Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 25/11

Số Hóa 27/11/2022 12:30:42

Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 25/11.

Ba Lan đề xuất Đức chuyển trực tiếp hệ thống Patriot đến Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak nói rằng Đức nên chuyển các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot trực tiếp đến Ukraine thay vì Ba Lan.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nhấn mạnh, việc sử dụng các hệ thống phòng thủ của NATO bên ngoài lãnh thổ của khối cần phải được sự đồng ý của tất cả các quốc gia thành viên.

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 25/11-1

Hệ thống Patriot. Ảnh: Getty

Tổng thống Nga yêu cầu nâng cao chất lượng thiết bị quân sự cung cấp cho quân đội. Phát biểu tại cuộc họp với các thành viên của Hội đồng điều phối trực thuộc chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu của Các lực lượng vũ trang Nga, Tổng thống Putin đã yêu cầu không chỉ tăng số lượng, mà phải cải thiện chất lượng thiết bị quân sự cung cấp cho quân đội.

Ông Putin nhấn mạnh, tất cả mọi thứ đều quan trọng, bao gồm trang thiết bị, thuốc men, phụ cấp tiền cho quân nhân, các công việc xây dựng vì mục đích quân sự. Tổng thống Nga yêu cầu, đối với mỗi lĩnh vực này, các mục tiêu phải được hình thành với các chương trình sản xuất rõ ràng và thời gian cung cấp mọi thứ cần thiết.

Tổng thống Nga ủng hộ thành lập hệ thống thanh toán quốc tế độc lập. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng "trong điều kiện của những hạn chế bất hợp pháp ngày nay, một trong những hướng tấn công là thanh toán. Hệ thống thanh toán quốc tế hiện tại rất đắt đỏ, hệ thống tài khoản đại lý và quy định của nó được kiểm soát bởi một nhóm hẹp gồm các quốc gia và tập đoàn tài chính. Trên thực tế, họ thực sự độc quyền kiểm soát mọi thứ".

Tổng thống Putin tuyên bố: “Dựa trên công nghệ của tiền tệ kỹ thuật số và hệ thống đăng ký được phân bố, có thể tạo ra một hệ thống thanh toán quốc tế mới, tiện lợi hơn nhiều, nhưng đồng thời hoàn toàn an toàn cho người tham gia và quan trọng là không phụ thuộc vào các ngân hàng và sự can thiệp của các nước thứ ba".

Nga và Ukraine trao đổi 100 tù nhân. Mỗi bên trao trả 50 binh sĩ bị bắt giữ sau các cuộc đàm phán.

“Ngày 24/11, theo kết quả đàm phán, 50 quân nhân Nga đã được trả về từ lãnh thổ do chế độ Kiev kiểm soát, những người đang gặp nguy hiểm tính mạng khi bị giam cầm”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố. Những người này sẽ được đưa đến Moscow để điều trị và sẽ được “hỗ trợ tâm lý và y tế cần thiết”.

Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, ông Andrii Yermak, cho biết, 2 sĩ quan nằm trong số 50 binh sĩ được trao trả bị bắt trong các trận chiến ở Mariupol, Azovstal, nhà máy điện Chernobyl và Đảo Rắn.

Nga cảnh báo không bán dầu cho các nước áp đặt giá trần. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo Nga sẽ cắt giao dịch với các quốc gia ủng hộ đề xuất áp giá trần dầu mỏ Nga của G7. Tuyên bố của bà Zakharova giống với những gì người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo trước đó.

“Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng việc đưa ra mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga là một biện pháp chống lại thị trường, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và có thể làm phức tạp đáng kể tình hình trên thị trường năng lượng toàn cầu”, bà Zakharova nói.

