.

Vì vậy, tôi tập trung sức lực và chất xám của mình vào tác phẩm. Đó là thứ tôn trọng và kết nối với khán giả. Được khán giả đón nhận là điều tốt nhất tôi làm được cho tới giờ. Tuy vậy, nếu chỉ có tâm huyết của mình và tình cảm của khán giả thì không thể đi đường dài. Do đó, xong phim này, tôi dự định nghỉ một thời gian để đi học. Tôi không phải kiểu khi không có gì làm thì đi học mà vì tôi biết tới lúc cần phải đi học thêm những thứ mình đang thiếu. Tôi đã nghiên cứu các khóa học khá kỹ. Có thể tôi sẽ học ở Hàn Quốc hay Tây Ban Nha.

Đạo diễn Võ Thanh Hoà: làm phim là làm cái mình đang mơ-3

Cảnh trong phim Nghề siêu dễ

* Vì sao là Hàn Quốc hoặc Tây Ban Nha?

- Đó là 2 quốc gia tôi thấy đặc sắc và hợp với bước đi tiếp theo của tôi. Tây Ban Nha có nhiều phim và đạo diễn tôi thích như The invisible guest (Sát thủ vô hình), The tlatform (Hố sâu đói khát) hay loạt phim Money Heist (Phi vụ triệu đô). Phim Tây Ban Nha có cách kể chuyện rất đặc biệt. Còn cách làm phim của Hàn Quốc lại rất hợp với khán giả Việt Nam.

Điều thú vị là tận hưởng dư vị của mỗi bộ phim

* Anh có khát vọng in đậm dấu ấn cá nhân của mình trong một bộ phim?

- Dấu ấn cá nhân tùy thuộc vào từng dự án chứ không phải phim nào cũng phải thể hiện điều này. Nếu đó là kịch bản của mình, đội ngũ của mình, cá tính sẽ có ngay trong từng câu thoại. Khi làm dự án, tôi luôn trăn trở làm thế nào tốt nhất cho dự án chứ không phải cho cá nhân mình để mọi người trầm trồ rằng đạo diễn giỏi. Đạo diễn là người định hướng và công việc chính là dẫn dắt cả đoàn đúng phương hướng ngay từ đầu. Ví dụ muốn làm phim bán vé kiếm tiền thì phải biết chỗ nào sẽ bán được vé, phim nghệ thuật thì nghệ thuật chỗ nào… chứ không được mông lung.

Sự thay đổi lớn nhất của tôi trong việc làm phim là ngày càng ít tham lam. Tôi không còn muốn nhồi nhét nhiều thứ vào một bộ phim, phong cách đơn giản dần và đang muốn hướng tới sự tinh tế trong những điều đơn giản ấy. Khi không tham lam kể nhiều thứ, tôi sẽ có thời gian và sức lực chăm chút từng thứ để đạt đến sự tinh tế. Tôi mới ngoài 30 tuổi mà có 6 phim đã ra rạp và 1 phim đang quay là đang đi… hơi nhanh, nhưng quả thật là tôi mê. Dù không nhất thiết phải “cày” để kiếm tiền nữa nhưng mỗi khi có một cơ hội, một dự án mới lại kích thích tôi ghê gớm. Đi học cũng là cách tôi bắt mình chậm lại.

* Anh được tung hô là “đạo diễn trăm tỉ”. Đó là việc của truyền thông, khán giả và nhà phát hành. Còn cảm xúc cá nhân anh sau khi mỗi phim ra rạp là gì? Quên nó để làm phim khác, nhìn lại coi mình còn thiếu sót gì hay vẫn sung sướng với cảm giác chiến thắng?

- Vì làm phim là cuộc sống của tôi nên sẽ luôn có đầy đủ các yếu tố đó. Báo chí có khen có chê, khán giả cũng vậy. Tôi đọc tất cả bình luận của khán giả, không sót một lời. Bản thân tôi nhìn lại cũng thấy mình thiếu sót nhiều. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, với điều kiện và sức lực như vậy, khó làm tốt hơn. Người ta gọi tôi là “đạo diễn trăm tỉ” thì tôi cũng vui nhưng đó không phải là lý do để mình sống trên mây. Nó đem lại thuận lợi là nhiều diễn viên muốn hợp tác với mình nhưng bù lại, mình sẽ gặp áp lực vì phải có trách nhiệm nhiều hơn với những người được mời vào dự án.

