Trung Quốc ghi nhận 116 ca mắc mới trong cộng đồng, số người nhiễm mới tại Hàn Quốc thấp nhất trong 3 tháng

VTV 04/10/2022 14:08:04

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 98,25 triệu ca mắc và hơn 1,084 triệu trường hợp tử vong.

Kết quả một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Kaiser Family Foundation (KFF), một tổ chức phi lợi nhuận về chính sách y tế, chi thấy, 2/3 người trưởng thành ở Mỹ không có kế hoạch đi tiêm mũi vaccine COVID-19 cập nhật. Theo đó, chỉ 1/3 số người trưởng thành được hỏi tại Mỹ cho biết họ đã tiêm các mũi vaccine cập nhật hoặc có kế hoạch tiêm liều vaccine COVID-19 tăng cường càng sớm càng tốt.

Các loại vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna phiên bản cập nhật để nhắm mục tiêu vào các biến thể phụ của Omicron cũng như chủng virus ban đầu đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấp phép vào cuối tháng 9. Khoảng 18% người được hỏi nói rằng họ chờ xem liệu họ có tiêm mũi tăng cường phiên bản mới hay không, trong khi 10% nói rằng họ sẽ chỉ tiêm nếu nó được yêu cầu. Khoảng 12% người trưởng thành được khảo sát cho biết, họ chắc chắn sẽ không tiêm, trong khi 27% cho biết họ không đủ điều kiện vì chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Theo dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố hôm 29/9, khoảng 7,6 triệu người đã đi tiêm các mũi tiêm phiên bản cập nhật. Con số này đại diện cho khoảng 3,5% trong số 215,5 triệu người từ 12 tuổi trở lên đủ điều kiện để tiêm các mũi vaccine vì họ đã hoàn thành đợt tiêm chủng cơ bản của mình tại Mỹ.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 2/10, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,59 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 , bao gồm hơn 528.600 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 155.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 35,47 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 2/10, Pháp ghi nhận 37.453 ca mắc mới.

Brazil có tổng số người mắc COVID-19 cao thứ tư thế giới với trên 34,72 triệu ca và đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, về số người tử vong vì bệnh dịch này với hơn 686.300 trường hợp.

Từ đầu tháng 10, Đức bắt đầu áp dụng những quy định sửa đổi về các biện pháp phòng dịch nhằm chống lại nguy cơ gia tăng các trường hợp mắc COVID-19 trong mùa đông này. Bộ quy tắc mới được đưa ra trong bối cảnh Đức đang chứng kiến sự gia tăng trở lại số ca mắc COVID-19 trong tuần, khi thời tiết trở lạnh. Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Karl Lauterbach mô tả, các quy định mới nghiêm ngặt hơn so với các nước châu Âu khác.

Theo quy định mới, tất cả những hành khách trên 14 tuổi đều phải bắt buộc đeo khẩu trang FFP2 trên các chuyến tàu đường dài, thay vì quy định đeo khẩu trang y tế ít bảo vệ hơn như hiện nay. Mặc dù quy định mới của liên bang không bắt buộc nhưng tất cả 16 bang của Đức đều nhất trí với quy định yêu cầu hành khách tham gia các phương tiện giao thông công cộng khác như xe bus, tàu điện ngầm... phải đeo ít nhất khẩu trang y tế.

Tuy nhiên, những hành khách đi máy bay có thể không phải đeo khẩu trang. Điều này phù hợp với thông lệ của các hãng hàng không cũng như các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU).

Hiện khẩu trang FFP2 vẫn là bắt buộc tại các bệnh viện, nhà dưỡng lão và phòng khám. Trước khi đến nhà dưỡng lão hay bệnh viện đều phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính và nhân viên tại các cơ sở đó cũng phải xét nghiệm vài lần một tuần.

Trong trường hợp tình hình lây nhiễm trở nên tồi tệ hơn, các bang có quyền áp dụng những biện pháp tiếp theo, yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc ở các khu vực trong nhà như cửa hiệu và nhà hàng. Xét nghiệm bắt buộc có thể sẽ áp đặt trở lại tại các trường học và nhà trẻ. Tại trường học, các bang cũng có thể yêu cầu học sinh bắt buộc đeo khẩu trang nhưng chỉ dành cho trẻ em trên 11 tuổi.

Trong tuần qua, Chính phủ Australia đã công bố kết quả đánh giá việc mua vaccine phòng COVID-19 , cho thấy quốc gia này đang dư thừa vaccine của hãng Novavax nhưng cần bổ sung vaccine từ hãng Moderna. Hiện Australia mới chỉ bảo đảm một nguồn cung giới hạn loại vaccine mới của Moderna, phiên bản đặc hiệu với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đủ dùng cho năm 2022. Bộ trưởng Bộ Y tế Australia Mark Butler nhận định, việc chuẩn bị nguồn vaccine cho năm tới là vấn đề cần được xem xét khẩn cấp.

