Bài cuối: Nâng chất lượng hoạt động tiếp xúc, đối thoại

Hà Nội Mới 30/11/2022 17:10:46

(HNM) - Sau 4 bài viết đánh giá về 5 năm triển khai Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội, một số định hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Báo Hànộimới nhận được nhiều phản hồi của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở bày tỏ sự đồng tình và quyết tâm thực hiện công tác này tốt hơn nữa; đồng thời, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng nêu nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động tiếp xúc, đối thoại.

Bài cuối: Nâng chất lượng hoạt động tiếp xúc, đối thoại-1

Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa đồng chí Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận, Chủ tịch UBND quận với Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ban Thường vụ các tổ chức chính trị - xã hội quận Ba Đình năm 2022.

Ảnh: Nguyễn Quang

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến:
Không nhầm lẫn với tiếp xúc cử tri

Rõ ràng, Quyết định số 2200-QĐ/TU về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân” được Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 25-5-2017 đã đáp ứng yêu cầu thực hiện những nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Thông qua hoạt động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, các cấp ủy, chính quyền đã từng bước thay đổi nhận thức, phương thức lãnh đạo, điều hành, quản lý. Nhờ vậy, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu được nâng lên; hệ thống chính trị cũng vào cuộc để giải quyết các vấn đề, vụ việc nhanh hơn; các chính sách ban hành phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống thực chất hơn.

Từ thực tế tại quận Cầu Giấy cho thấy, kết quả các cuộc tiếp xúc, đối thoại trên địa bàn quận ngày càng chất lượng; tinh thần dân chủ, cởi mở, đối thoại nhiều bên, nhiều cấp cùng tham gia với thành phần ngày càng mở rộng. Các kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương cơ bản được tiếp thu, xử lý ngay tại cơ sở. Qua đó đã hạn chế được bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp và phát sinh điểm nóng.

Để khắc phục những hạn chế trong triển khai Quyết định số 2200-QĐ/TU, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân không nhầm lẫn hoạt động này với tiếp xúc cử tri, cần thực hiện tốt hơn nữa Quy chế dân chủ ở cơ sở; làm tốt công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, công tác dân tộc, tôn giáo… Đặc biệt, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp xúc, đối thoại và giải quyết kiến nghị của nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn:
Tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở

Sau 5 năm triển khai Quyết định số 2200-QĐ/TU, tỷ lệ giải đáp những kiến nghị của nhân dân tại huyện Đan Phượng đều đạt từ 90% trở lên. Cùng với việc nhân dân đồng thuận cao với các chủ trương, định hướng lớn của huyện, chỉ số hài lòng của người dân với các cơ quan nhà nước huyện Đan Phượng xếp thứ 4/30 quận, huyện, thị xã của thành phố.

Qua triển khai hoạt động tiếp xúc, đối thoại, huyện Đan Phượng cũng đúc rút được một số kinh nghiệm. Đó là trong quá trình đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm cần trả lời trực tiếp và giải quyết từng ý kiến của người dân; trao đổi với nhân dân xem việc trả lời, giải quyết như vậy đã thấu tình, đạt lý hay chưa. Cần tạo bầu không khí thoải mái, dân chủ, cởi mở, không cách biệt. Có như vậy, người dân mới nói thật, nói hết những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của mình.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường:
Không né tránh việc khó

Triển khai chủ trương lớn của Thành ủy Hà Nội về thực hiện tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân, huyện Đông Anh đã có những cách làm mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện.

Về hình thức, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện đã thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và nhân dân đến từng xã, thị trấn. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp đến từng thôn, tổ dân phố. Huyện cũng sử dụng phiếu xin ý kiến rộng rãi đến các đại biểu đại diện các ngành, ban, đơn vị và nhân dân trước khi tiếp xúc, đối thoại.

Đặc biệt, huyện Đông Anh đã lựa chọn những nội dung thiết thực, cấp thiết của huyện và các xã, thị trấn, những vấn đề dân sinh bức xúc làm chủ đề tiếp xúc, đối thoại và không né tránh việc khó khi tổ chức đối thoại.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Hương Trà:
Nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân

Kết quả thực hiện tiếp xúc, đối thoại thời gian qua tại huyện Gia Lâm đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu. Hoạt động tiếp xúc, đối thoại cũng góp phần quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân, để từ đó không phát sinh đơn thư, khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo vượt cấp; đồng thời tạo dựng niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.

Hoạt động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân cũng góp phần thực hiện hiệu quả cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ đã được nêu cao với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Nối

Khác

Xem tiếp đi