Đức tìm kiếm bước ngoặt trong quan hệ thương mại với Trung Quốc

Zingnews 27/11/2022 09:46:34
Đức tìm kiếm bước ngoặt trong quan hệ thương mại với Trung Quốc-1

Nước Đức dưới thời Tân Thủ tướng Olaf Scholz đang trải qua thời kỳ dịch chuyển mạnh mẽ về tư duy đối ngoại, được đánh dấu bằng bài phát biểu của nhà lãnh đạo 64 tuổi trước Quốc hội Liên bang vào ngày 27/2. Khi đó, ông khẳng định rằng đây chính là thời điểm “Zeitenwende”, tạm dịch là “bước ngoặt”, cho những thay đổi mang tính nền tảng trong chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh của nước này.

Thủ tướng Scholz được cho là hiện thực hóa tầm nhìn của thời đại “Zeitenwende” bằng một loạt điều chỉnh chính sách nhằm phản ứng trước tình hình tại Ukraine.

Tuy nhiên, nhiều người dân Đức và cả giới chính trị gia lại đang trông chờ vào những động thái tương tự và thiết thực hơn trong vấn đề quan hệ thương mại với Trung Quốc, trước bối cảnh sức ảnh hưởng về kinh tế của Bắc Kinh lên Berlin ngày càng gia tăng một cách khó đoán định.

Zeitenwende và chính sách trước Trung Quốc

Khi lên nắm quyền vào cuối tháng 12/2021, Thủ tướng Olaf Scholz được kỳ vọng sẽ tiếp nối những di sản của người tiền nhiệm, bà Angela Merkel, giống như những gì ông đã tuyên bố trong vòng tranh cử.

Trong đó, việc tiếp tục duy trì quan hệ thương mại với cả những quốc gia có đường lối chính trị khác biệt như Nga và Trung Quốc cũng không nằm ngoài ưu tiên của chính quyền ông Scholz.

Điều này đến từ phương châm “Wandel durch Handel”, tạm dịch là “thay đổi thông qua thương mại”, một trong những kim chỉ nam của chính sách đối ngoại Đức.

Khái niệm này xuất phát từ niềm tin rằng, khi tăng cường trao đổi thương mại và kéo các quốc gia có đường lối chính trị khác biệt hội nhập vào hệ thống thương mại quốc tế, sự thay đổi về mặt chính trị là điều tất yếu sẽ xảy ra, và theo hướng có lợi cho Berlin.

Thế nhưng, việc Nga tuyên bố công nhận hai vùng lãnh thổ ly khai tại vùng Donbass và phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào ngày 24/2 nằm ngoài dự đoán của Berlin, cho thấy những hạn chế của “Wandel durch Handel”. Để khắc phục những hạn chế này, chính ông Scholz là người đã khởi xướng thời kỳ “Zeitenwende” trong bài phát biểu vào 3 ngày sau đó.

Đức tìm kiếm bước ngoặt trong quan hệ thương mại với Trung Quốc-2

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Văn phòng tổng thống Ukraine.

Nhiều nhà phân tích đặt ra câu hỏi: Đức đã thừa nhận “Wandel durch Handel” không hiệu quả với Nga, vậy câu trả lời của Berlin trong vấn đề Trung Quốc là gì? “Zeitenwende” có ý nghĩa như thế nào đối với chính sách Trung Quốc của Đức?

Việc Tập đoàn Vận tải biển Trung Quốc (COSCO) thành công sở hữu 24,9% cổ phần của một trong ba bến cảng thuộc cảng Hamburg, sau khi nhận được sự chấp thuận từ chính phủ Đức vào ngày 26/10 vừa qua, cho thấy mức độ ảnh hưởng về kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc đối với nước này. Diễn biến này cũng khiến các nhà quan sát ngày càng thêm nóng lòng chờ đợi vào những động thái mới nhất từ phía chính quyền Thủ tướng Scholz.