Nội các Australia đã quyết định dỡ bỏ quy định cách ly 5 ngày đối với những những người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 14/10 tới, đánh dấu sự kết thúc của một trong những biện pháp hạn chế cuối cùng ở quốc gia lớn nhất châu Đại Dương.

Cùng với quyết định trên, Nội các Australia đã nhất trí các biện pháp bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương nhất, phải đối mặt với rủi ro cao, và tiếp tục hỗ trợ tài chính có mục tiêu cho người làm việc trong các lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật và làm việc tại bệnh viện nếu họ phải cách ly do yêu cầu công việc. Các khoản hỗ trợ tài chính cho những người bị nhiễm COVID-19 không thuộc các lĩnh vực trên cũng sẽ chấm dứt vào ngày 14/10.

Ngày 2/10, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 116 ca mắc COVID-19 mới lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận 432 ca mắc mới không triệu chứng.

Cũng theo NHC, tổng cộng có 143 bệnh nhân COVID-19 đã xuất viện trong ngày 1/10, nâng tổng số bệnh nhân phục hồi tại Trung Quốc đại lục lên 242.629 người. Số ca tử vong do COVID-19 vẫn giữ nguyên ở mức 5.226 trường hợp.

Tại Hàn Quốc , số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục duy trì dưới ngưỡng 30.000 ca trong ngày thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có xu hướng lây lan chậm lại. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 2/10 cho biết, trong 24 giờ qua đã ghi nhận 23.597 ca mắc mới, trong đó có 246 trường hợp nhập cảnh, nâng tổng số người nhiễm lên trên 24,81 triệu. Đây cũng là ngày có số ca mắc mới thấp nhất trong 12 tuần qua tại Hàn Quốc. Ngoài ra, nước này ghi nhận thêm 44 bệnh nhân tử vong do COVID-19, nâng số người không qua khỏi lên 28.489 trường hợp.

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang dần lắng dịu, Hàn Quốc đã nới lỏng hơn nữa các biện pháp chống dịch để hỗ trợ người dân trở lại cuộc sống bình thường. Từ ngày 1/10, Hàn Quốc đã bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR đối với những người nhập cảnh. Giới chức y tế cũng cho phép nối lại hình thức thăm nom trực tiếp tại các viện dưỡng lão và bệnh viện chăm sóc người cao tuổi kể từ ngày 3/10.

Trước đó, vào tuần trước, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã dỡ bỏ tất cả các quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang trong không gian kín vẫn có hiệu lực để tránh nguy cơ lây lan cúm mùa và dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

Thái Lan đã chính thức dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp y tế phòng dịch COVID-19 được ban bố hồi tháng 3/2020. Cùng với việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp y tế, tất cả các hạn chế liên quan dịch bệnh COVID-19 đều được bãi bỏ hoặc không bắt buộc áp dụng. Theo đó, từ ngày 1/10, du khách tới Thái Lan không phải xuất trình chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Việc đeo khẩu trang hay đo thân nhiệt, sát khuẩn tay không còn là điều kiện bắt buộc khi đi ra ngoài hoặc tới những nơi công cộng.

Theo một quyết định do Chính phủ công bố hôm 23/9 vừa qua, cũng từ ngày 1/10, Thái Lan hạ cấp dịch COVID-19 từ "bệnh truyền nhiễm nguy hiểm" xuống mức 1 là "bệnh truyền nhiễm cần theo dõi" và sẽ duy trì mức độ này đến hết tháng 9/2023. Trung tâm ứng phó dịch COVID-19 (CCSA) của Thái Lan cũng tự động giải thể.

Giới chức y tế Thái Lan cho biết, Bộ Y tế nước này hạ cấp độ nguy hiểm của COVID-19 xuống mức 1 là do tình hình dịch bệnh tại nước này ổn định và các biến thể virus gây bệnh hiện tại đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, sẽ khó dự đoán số bệnh nhân trong tương lai hoặc liệu sẽ có những đợt bùng phát dịch tiếp theo hay không. Do đó, các tổ chức trực thuộc Bộ Y tế Thái Lan sẽ tiếp tục theo dõi và giám sát tình hình, đặc biệt là những bệnh nhân cần bổ sung oxy hoặc ghi nhận tình trạng nhiễm trùng phổi. Các trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng sẽ vẫn tiếp tục được điều trị miễn phí và việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn tiếp tục được thực hiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo !

Nối

Khác

Xem tiếp đi