OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng dầu bất chấp áp lực từ Mỹ

vtc 06/10/2022 03:16:54

Hội nghị bộ trưởng các nước OPEC+ diễn ra tại Vienna (Áo) ngày 5/10 đã thống nhất việc sẽ cắt giảm sản lượng dầu khoảng 2 triệu thùng/mỗi ngày kể từ tháng 11/2022, Reuters đưa tin.

Đây là mức giảm sản lượng lớn nhất của OPEC+ kể từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Nó cho thấy ý định của OPEC+ là giữ giá ở mức cao sau khi trải qua 7 năm giá thấp, giới phân tích cho biết.

Với việc cắt giảm sản lượng dầu vào cuối năm, giá dầu thế giới nhiều khả năng sẽ có biến động lớn khi nguồn cung ngày càng hạn chế.

OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng dầu bất chấp áp lực từ Mỹ-1

OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng dầu khoảng 2 triệu thùng/mỗi ngày kể từ tháng 11/2022. (Ảnh: Reuters)

Kể từ sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (tháng 2/2022), giá dầu thế giới từng có lúc bị đẩy lên đến 120 USD/thùng trong tháng 7, nhưng sau đó dần hạ nhiệt xuống mức 90 USD/thùng ở thời điểm hiện tại.

Đầu tuần này, truyền thông phương Tây đều đưa tin về khả năng OPEC+ sẽ giảm sản lượng trong hội nghị ở Vienna, với mức giảm từ 500.000 đến 1 triệu thùng/ngày.

Việc các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu lớn trên thế giới giảm hai triệu thùng/ngày sẽ đánh dấu mức cắt giảm sản lượng lớn nhất kể từ tháng 4/2020. Con số này tương đương với khoảng 2% nhu cầu dầu toàn cầu.

Trước đó, Washington đã cố gắng ngăn chặn việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ. Điều này có thể tác động tiêu cực đến đảng Dân chủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Quyết định trên cũng phủ bóng lên kế hoạch áp trần giá bán dầu Nga của các nước G7. Nó đồng thời xóa tan kỳ vọng về khả năng OPEC+ tăng cung mạnh tay sau nhiều tháng nỗ lực ngoại giao của Mỹ.

Một quan chức Mỹ cấp cao giấu tên nói với CNN, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng lúc này đối với Washington mà nói có thể xem là “hành động thù địch”.

Trong cuộc họp ở Vienna, Suhail Al Mazrouei, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nói rằng, OPEC+ là một “tổ chức kỹ thuật”, khi được hỏi liệu quan hệ Mỹ-UAE có nguy cơ bị tổn hại vì đề xuất này hay không.

Hầu hết các quan chức từ các quốc gia thành viên OPEC+ cho biết bất kỳ quyết định cắt giảm sản lượng nào đều là “quyết định kỹ thuật không phải chính trị”.

Hồi tháng 7, Tổng thống Biden từng kêu gọi Ả rập Xê út, nước đứng đầu OPEC tăng sản lượng để kiềm chế giá dầu. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, giá dầu thô đã giảm do lo ngại nhu cầu sẽ giảm và nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái.

Từ năm 2021, OPEC+ bắt đầu tăng sản lượng sau khi thị trường phục hồi. Sản lượng trở về mức trước đại dịch COVID-19 trong năm 2022 nhưng chỉ trên văn bản vì một số thành viên phải chật vật để đạt chỉ tiêu tăng sản lượng. Đến tháng 9 vừa qua, sau hơn 1 năm, lần đầu tiên OPEC+ lại quyết định cắt giảm sản lượng nhưng chỉ là một động thái tượng trưng với mức cắt giảm là 100.000 thùng/ngày từ tháng 10.

Các bộ trưởng OPEC+ cũng nhất trí cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 12 tới.

Trà Khánh (Nguồn: russian.rt.com )

Nối

Khác

Xem tiếp đi