Thành công hay thất bại không phải được tính trên doanh thu mà còn là niềm tin đồng nghiệp dành cho mình. Với Chị Mười Ba, Chìa khóa trăm tỉ, Nghề siêu dễ … tôi muốn mình là đạo diễn đầu tiên có 3 phim liên tục hơn trăm tỉ nhưng… không thành. Tôi mất ngủ mấy đêm bởi nghĩ xem mình sai chỗ nào. Cuối cùng, tôi chấp nhận sự thật rằng không được nghĩa là không được, nghĩa là khán giả thấy chưa được nên mình phải ráng làm tốt hơn. Sau mỗi bộ phim, tôi muốn thưởng thức toàn bộ dư vị đó.

Đạo diễn Võ Thanh Hoà: làm phim là làm cái mình đang mơ-4

Với vợ chồng đạo diễn Võ Thanh Hòa, nhà là nơi để về và về là phải cảm thấy hạnh phúc, bình an, được chia sẻ

* Đến giờ, anh có nghĩ rằng anh đã thật sự hiểu khán giả của mình?

- Có thể nói là tôi hiểu nhiều. Lúc trước, tôi thấy sợi dây kết nối giữa mình và khán giả mờ nhạt, giờ thì rõ ràng hơn. Tuy nhiên, bản chất khán giả thì thay đổi và tôi thì không mong muốn khán giả đứng yên. Điều đó bắt buộc đạo diễn phải nâng cấp bản thân. May mắn là tôi đã tạo dựng được những người đồng hành để làm phim cùng nhau. Đây là điều tôi hài lòng nhất trong những năm vừa qua.

* Ý tưởng mở công ty 1989s của anh cùng những người bạn bắt đầu như thế nào?

- Năm 2018, tôi cùng vợ và một người bạn xem những cảnh hậu trường của các bộ phim Việt Nam và thấy không có cái nào được làm tới nơi tới chốn, trong khi mỗi năm có tới 40-50 phim ra rạp. Vậy là chúng tôi mở công ty với ý định chuyên làm hậu trường. Ban đầu, tôi mượn garage nhà bạn tôi ở huyện Bình Chánh, TPHCM cải tạo làm văn phòng. Mới đầu, chúng tôi chỉ nhận được hợp đồng làm quảng cáo, sau đó làm phim và tới nay chưa làm được cái phim hậu trường nào (cười).

Trong lúc làm, thấy thiếu mảng dựng phim, chúng tôi đã mua lại một công ty chuyên dựng phim. Năm 2019, chúng tôi dời văn phòng công ty ở quận 1, TPHCM, bộ phận dựng phim ở huyện Nhà Bè, TPHCM. Trong tương lai, chúng tôi muốn có cả kho và tập trung tất cả về một chỗ. Chúng tôi còn xây dựng kho kịch bản bằng cách mua ý tưởng và dành một quỹ nho nhỏ để đầu tư cho những bộ phim điện ảnh khác. Nói vậy chứ trong thực tế, không có kiểu kiếm tiền nào là dễ dàng. Chúng tôi thành lập công ty chưa bao lâu thì bị vướng dịch nhưng tôi vẫn không sa thải nhân viên, chỉ giảm lương. Chúng tôi rất vui vì công ty được như hiện giờ.

* Cách điều hành và phát triển công ty của anh có gì từ kinh nghiệm của công ty gia đình không, cụ thể là hãng Vifa Film đình đám một thời?

- Tôi từng mong muốn thừa hưởng hãng phim của gia đình và tận dụng nó. Nhưng rồi có điều gì đó dẫn dắt khiến tôi nghĩ rằng không nên tận dụng những thứ có sẵn như nền tảng gia đình hay những mối quan hệ đã có… mà cần suy nghĩ lớn hơn, thoát khỏi đó. Tận dụng thứ mình có đồng nghĩa với việc mình luẩn quẩn trong cái vòng an toàn. Làm phim là phải làm thứ mình tưởng tượng và mơ tới chứ không phải cái có sẵn.

