Các tỉnh, thành miền Trung khẩn cấp sơ tán dân tránh bão Noru

Petrotimes 28/09/2022 16:10:20
Các tỉnh, thành miền Trung khẩn cấp sơ tán dân tránh bão Noru-1

Lãnh đạo xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) trực tiếp đến các hộ dân, đề nghị bà con gia cố, giằng chống nhà cửa, chủ động di dời đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Ảnh: BDT

Để chủ động ứng phó với bão số 4 và đảm bảo an toàn cho người dân, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành phương án sơ tán, di dời 14.384 hộ dân với 47.411 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng đến nơi an toàn.

Tỉnh yêu cầu các UBND các huyện, thị xã và TP Huế tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn bắt đầu từ 9 giờ ngày 27/9 và hoàn thành trước 12 giờ ngày 27/9. Trong đó, ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương như: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo trước thời điểm bão vào.

Cùng với đó, tỉnh cũng yêu cầu người dân không được ra đường từ 21 giờ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt. Các khu chợ truyền thống tạm ngừng mua bán từ 14 giờ ngày 27/9.

Sở Công Thương có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai với số lượng gồm 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo. Ngoài ra, các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo cho 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.

Toàn tỉnh hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thuỷ điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3 nước. Hiện mực nước các hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện (dung tích đạt từ 20-30% tổng dung tích) đang vận hành đảm bảo an toàn. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã chỉ đạo tăng cường phát điện qua tuabin để đưa về mực nước mức thấp và sẵn sàng đón lũ.

Tại TP Đà Nẵng , trong sáng và trưa nay (27/9), các đơn vị, địa phương khẩn trương vận động, hỗ trợ sơ tán nhân dân đến các điểm sơ tán tập trung và nhà dân, công trình kiên cố lân cận với tổng số người sơ tán theo kế hoạch là 80.801 người, trong đó sơ tán tập trung 25.869 người, sơ tán xen ghép (lân cận) là 54.932 người (tính đến rạng sáng 27/9). Sau đó, người dân không ra khỏi nhà khi bão ảnh hưởng đến TP Đà Nẵng.

TP yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành việc sơ tán nhân dân tránh bão trước 14 giờ ngày 27/9, nhất là tại các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng, các khu vực nhà ở không bảo đảm an toàn đến các điểm sơ tán an toàn; chủ động phương án bảo đảm hậu cần, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm khác cho người dân tại các điểm sơ tán và các khu vực có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở, cô lập.

Công chức, viên chức, công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố nghỉ làm việc, dừng họp và hoạt động tại các chợ bắt đầu từ 12 giờ ngày 27/9 cho đến khi có thông báo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Công an thành phố tham mưu Chủ tịch UBND thành phố thời điểm cụ thể để quyết định không có người dân ra khỏi nhà khi bão ảnh hưởng đến TP Đà Nẵng (ngoại trừ lực lượng thực hiện nhiệm vụ).

Chủ tịch UBND quận Sơn Trà chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải quyết định việc cấm người và phương tiện giao thông lên núi Sơn Trà.

Các đơn vị thi công phải hạ, neo giữ, gia cố cần trục tháp, cẩu và các thiết bị thi công trước 8 giờ ngày 27/9; kiên quyết không cho công nhân ở tại các lán trại tạm trên công trình, có phương án di dời đến các nơi sơ tán trên địa bàn các quận, huyện nếu công nhân không có chỗ ở khác trên địa bàn...

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố kiên quyết không cho người ở lại trên các tàu cá bắt đầu từ 20 giờ ngày 27/9, trường hợp cần thiết tổ chức cưỡng chế...

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, hiện có hơn 800 tàu cá néo đậu ở âu thuyền Thọ Quang, hơn 220 tàu cá đang neo đậu ở các khu vực vịnh Mân Quang, cồn Ma, bờ đông và bờ tây sông Hàn, Đa Phước, biển Thanh Khê; 664 ghe, thúng đã được cẩu, kéo lên bờ.

Các tỉnh, thành miền Trung khẩn cấp sơ tán dân tránh bão Noru-2

Người dân xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) tránh trú an toàn tại Trạm Y tế xã. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Tại tỉnh Quảng Ngãi , Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã rà soát và đang khẩn trương triển khai di dời, sơ tán dân theo kịch bản đã được lập.

Theo kịch bản ứng phó bão được xây dựng, huyện Bình Sơn và các xã ven biển TP Quảng Ngãi ứng phó tương ứng cấp độ 4 (bão mạnh cấp 11, 12, giật cấp 13), huyện Lý Sơn ứng phó tương ứng bão mạnh cấp 12, 13, giật cấp 14, 15. Các huyện, xã còn lại ứng phó tương ứng cấp độ 3 (bão mạnh cấp 10, giật cấp 11, 12).

Tổng số lượng dân dự kiến di dời, sơ tán là 22.099 hộ/75.204 khẩu, trong đó di dời xen ghép 12.040 hộ/41.586 khẩu, di dời tập trung 10.059 hộ/33.618 khẩu.

Đến 8 giờ sáng nay, 27/9, huyện đảo Lý Sơn hoàn thành việc di dời sơ tán 17 hộ/55 khẩu (xen ghép), đồng thời hoàn thành việc thu hoạch 100 ha hành, chằng chống gia cố trụ sở, công trình, nhà ở của người dân, đưa tàu, thuyền nhỏ lên bờ để an toàn.

