Áp đặt giá trần với dầu của Nga: "Vở kịch" chưa có hồi kết

Tin Nhanh Chứng Khoán 30/11/2022 13:42:25

Các quốc gia phương Tây đang loay hoay trong việc áp giá trần dầu mỏ đối với Nga - biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất từng được đưa ra kể từ khi xung đột Nga – Ukraine diễn ra.

Tuy nhiên, thời hạn 5/12 đang đến gần và các quốc gia EU vẫn đang tranh cãi nên đặt ở mức giới hạn nào.

Kế hoạch của phương Tây là cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm vận chuyển dầu thô của Nga trên phạm vi toàn cầu, trừ khi sản phẩm này được bán với giá thấp hơn mức trần do nhóm G7 và các đồng minh đặt ra.

Tuy nhiên, 27 thành viên EU có quan điểm khác biệt lớn về việc nên áp mức giá trần bao nhiêu. Theo Bloomberg đưa tin, nhóm G7 đề xuất mức trần từ 65-70 USD/thùng. Trong khi các quốc gia như Ba Lan, Estonia và Litva muốn mức thấp hơn nhiều, khoảng 30 USD/thùng…

Không một ai có thể dự báo trước các biện pháp cấm vận mới sẽ tác động như thế nào tới giá dầu nói riêng và thị trường năng lượng nói chung.

Dẫu vậy, kể từ khi các lệnh cấm vận được áp dụng từ tháng 2/2022 tới nay, hoạt động xuất khẩu dầu của Nga gần như ít chịu tác động.

Thực tế cho thấy, sản lượng dầu xuất khẩu của Nga không biến động quá mạnh và quốc gia này đã tìm được các thị trường tiêu thụ khác, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ…

Áp đặt giá trần với dầu của Nga: "Vở kịch" chưa có hồi kết-1

Lượng dầu Nga cung cấp tới các thị trường trên toàn cầu và diễn biến trong những năm qua.

Đối với các thành viên thị trường năng lượng, những ngày sắp tới sẽ là thời khắc lịch sử, khi câu hỏi liệu sức mạnh năng lượng của Nga - quốc gia sản xuất và cung cấp hơn 10% lượng dầu thô trên thế giới có thể bị chế ngự?

Còn hiện tại, câu trả lời rõ ràng là không.

Nga sẵn sàng ngừng cung cấp khí đốt tới lượng lớn khách hàng châu Âu, trong khi Ả Rập Xê Út tháng trước quyết định cắt giảm sản lượng, bất chấp sự phản đối từ Mỹ. Điều này buộc các quốc gia tiêu thụ năng lượng phải nhanh chóng hành động, bao gồm Mỹ “hút cạn” kho dầu dự trữ để kiểm soát giá năng lượng, trong khi châu Âu cố gắng thu mua dầu từ châu Á và các nền kinh tế mới nổi khác.

Hiện tại, Brent - loại dầu tiêu chuẩn quốc tế đã giảm giá từ mức 120 USD/thùng trong tháng 6 xuống còn khoảng 85 USD/thùng. Nhưng nguyên nhân chủ yếu bởi Trung Quốc theo đuổi chính sách zero Covid khiến nhu cầu tiêu thụ suy yếu.

Thực tế, giá dầu thô vẫn đang ở mức cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn 2015 – 2021, trong khi dầu diesel - một sản phẩm chủ lực của Nga – vẫn đang ở mức đỉnh.

Giá khí đốt tại châu Âu đã giảm so với mức đỉnh gần 500 USD/thùng vào mùa hè năm nay, sau khi Nga cắt hầu hết nguồn cung. Tuy nhiên, giá gas vẫn đang cao hơn 5 lần mức trung bình trong lịch sử nhiều năm, khiến nền kinh tế châu Âu đối diện lạm phát cao.

Nếu Trung Quốc nới lỏng chính sách zero Covid trong năm tới, khiến nhu cầu tiêu thụ gia tăng, châu Âu sẽ khó lòng mua được năng lượng từ khu vực châu Á như hiện tại và tất nhiên lại chứng kiến giá năng lượng leo dốc.

“Chúng ta rõ ràng vẫn đang trong thời điểm bất ổn. Mối quan hệ giữa các cường quốc năng lượng trở nên mong manh, dễ vỡ, Bất kỳ ai trên thị trường này đều cảm nhận được sức nóng khi giá dầu liên tục chịu tác động phức tạp”, Doug King, Giám đốc RCMA Capital, Công ty điều hành Merchant Commodity Fund cho biết.

Nhà Trắng trong nhiều tháng đã nỗ lực để kiềm chế đà tăng của giá dầu, từ việc dốc cạn kho dự trữ cho tới duy trì áp lực lên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhằm yêu cầu gia tăng sản lượng. Dẫu vậy, vẫn chưa có hiệu quả như mong đợi.

