Chuyện đấu thầu và thiếu thuốc nhìn từ thực tế Bệnh viện quận 11

Tuổi Trẻ 01/10/2022 13:15:18

TTO - Chia sẻ với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, giám đốc Bệnh viện quận 11 cho biết bệnh viện 'rất mệt' vì quá nhiều văn bản hướng dẫn trong đấu thầu, thiếu thuốc nhưng không thể tự mua sắm dù đã tự chủ toàn bộ chi thường xuyên từ năm 2017.

  • Vướng mắc đấu thầu, Bộ Y tế sẽ xem xét cho ra đời ‘bộ cẩm nang’ hướng dẫn
  • Bệnh viện Lê Văn Thịnh: 'Nếu BHYT chậm thanh toán, công nợ bệnh viện kéo dài, sẽ thiếu thuốc'
  • Chính thức vận hành hệ thống đấu thầu điện tử quốc gia mới

Chiều 30-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi khảo sát về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị tại Bệnh viện quận 11 (TP.HCM) giai đoạn tháng 1-2020 đến tháng 6-2022 nhằm góp ý cho dự án Luật đấu thầu sửa đổi.

Thiếu thuốc nhưng không thể tự mua sắm

Theo báo cáo của Bệnh viện quận 11, b ệnh viện thực hiện tổng cộng 32 gói thầu, trong đó có nhiều gói thầu mua sắm bổ sung. Khi thực hiện mua sắm thì nhiều thuốc không lựa chọn được nhà thầu.

Mặt khác, nhiều nhà thầu đã trúng thầu trước đó nhưng khi bệnh viện đặt hàng lại báo không có hàng cung ứng, bắt buộc bệnh viện phải xây dựng kế hoạch mua sắm bổ sung.

Bệnh viện cũng gặp khó khăn trong công tác mua sắm, điều chuyển, chuyển nguồn, cân đối thuốc. Trong thời gian chờ kết quả của các gói thầu mua sắm tập trung, bệnh viện xảy ra thiếu thuốc nhưng không thể tự tổ chức mua sắm các thuốc thuộc hình thức mua sắm tập trung.

Hoặc nếu bệnh viện mua sắm được thì vướng mắc khâu Bảo hiểm xã hội TP duyệt thanh toán Bảo hiểm y tế cho người bệnh.

Trong công tác mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế, bệnh viện gặp khó khăn trong việc xác định giá dự toán. Bên cạnh đó, bệnh viện thường xuyên gặp tình trạng nhà thầu báo đứt hàng, không đủ số lượng cung ứng.

Bệnh viện "rất mệt", đề xuất không thực hiện đấu thầu

Ông Lê Đức Nhã - phó giám đốc Bệnh viện quận 11 - cho biết bệnh viện được tự chủ trong chi thường xuyên từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa có ngân sách. Bệnh viện cũng gặp khó khăn trong cân đối tài chính, phải tìm mọi cách để tiết kiệm chi tiêu như phân tích chênh lệch thu - chi hàng tháng.

Về quyền tự chủ trong chuyên môn, ông Nhã cho hay bệnh viện chưa tự chủ được do còn nhiều yếu tố làm ảnh hưởng, chi phối như các luật, nghị định hiện hành. "Bệnh viện đề xuất được quyền tự chủ trong chuyên môn vì điều này gắn đến quyền lợi của bệnh nhân, trách nhiệm, thương hiệu của bệnh viện", ông Nhã nói.

Trước tình trạng thiếu thuốc, ông Phạm Quốc Dũng - giám đốc Bệnh viện quận 11 - cho rằng việc đấu thầu hiện nay rất nhiều văn bản hướng dẫn. Bệnh viện "rất mệt" khi triển khai nhưng không thể tự mua thuốc được.

"Thuốc qua đấu thầu tập trung quốc gia tại bệnh viện chiếm khoảng 20%, thì trong số này bệnh viện không chọn được. Tức là kết quả trúng thầu như thế nào thì bệnh viện phải mua. 80% thuốc còn lại bệnh viện đấu thầu nhưng trong số này chỉ lựa được 60% trong mỗi đợt đấu thầu", ông Dũng chia sẻ.

Với những khó khăn nêu trên, ông Dũng đề xuất bệnh viện không thực hiện đấu thầu. Theo đó, bảo hiểm y tế hoặc trung ương/địa phương đấu thầu xong, bệnh viện sẽ mua do không tự chủ được nguồn. Hay bảo hiểm xã hội đưa ra mức trần cho một nhóm thuốc, bệnh viện sẽ mua và tự xử lý phần chênh lệch.

"Nếu được chúng tôi không tự đấu thầu nữa vì điều này làm vừa tốt thời gian, nhân lực, hao phí xã hội các công ty dược", ông Dũng nói.

Lãnh đạo bệnh viện cũng kiến nghị TP sớm giải ngân cho bệnh viện cấp bù lãi vay theo hình thức kích cầu. Đồng thời có kiến nghị với trung ương xây dựng giá kế hoạch của từng loại thuốc.

XUÂN MAI - CẨM NƯƠNG

Nối

Khác

Xem tiếp đi