Chiêu trò lừa đảo vàng thật bọc lõi bạc: Tranh cãi số tiền bị cáo chiếm đoạt

Thanh niên 21/11/2022 12:45:17

Việc xác định số tiền chiếm đoạt trong vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là một trong những tình tiết để định khung, nếu xác định không chính xác sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình phạt của bị cáo.

Dùng vàng lõi bạc để lừa đảo

Theo nội dung vụ án, đầu tháng 9.2020, Dương Thị Bích Liên cùng Đặng Văn Quý (chưa xác định được nơi cư trú) mua vàng 9999 để bọc bên ngoài, bên trong là lõi bạc để mang đến các tiệm vàng cầm cố nhưng không chuộc lại, lấy tiền tiêu xài.

Cáo trạng xác định, Liên và Qúy đã 7 lần dùng vàng phủ bạc đến các tiệm vàng tại TP.HCM và tỉnh Tiền Giang để cầm cố, chiếm đoạt 365 triệu đồng.

Quá trình xét xử, TAND Q.Bình Tân đã nhiều lần trả hồ sơ cho để làm rõ giá trị tài sản mà Liên chiếm đoạt để xem xét truy tố bị can theo khung hình phạt tương ứng.

Chiêu trò lừa đảo vàng thật bọc lõi bạc: Tranh cãi số tiền bị cáo chiếm đoạt-1

Bị cáo Liên trong phiên xử sơ thẩm cuối tháng 9.2022 SONG mai

Theo tòa, về ý thức chủ quan, bị cáo Liên dùng tiền của mình để mua vàng phủ lên bạc mang ra tiệm cầm đồ cầm cố để hưởng tiền chênh lệch giữa giá trị tài sản mà bị cáo dùng làm công cụ phạm tội và giá trị tài sản mà bị cáo chiếm đoạt từ bị hại. Theo kết luận định giá, trang sức của Liên bỏ ra có tổng giá trị 184 triệu đồng. Phải lấy 365 triệu đồng trừ (-) 184 triệu đồng và bị cáo Liên chỉ hưởng chênh lệch 181 triệu đồng; đây cũng là số tiền Liên chiếm đoạt của bị hại.

Tuy nhiên, Viện KSND Q.Bình Tân giữ nguyên quan điểm truy tố và cho rằng, với mục đích chiếm đoạt tài sản của các bị hại, nên Liên đã dùng vàng 9999 để phủ bên ngoài lớp bạc rồi mang đến tiệm vàng cầm cố. Trang sức của Liên bỏ ra có tổng giá trị 184 triệu đồng là để thực hiện hành vi gian dối , nhằm chiếm đoạt tiền của bị hại. Nên Liên đã chiếm đoạt 365 triệu đồng.

Cần áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo

Theo luật sư (LS) Trần Minh Hùng (Đoàn LS TP.HCM), trên góc độ hợp đồng cầm cố thì khi bên cầm cố không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì bên nhận cầm cố sẽ xử lý tài sản cầm cố để thu hồi tài sản trở lại. Khi bị cáo sử dụng bạc được phủ bên ngoài lớp vàng để cầm cố chiếm đoạt tiền thì mục đích, ý chí cuối cùng là để chiếm đoạt giá trị tài sản chênh lệch.

LS Hùng cho rằng, nên áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo. Việc xác định tội danh cần xác định đúng người, đúng tội; xem xét kỹ đến các yếu tố cấu thành tội phạm trong đó bao gồm ý chí, động cơ, mục đích của tội phạm.

Chiêu trò lừa đảo vàng thật bọc lõi bạc: Tranh cãi số tiền bị cáo chiếm đoạt-2

Cần xác định đúng số tiền bị cáo chiếm đoạt để định khung hình phạt phù hợp THANH NIÊN

“Trường hợp xác định bị cáo Liên chiếm đoạt 365 triệu đồng như cáo trạng truy tố thì bị cáo sẽ bị truy tố theo khoản 3 điều 174 với mức án từ 7 - 15 năm tù, nhưng trong ý chí chủ quan, mục đích của bị cáo Liên chỉ chiếm đoạt giá trị tài sản chênh lệch nên việc áp dụng số tiền chênh lệch là số tiền chiếm đoạt để làm căn cứ định khung theo khoản 2 Điều 174 với mức án từ 2 - 7 năm tù là phù hợp”, LS Hùng nói.

Theo LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), khi bị cáo đi cầm cố lấy tiền, thì số tiền mà bị cáo có được là đã bao gồm cả tiền của bị cáo bỏ vào đầu tư mua vàng để dát vào trang sức bạc; trang sức đó cũng được các chủ tiệm vàng nắm giữ. Cáo trạng xác định tổng số tiền bị cáo chiếm đoạt là 365 triệu là không thỏa đáng, bởi người ta không thể chiếm đoạt tài sản thuộc về họ.

Tòa án có thể áp dụng “giới hạn của việc xét xử”

Thạc sĩ Võ Văn Tài, Phó trưởng khoa Kiểm sát hình sự, Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM cho rằng, việc xác định bị cáo Liên đã “thực hiện hành vi gian dối” chỉ làm căn cứ xác định tội danh.

Theo Điều 85 bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh được tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Theo nguyên tắc điều tra, truy tố và xét xử của các tội “xâm phạm sở hữu” thì phải xác định giá trị thiệt hại thực tế mà tội phạm gây ra. Thiệt hại gây ra bao nhiêu thì truy tố, xét xử bấy nhiêu và không gây bất lợi cho người phạm tội.

“Tòa án có thể áp dụng Điều 298 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về “giới hạn của việc xét xử” . Theo khoản 2 của điều này, tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố”, ông Tài cho biết thêm.

Liên quan vụ án, vào cuối tháng 9.2022, TAND Q.Bình Tân đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Dương Thị Bích Liên.

Tại phần xét hỏi, HĐXX đã hội ý và trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu Viện KSND Q.Bình Tân xác định lại số tiền bị cáo Liên đã chiếm đoạt trong vụ án.

Nối

Khác

Xem tiếp đi