77 năm trên hành trình 'xin cho gieo hết hạt trong tay'

Nông Nghiệp Việt Nam 05/12/2022 15:32:39
77 năm trên hành trình 'xin cho gieo hết hạt trong tay'-1

Báo Tấc Đất, tiền thân của Báo Nông nghiệp Việt Nam, thành lập ngày 4/12/1945 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên viết bài trong số ra đầu tiên. Ảnh: Tư liệu.

Báo Tấc Đất được cấp giấy phép vào ngày 4/12/1945 và phát hành số đầu tiên vào ngày 7/12/1945. Người trực tiếp khởi xướng ý tưởng và chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho Báo Tấc Đất ra đời là nhà thơ Huy Cận (1919-2005) lúc bấy giờ đang giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Canh nông.

Nhà thơ Huy Cận là một gương mặt tiêu biểu trong phong trào Thơ Mới. Ngoài tài năng thi ca được nhiều người hâm mộ, ông cũng là một nhân vật ưu tú xuất thân từ Trường Cao đẳng Canh nông. Đối với những hậu sinh làm việc ở Báo Nông nghiệp Việt Nam , nhà thơ Huy Cận luôn dành cho nhiều tình cảm đặc biệt. Vì vậy, lúc ông còn tại thế, chúng tôi đã vài lần được ông đón tiếp rất niềm nở và trò chuyện rất cởi mở ở tư gia số 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội.

77 năm trên hành trình 'xin cho gieo hết hạt trong tay'-2

Nhà thơ Cù Huy Cận khi giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Canh nông đã báo cáo với Bác Hồ về nguyện vọng xuất bản một tờ báo để cổ động sản xuất nông nghiệp. Đó chính là tờ Tấc Đất, tiền thân của Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày nay.

Tháng 8/2001, nhân dịp ra Hà Nội dự Hội nghị nhà văn trẻ toàn quốc, chúng tôi đã ghé thăm nhà thơ Huy Cận. Tuy hình dáng bệ vệ nhưng ông vẫn đi đứng nhanh nhẹn và minh mẫn tuyệt vời. Sau một hồi chia sẻ niềm vui vừa được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ thế giới, nhà thơ Huy Cận cao hứng: “Cậu làm Báo Nông nghiệp Việt Nam , cậu có biết tờ báo ấy ra đời thế nào không?”. Dĩ nhiên, chúng tôi tò mò: “Thế Bộ trưởng Cù Huy Cận đã tác động vào sự kiện đó ra sao ạ?”.

Nhà thơ Huy Cận cười khề khề, kể: “Tớ gốc gác nông dân dưới chân núi Mồng Gà ở Hà Tĩnh, thì phải quan tâm đến nông nghiệp chứ. Hồi nhỏ, tớ đã nghe nói trong Nam bộ có tờ Báo Nông Cổ Mín Đàm bàn chuyện nông nghiệp và thương nghiệp. Thời học trung học ở Huế, tớ đọc tờ Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, thấy có nhiều bài rất thú vị về nông dân. Nhất là khi học Trường Cao đẳng Canh nông thì tớ được đọc nhiều tạp chí tiếng Pháp có hẳn chuyên mục riêng cho nông nghiệp. Vì vậy, sau ngày 2/9/1945, suốt mấy tháng làm Bộ trưởng Bộ Không Bộ thì tớ đã nghĩ phải có một tờ báo cho nông nghiệp và nông dân Việt Nam.

77 năm trên hành trình 'xin cho gieo hết hạt trong tay'-3

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đến thăm, chúc mừng Báo Nông nghiệp Việt Nam nhân kỷ niệm 77 năm thành lập và gửi gắm thông điệp: "Báo Nông nghiệp Việt Nam phải sống bằng ý tưởng". Ảnh: Tùng Đinh.

Khi Chính phủ thành lập Bộ Canh nông và giao cho tớ làm Bộ trưởng, tớ lập tức báo cáo với Cụ Hồ về nguyện vọng xuất bản một tờ báo để cổ động sản xuất nông nghiệp. Cụ Hồ hoan nghênh ngay. Tớ về thảo luận với mấy anh em ở cơ quan... để làm tờ trình. Bọn tớ đề xuất một số cái tên báo, trong đó tớ đề xuất lấy tên “Tinh thần nông dân”. Hôm sau, tớ lên trình bày lại với Cụ Hồ, nhưng Cụ Hồ chê mấy cái tên báo của bọn tớ không gần gũi với người cày ruộng. Cụ Hồ đặt tên báo là Tấc Đất , và viết bài trên số báo đầu tiên giải thích ý nghĩa Tấc đất tấc vàng”.

