Áo ủng hộ Croatia gia nhập Schengen nhưng từ chối Bulgaria và Romania

Báo tin tức 30/11/2022 13:42:55
Áo ủng hộ Croatia gia nhập Schengen nhưng từ chối Bulgaria và Romania-1

Thủ tướng Áo Karl Nehammer. Ảnh: EPA

Theo mạng tin EURACTIV.de (Đức), Thủ tướng Áo Karl Nehammer mới đây đã ủng hộ Croatia gia nhập khu vực Schengen, một khu vực gồm hầu hết các quốc gia EU không có kiểm soát biên giới. Nhưng sự ủng hộ này lại không dành cho Bulgaria hoặc Romania.

Khu vực Schengen được thành lập vào năm 1985 và mở rộng ra 26 quốc gia cho đến nay. Ủy ban châu Âu gần đây đề xuất kết nạp Croatia, Romania và Bulgaria. Áo, nơi đảng Nhân dân (ÖVP) bảo thủ của Thủ tướng Nehammer đang thực hiện chiến dịch chống di cư mới, đã bày tỏ sự hoài nghi về việc gia nhập của họ.

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ tiến trình gia nhập của Croatia vào khu vực Schengen. Các quốc gia nhận được ủng hộ theo cách riêng rẽ”, ông Nehammer nói nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ song phương giữa Áo và Croatia.

“Việc bảo vệ biên giới của Croatia luôn có nghĩa là bảo vệ biên giới của Áo”, nhà lãnh đạo Áo giải thích, đồng thời ca ngợi sự hợp tác với Croatia, trong khi lưu ý rằng một tuyến đường mới của người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Bulgaria - Romania - Hungary và đến Áo, được 40% người tị nạn sử dụng, cho thấy "có điều gì đó không ổn".

Áo đã chấp nhận 100.000 người tị nạn không phải người Ukraine vào năm 2022, trong khi Hungary chỉ nhận khoảng 3.000 người. Do đó, ông Nehammer đang tìm cách giải quyết sự chênh lệch này bằng cách thành lập một hiệp ước chống di cư với Hungary và Serbia.

Trong bối cảnh trên, cả Bulgaria và Romania đều không có khả năng nhận được sự ủng hộ của Áo liên quan đến vấn đề gia nhập Schengen. Bộ trưởng Nội vụ Romania Lucian Bode hiện đang có kế hoạch tới Vienna để giải quyết các mối quan ngại của Áo và chứng minh rằng khu vực Schengen sẽ trở nên an toàn hơn “trên thực tế” sau khi Romania gia nhập khu vực không biên giới của EU.

Về phần mình, Thủ tướng Croatia Andrej Plenković cho biết ông đã tận dụng cuộc gặp với người đồng cấp Áo Nehammer nhân buổi lễ kỷ niệm trên để “cung cấp thêm thông tin làm rõ trong bối cảnh rộng lớn hơn mà Áo phải đối mặt hiện nay, liên quan đến sự gia tăng đột biến số lượng người xin tị nạn ở Áo và sự gia tăng chung của tình trạng di cư bất hợp pháp”.

Ông Plenković nói: “Chúng tôi rất hiểu về những lo ngại của Chính phủ Áo", nhưng không đề cập đến Bulgaria và Romania mà tập trung vào khía cạnh song phương của cuộc gặp, nhấn mạnh mối quan hệ kinh doanh bền chặt giữa hai nước.

“Áo là nhà đầu tư lớn thứ hai ở Croatia và là một trong năm đối tác thương mại hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi đang nói về hai trong số bốn ngân hàng lớn nhất, các tập đoàn truyền thông, các công ty xây dựng lớn và hơn 1,5 triệu du khách Áo đã đến thăm Croatia trong năm nay. Điều đó cho thấy mối quan hệ của chúng tôi bền chặt như thế nào”, Thủ tướng Plenković nêu rõ.

Khu vực Schengen hiện gồm 26 quốc gia, trong đó có 22 quốc gia EU với gần 420 triệu dân. Nhưng một số ít các nước EU vẫn chưa được hưởng lợi ích của việc đi lại không cần hộ chiếu. Đó là trường hợp của Bulgaria và Romania, hai quốc gia gia nhập EU năm 2007 và đã kiên nhẫn chờ đợi được "bước vào" Schengen.

Vào tháng 10, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết mới gây áp lực lên các chính trị gia để chấp thuận việc kết nạp ngay lập tức Bulgaria và Romania. Nhưng chỉ vài ngày sau, Quốc hội Hà Lan đã thông qua nghị quyết của riêng mình, hối thúc Chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte phủ quyết hai đơn gia nhập của Romania và Bulgaria cho đến khi các cuộc điều tra thêm được tiến hành.

Các nghị sĩ Hà Lan cho rằng vấn đề tham nhũng và tội phạm có tổ chức ở Bulgaria và Romania gây ra "nguy cơ đối với an ninh của Hà Lan và toàn bộ Khu vực Schengen".

Nối

Khác

Xem tiếp đi