Bắc Trung Bộ: Kết nối hạ tầng, khơi thông nguồn lực

Lao Động 22/01/2023 16:05:35
Bắc Trung Bộ: Kết nối hạ tầng, khơi thông nguồn lực-1

Dự án cải tạo tuyến đường ĐT477 với chiều dài 24,4km được hoàn thành và đưa vào sử dụng trước thời hạn 12 tháng. Ảnh: Diệu Anh

Không thể tụt hậu

Đã có một thời, khi nói đến chuyện mở đường cao tốc chạy dọc Bắc Trung Bộ, từ Ninh Bình tới tận Huế thì nhiều người chỉ cười và lắc đầu: “Đó chỉ là giấc mơ”. Thế nhưng giấc mơ ấy đã sắp trở thành hiện thực bởi bàn tay và khát vọng của con người.

Năm 2001, tôi có dịp đi công tác tại Malaysia, trên con đường cao tốc thẳng tắp dài tới 400km từ Kuala Lumpur tới Johor Bahru tôi cứ thầm mong đến một ngày nào đó, Việt Nam cũng sẽ có những con đường cao tốc như thế này. 400km chỉ đi trong vòng chưa đầy 3 giờ đồng hồ. Lúc ấy, với tôi là một điều kinh ngạc.

Hơn 10 năm sau, tôi lại rong ruổi trên tuyến cao tốc từ Yangoon đến Mandalay- những địa danh nổi tiếng của Myanmar. Đó là kiểu cao tốc rất Myanmar khi nó được trải…bê-tông, dài đến 900km nhưng cũng đủ mang lại những trải nghiệm thú vị.

Trong những chuyến đi trên những câu hỏi về việc bao giờ hệ thống cao tốc của Việt Nam được hoàn chỉnh, tạo sự gắn kết giữa các vùng để thúc đẩy kinh tế xã hội, trong đó có khu vực Bắc Trung Bộ.

“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”

Câu ca dao quen thuộc nói về vẻ đẹp của xứ Nghệ, hay nói rộng ra là của cả khu vực Bắc Trung Bộ từ Thanh Hoá cho đến tận Huế. Phong cảnh đẹp, vị trí địa lý đặc biệt, giàu tài nguyên, tiềm năng phát triển lớn. Thế nhưng với nhịp sống và nhu cầu hiện đại hiện đại những con đường độc đạo, nhỏ bé, “quanh quanh” rõ ràng là không phù hợp. Nó phải là những con đường cao tốc, là đường sắt tốc độ cao, là hệ thống sân bay và cảng hàng không quốc tế.

Không dễ để Bắc Trung Bộ cải thiện hạ tầng. Gần 20 năm trước, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 39 để phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, dù có những tiến bộ nhưng khó khăn vẫn còn đó.

Bắc Trung Bộ: Kết nối hạ tầng, khơi thông nguồn lực-2

Một góc TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình Ảnh: Trần Lâm

Nhớ lại hồi tháng 8.2022, tại toạ đàm về "Liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ trong bối cảnh mới", Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đã thẳng thắn nhận định: Bên cạnh những thành tựu đạt được, tiểu vùng Bắc Trung Bộ chưa đạt được các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra trong Quyết định  1114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chất lượng tăng trưởng chưa bền vững, năng lực canh tranh chưa cao. Mặc dù nhiều công trình, dự án đã huy động đầu tư từ ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng do xuất phát của nền kinh tế thấp, chưa phát huy hết lợi thế cạnh tranh, môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn nên nguồn lực đầu tư xây dựng và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng của các địa phương trong vùng chưa đáp ứng đủ và kịp thời cho các mục tiêu phát triển đề ra…”.

Đó là chưa kể thực tế diễn ra trong nhiều năm là tư tưởng cục bộ địa phương, “mạnh ai người nấy làm”, “không ai chịu liên kết với ai”...

Lợi thế thì có nhiều, tiểu vùng Bắc Trung Bộ có nhiều tiềm năng to lớn, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển như: Kinh tế hàng hải; nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy, hải sản; du lịch biển; xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp gắn với các khu đô thị ven biển; tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo...; cùng với địa danh cách mạng, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu sẽ là tiền đề quan trọng để các tỉnh trong vùng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự bứt phá trong giai đoạn tới.