Chúng tôi cắc cớ: “Khi đã phát hành Báo Tấc Đấc , Bộ trưởng Cù Huy Cận có tham gia viết bài ủng hộ vụ mùa không?”. Nhà thơ Huy Cận đáp tỉnh bơ: “Tớ có gửi đăng thơ. Ngay cả khi đã chuyển sang Bộ Nội vụ và Bộ Kinh tế thì tớ cũng gửi thơ cho Tập san Canh Nông . Này, này... mấy ông phê bình cứ bảo thơ Huy Cận mang cảm hứng vũ trụ, mà không chịu để ý thơ Huy Cận viết về nông thôn cũng tầm cỡ đấy”.

Quả thật, nông thôn cũng là một đề tài chiếm tỉ trọng không nhỏ trong sự nghiệp thơ Huy Cận. Ông có những câu thơ về làng quê thật đẹp “Đất bãi tươi làm da thịt mát/Sóng sông như những cánh buồm bay”. Ngay cả quy trình canh tác nông nghiệp, cũng được ông miêu tả tỉ mỉ, từ “Mùi đất mùi phân nhuyễn với nhau/ Mùi bùn vừa nạo dưới ao sâu/ Chua chua ráp ráp mùi ngâm mạ/ Nghe nứt mầm xanh mỗi tế bào” đến “Được mùa giống mới gà no bữa/ Tiếng gáy tròn như lúa nặng bông”. Và một trong những bài thơ cuối đời, nhà thơ Huy Cận viết: “Rồi một ngày kia giã cõi này/Xin cho gieo hết hạt trong tay”.

77 năm trên hành trình 'xin cho gieo hết hạt trong tay'-4

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và lãnh đạo các đơn vị của Bộ NN-PTNT chúc mừng Báo Nông nghiệp Việt Nam nhân 77 năm ngày thành lập. Ảnh: Tùng Đinh.

Thông điệp “xin cho gieo hết hạt trong tay” của nhà thơ Huy Cận, sau này chúng tôi còn phát hiện thêm qua một nhân vật nổi tiếng khác là nhà văn Anh Đức (1935-2014). Chi nhánh Báo Nông nghiệp Việt Nam tại TP.HCM từng có một phong tục khá độc đáo là mỗi dịp lễ lạt đều quy tụ rất đông đảo văn nghệ sĩ. Trong số ấy, nhà văn Anh Đức thỉnh thoảng đến chung vui với báo, nhưng không bao giờ xem mình là khách mà tự nhận là “nhân viên cũ”. Luôn luôn điềm đạm và chuẩn mực, có lần nhà văn Anh Đức bá vai nhà báo Phí Văn Điển đang làm Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam phụ trách chi nhánh TP.HCM, mà nói rằng: “Tui đến với báo này trước anh đấy nhé!”.

Theo lời kể của nhà văn Anh Đức, ngay từ ngày rời quê nhà An Giang tham gia cách mạng thì ông đã phụ việc cho Tạp chí Lá Lúa trong chiến khu rồi mới chuyển sang làm Báo Cứu Quốc Nam Bộ . Năm 1954, nhà văn Anh Đức tập kết ra Bắc. Trong bữa cơm đầu tiên tại Hà Nội, nhà thơ Huy Cận đã ưu ái giới thiệu nhà văn Anh Đức về Báo Toàn dân canh tác.

Thế nhưng, nhà văn Anh Đức cho biết, giai đoạn đó báo Toàn dân canh tác phát hành không định kỳ và ít lâu sau thì đổi thành Báo Nông lâm mỗi tháng chỉ in hai kỳ. Vì vậy, nhà văn Anh Đức mới chuyển qua công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam rồi về Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Anh Đức tếu táo: “Không phải lúc ấy làm ở Báo Toàn dân canh tác hay Báo Nông lâm mà được nhiều gạo hơn người của các đơn vị khác đâu. Cùng tập kết với tôi, thời gian đầu nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhà văn Hoàng Văn Bổn mỗi tháng đều được nhận suất lương thực gấp đôi tôi. Hỏi ra mới biết, ông Sáng được biên chế vào đội bóng bàn còn ông Bổn được biên chế vào đội bóng chuyền, nên chế độ phụ cấp cao lắm”.