“Trung Quốc mà chúng ta nhìn thấy trong thực tế”

Trong một bài phát biểu vào tháng 12 năm ngoái về chương trình nghị sự của chính quyền mới, khi nhắc tới Trung Quốc, Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định rằng: “Chúng ta (Đức) cần xây dựng chính sách với Trung Quốc dựa trên một Trung Quốc mà chúng ta nhìn thấy trong thực tế”.

Có thể khẳng định, chính sách của Berlin trong quan hệ với Bắc Kinh hiện nay chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những tương tác cá nhân của ông Scholz trong quá khứ, trước khi lên nắm giữ vị trí đương nhiệm hiện tại.

Trong thời gian từ năm 2011 đến 2018, ông Scholz là Thủ hiến của Hamburg, thành phố cảng lớn nhất nước Đức được nhắc tới bên trên.

Trong suốt 7 năm nắm giữ cương vị này, việc xúc tiến thương mại giữa thành phố và các doanh nghiệp Trung Quốc đã trở thành một trong những ưu tiên lớn của vị thủ hiến.

Khi Hamburg được lựa chọn làm nơi đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào năm 2017, ông Scholz đã không ngần ngại quảng bá với kênh truyền thông Trung Quốc CGTN rằng Hamburg chính là “cảng Trung Quốc” lớn nhất tại Đức, xuất phát từ việc thành phố cảng này là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp do Bắc Kinh tài trợ nhất cả nước, đồng thời bày tỏ mối quan tâm trong việc hợp tác thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường do Bắc Kinh khởi xướng.

Tiếp đó, khi đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Tài chính trong Nội các của Cựu Thủ tướng Angela Markel từ năm 2018 đến năm 2021, ông Scholz cũng có tiếp xúc với nhiều thành phần kỹ trị và thực dụng trong hệ thống chính trị Trung Quốc.

Đức tìm kiếm bước ngoặt trong quan hệ thương mại với Trung Quốc-3

Cựu Thủ tướng Đức Angela Markel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: China Daily.

Trong khoảng thời gian 4 năm này, mức độ thâm hụt thương mại giữa hai bên gia tăng đáng kể, với cán cân xuất khẩu nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Số liệu của Viện Kinh tế Đức (IW) chỉ ra rằng, chỉ trong vòng hai năm từ 2020 đến 2022, tỷ lệ hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc đã gia tăng gấp gần 4 lần trong tổng cơ cấu nhập khẩu của Đức, từ 3,4% lên 12,4%, bất chấp những tác động từ đại dịch Covid-19 và chính sách “Zero Covid-19”.

Một số quan điểm cho rằng, chuyến thăm gần đây nhất của Thủ tướng Scholz tới Bắc Kinh hôm 4/11 cũng thể hiện những tham vọng đẩy mạnh mối quan hệ cá nhân giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trước khi chuyến thăm diễn ra, có nguồn thông tin cho biết rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị Thủ tướng Olaf Scholz đi cùng ông tới thăm Trung Quốc, nhưng lời đề nghị bị phía Berlin khước từ.

Ngoài ra, ông Scholz cũng không có ý định chỉ tổ chức một chuyến thăm đơn thuần mang tính chất chính trị, khi thành phần tham gia phái đoàn còn có sự hiện diện của đại diện các doanh nghiệp Đức đang làm ăn tại Trung Quốc. Rất nhiều CEOs của các công ty lớn như BASF, Volkswagen, Siemens AG đã tháp tùng vị Thủ tướng trong chuyến thăm kéo dài một ngày này.

Nội dung nổi bật trong chuyến thăm cũng là vấn đề thương mại, với một số nội dung có liên quan, nhưng không chiếm trọng tâm, như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và các quốc gia vỡ nợ.

Như vậy, dù ở vị trí nào, khi đang đại diện cho quốc gia hay chỉ là một thành phố, vấn đề thương mại và những cơ hội béo bở cho cả hai phía vẫn luôn là yếu tố chiếm vị trí chủ đạo trong góc nhìn về Trung Quốc của vị chính trị gia kỳ cựu người Đức này.

Lợi ích kinh tế hay sự đoàn kết ?

Người dân Đức hay đại diện của các chính đảng tại nước này hoàn toàn có cơ sở để lo ngại về sự phụ thuộc ngày càng gia tăng của nền kinh tế Đức vào Trung Quốc.

