Bộ Tài chính đề xuất thu hồi tài sản thủy lợi nếu vi phạm

Lao Động 01/10/2022 12:51:50

Lộ nhiều tồn tại

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện Nghị định số 129/2017/NĐ-CP (NĐ 129), từ ngày 1.1.2018, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi  được phân cấp rất rõ ràng.

Tuy nhiên, qua 4 năm thực hiện NĐ 129, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đã bộc lộ nhiều tồn tại. Cụ thể, một số tỉnh chưa thực hiện giao tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi cho cơ quan chức năng quản lý nhà nước. Nguyên nhân là do các cơ quan này không đủ nhân lực để kiểm soát hồ sơ tài sản, hạch toán kế toán tài sản theo quy định.

Hơn nữa, hầu hết hồ sơ tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đều thiếu (hồ sơ thiết kế, hồ sơ quyết toán công trình ban đầu, hồ sơ quản lý đất đai và tài sản công trình) do công trình xây dựng đã lâu, không có hoặc thất lạc hồ sơ. Một số công trình thủy lợi do hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp quản lý không xác định được nguồn gốc tài sản (thuộc Nhà nước hay nhân dân). Một số công trình sau khi quyết toán, chủ đầu tư không cung cấp hồ sơ công trình cho đơn vị quản lý, sử dụng.

Theo quy định tại NĐ 129, trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi  chưa có thông tin về nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản thì xác định theo giá quy ước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trên cơ sở giá trị của công trình có cấp kỹ thuật tương đương. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa ban hành quy định về giá quy ước để xác định giá trị tài sản. Điều này gây khó khăn cho các địa phương trong hạch toán, kế toán và theo dõi tài sản...

Nhiều đề xuất mới

Nhằm khắc phục những tồn tại của NĐ 129, Bộ Tài chính đang đề xuất những điểm mới. Đáng chú ý, dự thảo đề nghị bổ sung quy định thu hồi tài sản trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình khai thác theo các hình thức cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi và hợp tác kinh doanh khai thác quỹ đất, mặt nước thuộc tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

Dự thảo quy định chi phí bảo trì được tính vào giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đối với tài sản được giao cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Chính phủ. Trường hợp chi phí bảo trì không tính đủ vào giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể để xem xét, quyết định bố trí kinh phí bảo trì từ ngân sách nhà nước. Việc bố trí, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Dự thảo bỏ quy định bán trong trường hợp “Chuyển mục đích sử dụng đất gắn với chuyển đổi công năng sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi  theo quy hoạch được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt”.

Đồng thời, quy định đối với trường hợp tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi được xử lý theo hình thức bán thì tổ chức, đơn vị mua tài sản phải tiếp tục sử dụng tài sản vào mục đích thủy lợi theo quy định; bổ sung hình thức xử lý “chuyển giao tài sản về địa phương quản lý, xử lý” do có tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi thuộc trung ương quản lý.

Dự thảo nghị định cũng bỏ hình thức “sử dụng tài sản để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao” tại NĐ 129 vì pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP) không còn hình thức đầu tư xây dựng theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao (Hợp đồng BT).

Nối

Khác

Xem tiếp đi