Áp đặt giá trần với dầu của Nga: "Vở kịch" chưa có hồi kết-2

Lượng dầu trong kho dự trữ chiến lược của Mỹ xuống mức thấp kỷ lục.

Ý tưởng đặt mức trần với dầu từ Nga được Bộ Tài chính Mỹ đề xuất được xem là sáng kiến quan trọng và cũng gây tranh cãi bậc nhất. Đối với chính quyền của Tổng thống Biden, đây là phương pháp hạn chế nguồn thu của Nga, đồng thời vẫn duy trì dòng chảy từ quốc gia này tới thị trường toàn cầu.

Trong năm 2021, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, các lệnh cấm vận lên dầu mỏ Nga có thể khiến sản lượng của quốc gia này giảm khoảng 1/3 trong vài tháng. Tuy nhiên, dự báo này tới nay là không chính xác.

“Nga vẫn xoay sở để xuất khẩu lượng lớn dầu thô ở mức độ ổn định”, Martijin Rats, chiến lược gia trưởng thị trường hàng hoá tại Morgan Stanley chia sẻ.

Thậm chí, không ít chuyên gia nhận định, chính lệnh áp đặt giá trần sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn nữa.

Áp đặt giá trần với dầu của Nga: "Vở kịch" chưa có hồi kết-3

Sản lượng dầu của Nga giảm mạnh vào tháng 4/2020 theo thoả thuận cắt giảm sản lượng với OPEC, nhưng hiện tại đã dần khôi phục.

Khoảng 2,4 triệu thùng dầu/ngày từ Nga sẽ cần tìm khách hàng mới bên ngoài EU và các quốc gia G7. Ấn Độ, Trung Quốc và các khách hàng khác sẽ hấp thụ một phần lượng hàng này. Tuy nhiên, ước tính, Nga sẽ cần thêm khoảng 100 tàu chở dầu sẵn sàng hoạt động mà thiếu sự bảo hiểm từ các công ty bảo hiểm/tái bảo hiểm phương Tây để vận chuyển dầu tới thị trường bên ngoài.

Theo hãng nghiên cứu Bernstein, ngay cả khi Nga tiếp cận với đội tàu hoạt động chui thường được các quốc gia đang bị cấm vận như Iran sử dụng, thì con số 100 tàu vẫn khó đạt được. Kết quả là nguồn cung vẫn giảm mạnh và đẩy giá dầu lên mức 120 USD/thùng trong năm tới, ngay cả trong trường hợp suy thoái kinh tế diễn ra.

Cùng quan điểm, Vitol – nhà giao dịch dầu độc lập lớn nhất thế giới ước tính, lượng dầu xuất khẩu từ Nga sẽ giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày, tương đương 20% sản lượng hiện tại với lượng dầu đi bằng đường biển.

Chưa kể, hậu quả với thị trường còn nặng nề hơn. Nga cho biết đang chuẩn bị việc ngừng cung cấp dầu và khí đốt tới các quốc gia hợp tác với việc áp đặt giá trần.

Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, Nga sẽ không đi xa hơn với ý định này, bởi điện Kremlin vẫn cần bán dầu thô tới các quốc gia khác nhằm bù đắp lượng hàng không bán được tới châu Âu.

Tuy nhiên, lịch sử cho thấy nhận định này có phần chủ quan.

“Nga từng phát biểu họ sẽ ngừng cung cấp khí đốt tới bất kỳ ai không trả bằng đồng roubles và thực sự họ đã làm vậy. Bất kỳ quốc gia nào muốn tham gia việc áp đặt giá trần đều phải tính tới chuyện Nga sẽ làm đúng như họ dự định”, Martijin Rats chia sẻ.

Chủ nhật tuần này (4/12), 1 ngày trước khi mức giá trần đối với dầu Nga được công bố, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak sẽ có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo OPEC và các quốc gia đồng minh. Cho tới nay, lãnh đạo OPEC vẫn duy trì quan điểm không "sát cánh" cùng với Nga và cũng không có biện pháp can thiệp vào tình hình hỗn loạn tại thị trường dầu mỏ hiện tại. Tuy nhiên, tổ chức này sẽ không ủng hộ việc áp đặt trần giá dầu, bởi biện pháp này nhiều khả năng sẽ được sử dụng để chống lại chính OPEC trong tương lai.

Với quá nhiều yếu tố không thể đoán định, các thành viên thị trường đang "nín thở" trong 7 ngày nữa để chờ đợi thời điểm lệnh cấm vận áp đặt mức trần với giá dầu Nga được công bố và đi vào hiện thực.

Nối

Khác

Xem tiếp đi