Cần Giờ khẩn trương bảo vệ di tích Giồng Cá Vồ

Phụ Nữ Online 23/09/2022 10:54:35

Ngày 22/9, UBND huyện Cần Giờ đã có công văn khẩn chỉ đạo một số nội dung cần làm ngay sau buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM về tình hình bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn.

Liên quan công tác mặt bằng thuộc dự án Giồng Cá Vồ, UBND huyện chỉ đạo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ và bàn giao mặt bằng thi công dự án trong năm 2022.

Đồng thời, ban chủ động liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu trình UBND thành phố thống nhất chính sách bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án theo Công văn số 4916/UBND ngày 19/8/2022 của UBND huyện Cần Giờ.

Ban cũng cần thực hiện thủ tục bàn giao mặt bằng phần đường dẫn cho đơn vị thi công sau khi thực hiện khai thác tận thu cây rừng và phối hợp Công ty Đầu tư xây dựng Nguyễn Hoàng thực hiện thủ tục tạm ứng cho hộ ông Huỳnh Văn Lên, tiếp tục tổ chức tiếp xúc, vận động hộ Huỳnh Văn Vui bàn giao thêm khoảng 400m 2 để triển khai thi công dự án.

UBND huyện giao UBND xã Long Hòa khẩn trương điều chỉnh nội dung xác minh pháp lý của 6 hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án trước ngày 30/9.

Cần Giờ khẩn trương bảo vệ di tích Giồng Cá Vồ-1

Công tác khai quật di tích Giồng Cá Vồ năm 2021 - Ảnh: Viện Khảo cổ học

Di tích khảo cổ học Giồng Cá Vồ được phát hiện năm 1993. Tổng diện tích khu vực theo hồ sơ khoanh vùng bảo vệ năm 2000 là 29.000m 2 . Trong lần khai quật đầu tiên năm 1994, các nhà khảo cổ phát hiện có 38 ngôi mộ chum trong đó 23 mộ có di cốt người cùng nhiều đồ tùy táng bằng gốm, đá, thủy tinh, vỏ nhuyễn thể, sắt… Bên cạnh đó còn phát hiện nhiều đồ tùy táng bằng gốm, đá, thủy tinh, vỏ nhuyễn thể, sắt… hiện vật chủ yếu là đồ trang sức.

Năm 2000, Giồng Cá Vồ được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích khảo cổ học cấp quốc gia.

Đầu tháng 9 vừa qua, Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích TPHCM và Bảo tàng Lịch sử TPHCM tiến hành khai quật lần thứ 2 và công bố các phát hiện quan trọng như 185 mộ chum, 13 mộ đất cùng hàng trăm di vật quý.

Dù đã được xếp hạng và công nhận di tích khảo cổ học quốc gia nhưng đến nay, khu vực di tích và hố khai quật vẫn chưa được giải phóng mặt bằng. Người dân vẫn thực hiện canh tác gây ảnh hưởng đến di tích và khó khăn cho công tác thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Vì vậy, các nhà khoa học kiến nghị TPHCM cần thiết thực hiện gấp công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án một cách đồng bộ.

Quốc Ngọc

Nối

Khác

Xem tiếp đi