Việc cho phép các nhà thầu nước ngoài, đặc biệt các bên có liên quan tới chính phủ, nắm giữ cổ phần tại các cơ sở hạ tầng trọng yếu như cảng biển là một vấn đề hệ trọng đối với chủ quyền quốc gia.

Đặc biệt, Hamburg là cảng biển với công suất trung chuyển lớn nhất tại Đức và lớn thứ hai trên toàn Liên minh châu Âu (EU), do đó đóng vai trò tối quan trọng trong kết nối giao thương giữa Đức nói riêng và các nước EU trong nội địa nói chung với phần còn lại của thế giới.

Nước Đức cũng đã trải qua bài học trong quan hệ với Nga, khi phụ thuộc quá lớn vào Moscow trong vấn đề nguồn cung năng lượng, và hiện phải đương đầu với bài toán khó về an ninh năng lượng khi quan hệ giữa hai bên đi xuống. Khó có thể biết được điều gì sẽ xảy ra với những bến cảng nằm dưới cổ phần của COSCO nếu một ngày quan hệ giữa Bắc Kinh và Berlin xấu đi.

Sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc có thể là món lợi lớn cho Đức, khi có cơ hội tiếp cận với thị trường tỷ dân, cũng như nguồn cung nhập khẩu một số mặt hàng tiêu dùng, nguyên liệu thô với giá rẻ. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi khi nó là nguồn cơn của sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ nước này.

Đến nay, chưa có vấn đề nào gây mâu thuẫn trong nội các của Thủ tướng Scholz hơn quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Phó chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (FDP) Johannes Vorgel đã yêu cầu “đặt ra một chỉ dấu rõ ràng về điểm giới hạn cho phía Trung Quốc”, trong khi Ngoại trưởng Annalena Baerbock đến từ đảng Xanh cũng khẳng định với lãnh đạo của các doanh nghiệp Đức rằng nước Đức không thể tiếp tục theo đuổi châm ngôn “Thương mại là trên hết” mà bỏ qua “những nguy cơ và sự phụ thuộc về dài hạn”.

Những tiếng nói phản đối cũng xuất hiện ngay trong nội bộ đảng Dân chủ Xã hội (SDP) của ông Scholz. “Chúng ta cần giảm bớt sự phụ thuộc từ một phía, đặc biệt trong trường hợp với Trung Quốc”, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier từng lên tiếng trong một bài phát biểu tại Kyiv, thủ đô Ukraine.

Đáng chú ý, một số thông tin cho biết đã có tới 6 bộ trưởng trong Nội các của Thủ tướng Scholz lên tiếng phản đối việc cho phép COSCO sở hữu cổ phần cảng Hamburg.

Đức tìm kiếm bước ngoặt trong quan hệ thương mại với Trung Quốc-4

Tàu chở hàng của công ty vận tải biển Trung Quốc COSCO tại bến container Tollerort ở cảng Hamburg, Đức, vào ngày 25/10. Ảnh: Reuters .

Tương tự, giới doanh nghiệp, giữa một bên là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và bên còn lại là những doanh nghiệp lớn cũng có những quan điểm trái ngược nhau trong vấn đề Trung Quốc.

Một số tập đoàn lớn của Đức được hưởng khoản lợi nhuận kếch xù từ việc làm ăn tại Trung Quốc, và thậm chí nhận được sự ưu đãi từ chính quyền Bắc Kinh.

Đơn cử, Martin Brudermüller - vị CEO của hãng hóa chất BASF - đã được hưởng quyền miễn trừ khỏi quy định cách ly nghiêm ngặt của chính quyền và tới tham dự lễ khánh thành công trình đầu tư trị giá 9,9 tỷ USD tại thành phố cảng Trạm Giang vào tháng 9. Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính đã đích thân tới tham dự sự kiện.

