Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả tổ khuyến nông cộng đồng: Băn khoăn làm gì, bắt đầu từ đâu?

Dân Việt 04/12/2022 18:41:51

Ngày 2/12, tại TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum tổ chức buổi Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm xây dựng quy chế hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng tại tỉnh Kon Tum.

Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả tổ khuyến nông cộng đồng: Băn khoăn làm gì, bắt đầu từ đâu?-1

Quang cảnh buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm xây dựng quy chế hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng tại tỉnh Kon Tum. Ảnh: H.L

Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp, HTX, nông dân đã có nhiều ý kiến, đóng góp kinh nghiệm trong việc xây dựng quy chế hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng.

Ông Lê Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), Tổ phó tổ khuyến nông cộng đồng xã Hà Mòn cho biết, trong tổ khuyến nông cộng đồng của xã có 3 thành viên là cán bộ nhà nước, chủ yếu hoạt động trong giờ hành chính. Chính vì vậy, việc tham gia hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng rất ảnh hưởng.

Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả tổ khuyến nông cộng đồng: Băn khoăn làm gì, bắt đầu từ đâu?-2

Đại biểu tham dự nêu ý kiến tại buổi tọa đàm. Ảnh: H.L

Còn ông Đỗ Ngọc, thành viên tổ khuyến nông cộng đồng xã Đăk La (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) chia sẻ, đề án tổ khuyến nông cộng đồng còn khá mới đối với các thành viên nên cần có kiến thức để triển khai, tư vấn hoạt động cho nông dân, HTX, doanh nghiệp. Ông Ngọc cũng đề nghị các cơ quan ban ngành tăng thêm kinh phí hoạt động cho tổ khuyến nông cộng đồng.

Cùng quan điểm với ông Ngọc, ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Thương mại & Dịch vụ Sáu Nhung (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) cho hay, hoạt động của tổ khuyến nông giống như tổ liên ngành hoạt động nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, kiến thức của các thành viên chưa cao. Do vậy, việc tập huấn cho người dân của tổ khuyến nông cộng đồng chưa biết làm gì và bắt đầu như thế nào.

"Quan trọng nhất để tổ khuyến nông cộng đồng hiểu nhau, giao nhiệm vụ cho từng thành viên để cùng phát triển. Chẳng hạn, thành viên nào có năng khiếu, chuyên môn về lĩnh vực gì thì giao nhiệm vụ đó. Các thành viên phải ngồi lại với nhau, bàn bạc và đi thực tiễn học tập để chia sẻ cho nhau kinh nghiệm trong công tác khuyến nông", ông Sáu đặt vấn đề.

Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả tổ khuyến nông cộng đồng: Băn khoăn làm gì, bắt đầu từ đâu?-3

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: H.L

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ghi nhận ý kiến của đại biểu và sẽ tổng hợp lại để trình lên Thứ trưởng Bộ NNPTNT và Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xem xét và hỗ trợ cho tổ khuyến nông cộng đồng trong thời gian tới, đặc biệt là vấn đề kinh phí và trang thiết bị hỗ trợ cho tổ làm việc.

"Với các công chức thuộc UBND các xã, phường, thị trấn là thành viên trong tổ khuyến nông cộng đồng thì đề nghị lãnh đạo cơ quan đó phải tạo điều kiện về mặt thời gian cho họ vừa tham gia công việc hành chính, vừa tham gia hoạt động của tổ để làm sao cho hài hòa lẫn nhau.

Còn về việc tập huấn, nâng cao các kiến thức cho tổ khuyến nông cộng đồng thì các thành viên trong tổ phải thường xuyên cập nhật thêm trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc liên hệ với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để nắm bắt kiến thức một đầy đủ. Đặc biệt, các tổ khuyến nông cộng đồng ở các địa phương có thể kết nối với nhau, tạo lập các nhóm chat trên mạng xã hội như Facebook, Zalo để trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về quy chế, cách hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng", ông Hồng chia sẻ.

"Đề nghị Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum tham mưu cho UBND tỉnh quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí cho ngành nông nghiệp nói chung và tổ khuyến nông cộng đồng nói riêng để hoạt động ngày càng phát triển, có hiệu quả", ông Hồng nói thêm.

Ngày 25/3/2022, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định 1094 phê duyệt đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông thông qua kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.

Theo đó, nội dung của đề án gồm thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng 26 tổ thí điểm/13 tỉnh; xây dựng mô hình, cơ chế hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng; nâng cao năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng đã được thành lập; hỗ trợ trang bị trang thiết bị cho tổ khuyến nông cộng đồng; hướng dẫn khuyến nông cộng đồng xây dựng kế hoạch, phương pháp tổ chức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Mục tiêu nhằm củng cố kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo hướng mở rộng đa chức năng dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành và phát triển nông thôn, góp phần củng cố xây dựng thương hiệu khuyến nông Việt Nam, đa dạng các hoạt động khuyến nông phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng nông sản.

Nối

Khác

Xem tiếp đi