Về hệ thống đô thị, vùng Bắc Trung Bộ có gần 100 đô thị, tuyến Quốc lộ 1A đi qua 28 đô thị của 5 tỉnh tiểu vùng Bắc Trung Bộ; Có 2 sân bay đang hoạt động (sân bay Vinh và sân bay Đồng Hới) và 1 sân bay Quảng Trị đang được chuẩn bị thủ tục triển khai đầu tư; Có nhiều cảng biển có điều kiện thuận lợi kết nối nội địa và quốc tế như cảng biển nước sâu Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Cảng biển nước sâu Cửa Lò (Nghệ An), Cảng Sơn Dương - Vũng Áng (Hà Tĩnh), Cảng biển Mỹ Thủy (Quảng Trị), Có rất nhiều cửa khẩu biên giới giữa Việt - Lào: Nậm Cắn (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị)… là mắt xích quan trọng trong việc hình thành các hành lang kinh tế tiểu vùng sông Mêkông mở rộng ...

Lợi thế như vậy thì không thể tụt hậu.

Tầm nhìn mới và thay đổi tư duy

Câu chuyện phát triển cao tốc để tăng tốc liên kết vùng chỉ là một phần trong việc cần đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng khu vực Bắc Trung Bộ. Cuối năm 2022, Bộ Chính trị Ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được cho là Nghị quyết tạo ra tầm nhìn mới cho khu vực, đặc biệt là các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá: Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Đổi mới tư duy phát triển, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động; phát triển nhanh, bền vững tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng và các địa phương trong vùng; nâng cao trình độ và thu nhập của người dân trong vùng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của các địa phương trong vùng và cả nước.

Phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phải phù hợp với các chiến lược phát triển quốc gia, nhất là Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, tập trung phát triển các ngành kinh tế biển trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện có, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, các trung tâm vùng và vùng động lực.

Cũng chính tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra 3 câu hỏi: Vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại phải bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?; Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết lần này là gì?; Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả tốt nhất Nghị quyết của Bộ Chính trị, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?

Đó cũng chính là những câu hỏi mang tính thời sự, không chỉ gợi mở mà còn đặt ra mục, tiêu, giải pháp cho khu vực cất cánh bay lên.

Bắc Trung Bộ: Kết nối hạ tầng, khơi thông nguồn lực-3

Tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn liên kết Quảng Trị- Thừa Thiên Huế chính thức thông xe ngày 31.12.2022 . ẢNh: Lê Hoàng

Với từng câu hỏi, Tổng Bí thư đã đưa ra những luận giải cặn kẽ, thuyết phục và chỉ ra hướng đi mới để khu vực Bắc Trung Bộ tạo ra bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của Vùng.

Nghị quyết 26 mở lối và năm 2023 này là năm vừa khởi động, vừa tăng tốc nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra.

Thật nhanh chóng và quyết liệt, những ngày cuối cùng của năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 168/NQ – CP để thực hiện triển khia Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.

Nghị quyết 128 của Chính phủ đặt ra nhiều nhiệm vụ, trong đó điểm nhấn là đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị, xây dựng hệ thống cảng biển ở Thanh Hoá, Nghệ An…và đặc biệt là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi nội vùng và liên vùng với việc tập trung đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, đặc biệt là các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông để kết nối toàn bộ các địa phương trong vùng.

Vào ngày cuối cùng của năm 2022, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn nối Quảng Trị- Thừa Thiên Huế được chính thức thông xe. Đây là 1 trong 11 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đồng thời cũng là một dự án thành phần của dự án đường Hồ Chí Minh. Rồi đây là tuyến cao tốc Mai Sơn- QL45 kết nối Ninh Bình - Thanh Hoá cũng nhanh chóng được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tin chắc rằng, với ý chí và khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị khu vực Bắc Trung Bộ, chắc chắn đây sẽ là vùng được kỳ vọng có tốc độ phát triển nhanh nhất là khi đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng liên kết vùng, tiểu vùng như kết cấu hạ tầng giao thông trong đó có cao tốc phía đông, đường ven biển; cảng biển, sân bay, phát triển chuỗi đô thị ven biển…

Có thể lạc quan và tự tin rằng, giấc mơ giàu và đẹp của khu vực Bắc Trung Bộ đang ở rất gần, bắt đầu bằng những “tuyến cao tốc” trong hiện thực và trong cả tư duy.

Nối

Khác

Xem tiếp đi