Khi đi làm với gia đình, tôi được mọi người phục vụ như công tử nên chẳng học được nhiều. Khi tự làm, tôi tìm những người phù hợp, kéo vào dự án và kích thích họ làm tốt nhất điều họ có thể. Tôi thường chia sẻ với những bạn cùng làm rằng, bạn có thể làm mọi thứ, rất kỳ công cho bộ phim nhưng cuối cùng, đó đều là những tác phẩm có hình ảnh và âm thanh trên một mặt phẳng và nó phải đem lại cảm xúc cho khán giả. Chính bạn phải có cảm xúc với câu chuyện của mình mới mong lan tỏa được đến khán giả. Không phải cứ tập hợp các diễn viên ngôi sao là có thể làm một bộ phim kiếm được nhiều tiền. Bây giờ, không có diễn viên nào dám vỗ ngực nói rằng họ là ngôi sao phòng vé, có họ là có khán giả.

Tập lắng nghe nhau

* Anh thường suy tư gì về cuộc sống?

- Điều tôi suy tư ở mỗi thời điểm đều khác nhau, điều đó cũng đồng nhất với cách làm phim của tôi. Trước đó, khi bắt tay vào làm một bộ phim, tôi thường nghĩ tới nhiều thứ lớn lao. Sau này, tôi nhận ra làm phim không phải để khán giả hiểu mình mà để tôi hiểu chính mình, nhận ra mình là ai, muốn gì và cần làm gì, mình có thực sự hạnh phúc không. Ở mỗi câu chuyện, tôi càng đào sâu sẽ càng thấy được điều mình muốn tìm kiếm.

* Chạy theo việc làm phim, điều anh phải đánh đổi là gì?

- Ngoài sức khỏe, cuộc sống cá nhân của tôi cũng nhiều mệt mỏi, căng thẳng, nhất là thời điểm vợ tôi mang bầu. Lúc đó, làm phim Ông ngoại tuổi 30 , tôi gần như bị mài mòn cả thể lực và tinh thần. Về tới nhà, vợ nhõng nhẽo khiến tôi nổi quạu. Nếu nhìn từ hướng của tôi thì sẽ thấy vợ tôi vô lý nhưng nếu nhìn từ phía cô ấy, ta sẽ đồng cảm bởi giai đoạn đó, cô ấy rất mệt mỏi vì cơ thể tăng ký, thiếu máu, thiếu calci… nên chỉ mong chồng về để được quan tâm. Tâm lý vợ tôi thực sự không ổn mà tôi không hiểu.

May mắn, tôi và vợ cùng nhận ra nhà là nơi để về và về là phải cảm thấy hạnh phúc, bình an, được chia sẻ. Cách vô cùng đơn giản mà mãi sau này tôi mới biết là phải nói chuyện với nhau. Tôi và vợ làm việc chung nên thường nói về công việc, thiếu chia sẻ về cuộc sống gia đình.

* Điều gì khiến vợ chồng anh nhận ra điều đó?

- Đó là giai đoạn vợ chồng tôi chuyển ra riêng. Khi ở chung, chúng tôi được ông bà ngoại giúp đỡ rất nhiều. Khi ra ngoài, vợ chồng tôi có xích mích lớn, nếu không nói chuyện là có nguy cơ đổ vỡ. Chúng tôi đã nói hết những thứ đang chất chứa trong lòng chứ không chọn cách nhắm mắt bỏ qua. Tôi tập nghe rồi mới phản bác và nói ra lòng mình. Khi lắng nghe, tôi biết vợ mình đang nghĩ gì. Tôi nhớ lòng bao dung của vợ dành cho mình và tôi phải đáp lại điều đó với cô ấy. Cả ngàn bình luận của khán giả tôi còn kiên trì đọc hết thì tại sao tôi lại không thể nghe vợ mình? Hiện tại, chúng tôi dành thời gian cho gia đình nhiều hơn và thường đưa con đi đây đi đó để con học hỏi được nhiều thứ. Tôi hạnh phúc với những điều nhỏ như đọc truyện buổi tối cho con hay nửa đêm chạy qua phòng con xem con có lạnh không để đắp lại cái mền…

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Lam Hạnh (thực hiện) - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nối

Khác

Xem tiếp đi