Song song với việc huy động lực lượng tại chỗ (nhất là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, quân đội, công an) triển khai chằng chống, gia cố trụ sở, cơ quan, nhà ở của người dân, neo buộc tàu, thuyền và hỗ trợ người dân di dời, sơ tán đến các nơi ở tập trung bảo đảm an toàn, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẩn trương kiến nghị Quân khu 5 và các đơn vị đã hiệp đồng với tỉnh hỗ trợ phương tiện, lực lượng để giúp người dân di dời, sơ tán và cứu hộ, cứu nạn (nhất là các phương tiện có thể hoạt động trong tình huống gió mạnh cấp 12, 13 trở lên).

Tại tỉnh Quảng Nam , các cơ quan chức năng đang gấp rút di dời người dân trước 9 giờ sáng nay để đảm bảo an toàn khi bão số Noru đổ bộ.

Sáng 27/9, chính quyền TP Tam Kỳ và các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã triển khai các phương tiện đưa đón người dân vùng nguy hiểm đến khu vực an toàn để phòng tránh bão. Trong sáng nay, địa phương tập trung sơ tán người dân xã Tam Thanh, địa bàn sát biển với số lượng khoảng 459 hộ, hơn 1.600 khẩu tập trung về các địa điểm xen ghép trên địa bàn gồm cơ quan Bộ đội Biên phòng, Trường CĐ Y tế Quảng Nam… Trong ngày hôm qua (26/9), TP đã triển khai xen ghép hơn 1.750 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu.

Theo số liệu tổng hợp các địa phương tại tỉnh Quảng Nam, tính đến 5 giờ sáng 27/9, tổng số dự kiến di dời là 45.834 hộ/155.269 người. Trong đó, sơ tán tập trung 18.388 hộ, 67.481 khẩu; sơ tán xen ghép 27.466 hộ, 87.841 khẩu. Tại cuộc họp chiều tối 26/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phải triển khai di dời dân xong trước 9 giờ sáng 27/9.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên khu vực Hoàng Sa vẫn còn 9 tàu/100 lao động của tỉnh Quảng Nam đang di chuyển xuống phía Nam. Tuy nhiên, tốc độ di chuyển rất chậm (từ 1-2 hải lý/giờ). Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với gia đình và địa phương thông báo cho các tàu nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện tại, vẫn giữ liên lạc được với 9 tàu, người và tàu đều an toàn.

Các tỉnh, thành miền Trung khẩn cấp sơ tán dân tránh bão Noru-3

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn kiểm tra các xã ven biển tại huyện Phù Mỹ. Ảnh: VGP

Tại tỉnh Bình Định , hiện tỉnh đã lên phương án sơ tán hơn 94.000 dân rời khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó, sơ tán do bão 18.995 hộ dân với 65.404 người, ưu tiên vùng ven biển. Sơ tán dân vùng ven biển do nguy cơ nước dâng là 7.255 hộ/25.695 người, sơ tán do sạt lở đất 827 hộ/3.274 người.

Bình Định cũng đã huy động 42.249 người tham gia ứng phó bão Noru. Trong đó, lực lượng quân đội có 1.042 chiến sĩ, bộ đội biên phòng 279 chiến sĩ, công an 1.640 chiến sĩ, lực lượng xung kích 8.800 người. Phương tiện tại chỗ huy động 3 xe thiết giáp, 3 xe chữa cháy, 8 tàu các loại, 515 chiếc xuồng, 18 ca nô, 14 xe chuyên dụng phòng chống thiên tai, 379 máy xúc, 918 ô tô tải, 540 xe ben, 214 xe ủi.

Ngoài người dân tự dự trữ lương thực trong 7 ngày, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các công ty dự trữ gần 2,2 triệu gói mì ăn liền, 1.500kg lương khô, gần 150.000 chai nước uống, 274.000 viên Cloramin B, 1.350kg bột Cloramin B.

Thông qua hệ thống giám sát tại Chi cục Thủy sản, đến 4h ngày 27/9, ngành chức năng Bình Định xác định tại khu vực giữa Hoàng Sa - Trường Sa còn 300 tàu/2.235 thuyền viên; khu vực Trường Sa còn 305 tàu/2.270 thuyền viên đang nằm trong vùng nguy hiểm của bão.

Trong đó, có 4 tàu/30 thuyền viên nằm trong vùng di chuyển của bão; các tàu nói trên đã nhận thông tin về diễn biến của bão Noru, hiện đang di chuyển xuống phía Nam để thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão; có 212 tàu/1.580 thuyền viên đang nằm phía dưới vùng di chuyển của bão, cũng đang chạy xuống phía Nam để thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão.

Hiện, khu neo đậu cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã tiếp nhận 1.538 tàu cá, cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát) tiếp nhận 220 tàu, cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn) tiếp nhận 350 tàu. Tổng công suất của 3 cảng cá nói trên là 5.600 tàu.

Đến sáng 27/9, toàn bộ tàu hàng bốc dỡ hàng hóa tại khu vực Cảng Quy Nhơn đã di chuyển vào vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) để tránh trú bão.

Tỉnh Bình Định đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn công suất lớn ứng trực tại Cảng Quy Nhơn để ứng phó với bão Noru.

Trước nguy cơ của bão Noru, cơ quan khí tượng cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai tại 5 tỉnh, thành gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ở cấp 4 (cấp rủi ro thiên tai rất lớn, chỉ sau cấp thảm họa).

Các tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 3 (cấp rủi ro thiên tai lớn).

H.T

Nối

Khác

Xem tiếp đi