Bảo đảm hiệu quả việc tiếp công dân

Hà Nội Mới 23/09/2022 08:54:44

(HNM) - Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho thấy nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong đó, để bảo đảm hiệu quả của công tác tiếp công dân, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cần thiết phải có giải pháp về cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế.

Bảo đảm hiệu quả việc tiếp công dân-1

Tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố, số 34 phố Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm).

Ảnh: Tiến Thành

Còn không ít hạn chế

Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, về tiếp công dân thường xuyên, tiếp đột xuất của lãnh đạo cơ quan hành chính các cấp, trong kỳ báo cáo (ngày 1-7-2016 đến 1-7-2021) cơ quan hành chính các cấp trên cả nước đã tiếp 2.781.675 lượt công dân. So với quy định, tỷ lệ bình quân tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đạt lần lượt là 56%, 94% và 49%...

Từ thực tế của địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng chia sẻ, việc tiếp công dân của lãnh đạo huyện được thực hiện đúng quy định. Giai đoạn 2016-2021, Chủ tịch UBND huyện tiếp công dân 107 ngày, Chủ tịch UBND 16 xã, thị trấn tiếp công dân 4.041 ngày. “Tuy nhiên, công tác tiếp công dân trong giai đoạn này cũng còn tồn tại, hạn chế. Vẫn còn tình trạng giao Phó Chủ tịch tiếp công dân thay Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND cấp xã, trong khi theo quy định của Luật Tiếp công dân thì Chủ tịch UBND các cấp phải trực tiếp tiếp công dân”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng nói.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, trong kỳ giám sát, các cơ quan hành chính đã tiếp thường xuyên 265.506 lượt công dân; lãnh đạo, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp định kỳ 68.614 lượt; tiếp đột xuất 4.493 lượt. 6 tháng đầu năm 2022, lãnh đạo UBND thành phố đã tiếp 145 lượt với 367 người, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Trọng Đông cũng nêu thực tế, cơ sở vật chất ở cấp xã còn nhiều hạn chế; việc bố trí phòng tiếp công dân tại trụ sở của UBND một số nơi chật hẹp, chưa thuận lợi; việc bố trí công chức tư pháp - hộ tịch hoặc công chức địa chính kiêm nhiệm tiếp công dân nên thiếu nghiệp vụ, kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn còn hạn chế…

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, việc quy định tiếp công dân thường xuyên của một số cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp và chưa bảo đảm khả thi. Nguyên nhân do một số quy định của pháp luật về tiếp công dân còn có những bất cập nhất định, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Cần đánh giá việc tiếp công dân của người đứng đầu

Nhận định tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo có mối quan hệ rất quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nếu địa phương tiếp công dân tốt thì sẽ giải quyết được vấn đề ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, nếu tiếp công dân tốt thì sẽ hạn chế được khiếu nại, nếu giải quyết khiếu nại tốt thì sẽ hạn chế việc tố cáo. “Còn nếu làm không tốt thì kiến nghị sinh ra khiếu nại, ở dưới cơ sở làm sai thì công dân khiếu nại lên trên. Kiện lên trên lúc đầu chỉ là khiếu nại thôi, nhưng về sau sẽ thành tố cáo, gây mất an ninh, trật tự”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, về cơ chế, chính sách pháp luật, theo Luật Tiếp công dân thì Chủ tịch UBND cấp xã một tuần phải có một ngày tiếp công dân, Chủ tịch UBND cấp huyện 1 tháng có 2 ngày tiếp, Chủ tịch UBND cấp tỉnh một tháng phải có một ngày tiếp. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng trong trường hợp bất khả kháng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh không bố trí được thời gian thì cấp phó có thể tiếp và phản ánh đầy đủ, tiếp nhận những nội dung, thông tin của công dân và giải quyết nghiêm túc thì cũng bảo đảm xử lý hiệu quả các kiến nghị của công dân. “Thông qua giám sát lần này phải có giải pháp một cách đầy đủ về vấn đề tiếp công dân trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy định về tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh của địa phương để bảo đảm thống nhất với các văn bản cơ quan cấp trên và phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, đồng chí Dương Thanh Bình cũng cho rằng, Thanh tra Chính phủ cần đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại. Trong đó tập trung đánh giá việc tổ chức tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, về mô hình Ban tiếp công dân cấp huyện, việc tiếp công dân trực tuyến, việc xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh của công dân.

Nối

Khác

Xem tiếp đi