77 năm trên hành trình 'xin cho gieo hết hạt trong tay'-5

Cán bộ, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập báo năm 2020. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhà văn Anh Đức không chỉ có những tác phẩm lừng lẫy như “Hòn Đất” hay “Một chuyện chép ở bệnh viện” để mang đến cho công chúng chân dung chị Sứ hay chị Tư Hậu, mà ông rất tâm huyết với việc khắc họa hình ảnh người nông dân Nam bộ qua “Lão anh hùng dưới hầm bí mật”, “Giấc mơ ông lão vườn chim”, “Đứa con của đất”...

Nhà văn Anh Đức thổ lộ: “Tôi chẳng có đóng góp gì cho Báo Toàn dân canh tác hay Báo Nông lâm , nhưng thịnh tình của nhà thơ Huy Cận giúp tôi nghĩ ngợi nhiều hơn về cuộc sống nông dân. Lúc ấy, tôi thai nghén truyện ngắn “Đất” rất lâu. Năm 1962, tôi quay vào Căn cứ Trung ương Cực miền Nam và hoàn thành truyện ngắn “Đất” cho in trong tập “Bức thư Cà Mau” xuất bản năm 1965”.

Thông điệp “xin cho gieo hết hạt trong tay” với nông nghiệp, nông dân và nông thôn hun đúc qua hai bậc tiền bối được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh là nhà thơ Huy Cận và nhà văn Anh Đức, vẫn tiếp tục được lưu truyền nhiều thế hệ sau của Báo Nông nghiệp Việt Nam . Ngoài công tác tuyên truyền kịp thời các chính sách nông nghiệp và cổ vũ nồng nhiệt các mô hình nông nghiệp, Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng mạnh dạn bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho từng người cấy lúa, từng người trồng rau, từng người đánh cá, từng người nuôi lợn...

Quan trọng hơn, những người làm Báo Nông nghiệp Việt Nam nâng niu giá trị mỗi thương hiệu nông sản và thấu hiểu mỗi giọt mồ hôi nông dân. Trên trang báo và sau trang báo, chúng tôi tình nguyện gánh vác cả những âu lo lặng thầm ở mỗi lũy tre, ở mỗi con đê, ở mỗi góc làng. Như cách Hoàng Trần Cương nghĩ về sự thương khó của nông dân trước thiên nhiên miền Trung khắc nghiệt “Mưa giờ ngọ chưa qua gió giờ mùi đã đến/ Cay đắng lắng vào trái ớt lúc còn xanh”, hoặc như cách Phạm Việt Thư thảng thốt trước sự bình ổn của môi trường “Hỏi bà con đồng chí Thái Bình/Chọn một năm than, hay ngàn năm lúa?”.

77 năm trên hành trình 'xin cho gieo hết hạt trong tay'-6

Báo Nông nghiệp Việt Nam tự tin xây dựng hệ sinh thái báo chí đa phương tiện để đồng hành và thúc đẩy nền nông nghiệp nước nhà. Ảnh: HT.

Xã hội tiến bộ từng ngày, nền nông nghiệp Việt Nam đón nhận cơ hội mới và thách thức mới để phát triển bền vững. Báo Nông nghiệp Việt Nam tự tin xây dựng hệ sinh thái báo chí đa phương tiện để đồng hành và thúc đẩy nền nông nghiệp nước nhà. Chúng tôi không lên giọng rao giảng sứ mệnh, chúng tôi nỗ lực gạt bỏ những toan tính riêng tư và ích kỷ, để “xin cho gieo hết hạt trong tay” cùng cộng đồng. Từ Báo Tấc đất đến Báo Nông nghiệp Việt Nam hôm nay, chúng tôi ngoảnh lại chặng đường 77 năm với không ít tự hào, và chúng tôi hướng đến ngày mai với những câu hỏi đầy trách nhiệm cho tương lai cường thịnh và nhân văn của nông nghiệp Việt Nam, đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Nối

Khác

Xem tiếp đi