Các nước EU nhất trí bỏ khí đốt của Nga khỏi danh sách mua chung. Trong một cuộc họp không chính thức ngày 24/11, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết các bộ trưởng năng lượng của EU đã đồng ý loại trừ khí đốt của Nga khỏi danh sách mua chung. Tuy nhiên, khái niệm “khí đốt của Nga” vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng và vẫn chưa biết liệu khí đốt được sản xuất tại Nga và được mua với sự trợ giúp của một bên trung gian hay một chuỗi các bên trung gian sẽ được định nghĩa như vậy.

Động thái này vẫn chưa được chính thức thông qua cho đến cuộc họp ​​của Hội đồng Năng lượng EU, dự kiến ​​diễn ra vào tháng 12.

Tướng Mỹ dự đoán Nga sắp "đóng băng" cuộc xung đột ở Ukraine. Cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu Mark Hertling nhận định rằng cuộc xung đột ở Ukraine đang bước vào giai đoạn thứ tư. Giai đoạn đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine là kiểm soát các cảng trên Biển Đen và Biển Azov. Giai đoạn thứ hai là thời điểm Nga và Ukraine đối đầu về binh sĩ, thiết bị và đạn dược. Trong khi đó, Ukraine đã tiến hành nhiều cuộc phản công nhằm đẩy lùi lực lượng Nga trong giai đoạn thứ ba của cuộc xung đột.

Ông Hertling nói hiện nay Nga đang tìm cách tạo ra một “cuộc xung đột đóng băng” với Ukraine. Tướng Mỹ cho rằng bằng cách tạm thời “đóng băng” chiến dịch quân sự, Nga sẽ có thêm thời gian xây dựng lại lực lượng và tấn công trở lại, và phương Tây không nên “mắc bẫy” này của Moscow.

Ukraine chuẩn bị đối mặt với mùa Đông khắc nghiệt. Lường trước khả năng mất điện, nước, thiếu hệ thống sưởi ấm trong mùa đông, chính quyền Ukraine đang triển khai các biện pháp giúp người dân vượt qua mùa đông khắc nghiệt mà họ sắp đối mặt.

Chính quyền Ukraine đã thành lập "các trung tâm bất khả chiến bại” - nơi mọi người có thể sạc điện thoại, làm ấm và lấy đồ uống nóng trong mùa đông băng giá hoặc trong bối cảnh bị mất điện. Hơn 4.000 trung tâm kiểu này sẽ hoạt động miễn phí và mở cửa suốt ngày đêm. Chính quyền thành phố Kiev chuẩn bị hơn 1.000 điểm sưởi công cộng. Các điểm sưởi ấm công cộng sẽ được bố trí khắp thành phố, được trang bị máy phát điện và nhu yếu phẩm.

Nga nêu lập trường về “vùng an toàn” tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Nga đang đàm phán với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về việc thiết lập một vùng an toàn xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

“Về việc thiết lập một khu vực an ninh vật lý và hạt nhân tại nhà máy, cần phải có sự giám sát quốc tế đối với các thỏa thuận và việc này phải hiệu quả, nếu không, thỏa thuận sẽ chỉ là một tờ giấy trắng. Đây là vấn đề mà chúng tôi đang thảo luận với Ban thư ký IAEA”, ông Mikhail Ulyanov, đại diện của Nga tại IAEA cho biết.

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 25/11-2

Ông Putin gặp gỡ mẹ của binh sĩ Nga đang chiến đấu ở Ukraine

NATO vẫn để mở cánh cửa cho Ukraine. Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cho biết tại họp báo trước thềm cuộc họp của các Ngoại trưởng NATO ở Bucharest ngày 29-30/11.

“Cánh cửa của NATO đang rộng mở và chúng tôi đã chứng minh điều đó không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động”, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cho biết. Ông Stoltenberg cũng nhắc lại rằng trong những năm gần đây Montenegro và Bắc Macedonia đã trở thành thành viên mới, còn Phần Lan và Thụy Điển được mời gia nhập NATO vào năm 2022. Đây cũng là thông điệp gửi tới Ukraine./.

Đức bị tố muốn Ukraine nhanh chóng đầu hàng trước Nga

theo VOV

Nối

Khác

Xem tiếp đi