Trong khi đó, một báo cáo đưa ra vào năm 2019 của Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) đã gọi Trung Quốc là “đối thủ mang tính hệ thống”, cho thấy những phản ứng trái chiều từ phía đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tượng đã phải chịu đựng tình trạng cạnh tranh không công bằng trong quá trình mở rộng hoạt động sang thị trường Trung Quốc.

Phương Tây chia rẽ

Ở một cấp độ cao hơn, việc chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc cũng thúc đẩy sự xa cách trong quan hệ với các nước phương Tây, đặc biệt trong khối G7 và EU.

Có quan điểm cho rằng chính sách của ông Scholz không đơn giản chỉ là sự tiếp nối về chính sách “Thương mại là trên hết” của người tiền nhiệm Angela Merkel, mà còn là biểu hiện của tầm nhìn “Nước Đức là trên hết”, và Tổng thống Pháp Macron hẳn cũng chia sẻ quan điểm này khi người đồng cấp phía Đức khước từ lời mời đi chung đoàn sang thăm Trung Quốc của ông.

Ngay từ trước và sau chuyến thăm, Washington đã liên tục đánh tiếng về những lo ngại trong quan hệ giữa đồng minh thân cận của mình và Trung Quốc. Thủ tướng Olaf Scholz đã đáp lại tín hiệu từ bên kia bờ Đại Tây Dương bằng một bài xã luận trên trang Politico vào ngày 3/11, trong đó khẳng định rằng “lời kêu gọi từ một vài bên về việc cô lập Trung Quốc” là hoàn toàn không chính đáng.

Kịch bản nào cho quan hệ Trung - Đức?

Dù luôn coi trọng những lợi ích kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc, có thể khẳng định rằng Thủ tướng Olaf Scholz đã, đang và vẫn sẽ đặt ra những “lằn ranh đỏ” nhằm đảm bảo sự đoàn kết trong nội bộ hệ thống chính trị của Đức.

Vị chính trị gia 64 tuổi cũng tuyên bố rằng, các doanh nghiệp Đức đã và đang chủ động tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu các loại nguyên liệu thô quan trọng, đất hiếm cũng như một vài công nghệ tiên tiến từ các bên khác, đồng thời hứa hẹn sẽ có sự thay đổi về chính sách nếu Trung Quốc tiếp tục thắt chặt sự phụ thuộc của chuỗi sản xuất toàn cầu vào nước này.

Tuy nhiên, những thay đổi trong ngắn hạn, mang tính “Zeitenwende” là chưa khả thi, trong bối cảnh những lợi ích mà thị trường Trung Quốc mang lại cho các doanh nghiệp Đức, cũng như thị trường Đức được hưởng từ Trung Quốc, còn quá lớn để đánh đổi cho sự tự chủ.

Trên tất cả, vấn đề vẫn cần bàn luận thêm đó là liệu nước Đức dưới thời ông Sholz đã thực sự tính tới những kịch bản dự phòng cho quan hệ thương mại giữa hai bên?

Một nước Đức lúng túng, chậm trễ trong phản ứng và thiếu quyết đoán trong hành động là điều các nhà quan sát đã chứng kiến trong những ngày đầu chiến sự giữa Nga và Ukraine, và không thể loại trừ khả năng điều này sẽ lặp lại khi những biến cố xảy ra trong quan hệ thương mại giữa Đức và Trung Quốc.

Sự bùng nổ của Trung Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Sự bùng nổ của Trung Quốc” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản tháng 4/2021. Cuốn sách được kết cấu thành 2 phần, bắt đầu với việc phác thảo bối cảnh lịch sử diễn ra sự bùng nổ tư bản (vốn) của Trung Quốc và cơ cấu tổ chức xã hội - chính trị những năm 1980 dẫn tới sự bùng nổ này.

Thủ tướng Đức kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam

Sáng 14/11, Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz cùng đoàn đại biểu cấp cao Đức đã rời thủ đô Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 13-14/11.

Thủ tướng Olaf Scholz: Quan hệ Việt Nam - Đức rất quan trọng

Chiều 13/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Olaf Scholz đã có cuộc gặp gỡ báo chí sau cuộc hội đàm thành công vừa diễn ra.

G20 Indonesia

Nối

Khác

Xem tiếp đi